Mô hình bác sĩ gia đình: Vẫn còn một số vướng mắc

Thứ hai, 24/08/2015 09:00

(Cadn.com.vn) - TT-Huế là một trong 6 địa phương trên cả nước được Bộ Y tế chọn thí điểm mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) và là cơ sở để tiến đến nhân rộng trên toàn quốc. Tuy nhiên, quá trình triển khai đề án ban đầu vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại...

* Theo báo cáo của 6 tỉnh, thành phố chọn thí điểm thực hiện mô hình BSGĐ, từ năm 2013 đến tháng 6-2014, tại các phòng khám BSGĐ thực hiện được 353.000 lượt khám, chữa bệnh; 2.743 lượt khám, chữa bệnh cấp cứu; 7.002 ca thủ thuật và chuyển tuyến 11.514 ca; khám bệnh tại nhà: 2.391 ca và tư vấn 9.879 cuộc...

Phát biểu tại hội nghị sơ kết thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ vào đầu tháng 8-2015, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá: “Đây là những kết quả đáng ghi nhận, đánh giá sự khởi đầu đúng hướng, phù hợp nhu cầu xã hội, góp phần giảm quá tải bệnh viện, giải quyết bức xúc của xã hội. Để tiếp tục tăng cường y tế cơ sở, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu, mô hình BSGĐ rất cần thiết được tiếp tục nhân rộng trong giai đoạn 2016-2020”.

Tâm lý bệnh nhân thoải mái

BSGĐ là BS đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. BSGĐ là BS hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng... Phòng khám BSGĐ có thể là phòng khám tư nhân độc lập do cá nhân BSGĐ thành lập hoặc cũng có thể thuộc phòng khám đa khoa tư nhân hay mô hình phòng khám BSGĐ thuộc trạm y tế xã. Phòng khám được phép thực hiện việc khám, chữa bệnh BHYT.

Đến nay, mô hình BSGĐ được triển khai thí điểm ở 6 địa phương trên cả nước. Tại TT-Huế, mô hình này được triển khai tại 5 cơ sở, trong đó có 4 mô hình được lồng ghép tại 4 trạm y tế xã và 1 cơ sở của BS tư nhân. Có mặt tại phòng khám BSGĐ ở Trạm y tế Phú Thanh (H. Phú Vang), từ sớm đã có rất đông bệnh nhân (BN) đến khám. BSGĐ Nguyễn Vũ - Trưởng trạm y tế cho biết, hiện phòng khám này quản lý hơn 180 hộ với khoảng 700 nhân khẩu, trong đó tỷ lệ BHYT chiếm gần 90%.

BS Vũ cho rằng: “Nhiệm vụ chính của phòng khám là khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật và những người có tiền sử bệnh mãn tính. Ưu điểm của phòng khám là thực hiện chăm sóc toàn diện, liên tục từng BN và cả gia đình trong suốt thời kỳ ốm đau, giai đoạn phục hồi và trở lại bình thường. Đồng thời, phát hiện sớm bệnh lý và can thiệp kịp thời, giảm biến chứng và giảm chi phí khám chữa bệnh cho cộng đồng”. Ngoài ra, việc quản lý và theo dõi sức khỏe của mỗi hộ gia đình góp phần rất lớn trong phát hiện sớm các nguy cơ xảy ra dịch bệnh, không để bùng phát trên diện rộng...

Mô hình BSGĐ tại TT-Huế được triển khai theo 2 hình thức: Người dân đến phòng khám và các BS về nhà khám cho những BN không thể đi lại được. Ví dụ, BN mổ ruột thừa tại TTYT thay vì nằm 1 tuần thì bây giờ chỉ cần nằm 2 ngày rồi xuất viện và 5 ngày tiếp đó, nhân viên y tế tới nhà thay băng, chăm sóc vết thương...

Tại phòng khám BSGĐ Trạm y tế Phú Thanh, các BS và điều dưỡng thường xuyên đến thăm khám cho khoảng 30 BN không thể đi lại được. BN Nguyễn Thanh Tuấn (40 tuổi, trú thôn Hòa An, xã Phú Thanh) bị chấn thương sọ não do di chứng TNGT, cho biết: “Nếu trước đây chưa có phòng khám BSGĐ, hằng tuần, người nhà phải thuê xe đưa lên thành phố kiểm tra, rất tốn kém. Từ khi ở quê có mô hình này, cứ cách vài ba hôm, mình lại được các BS đến tận nhà thăm khám. Do có BHYT nên mình không phải tốn bất cứ khoản nào”. Tương tự, chị Dương Thị Tem (56 tuổi, trú xã Phú Thanh) bị ngộ độc thức ăn nặng nên mấy hôm nay ngày nào cũng được các BS đến khám bệnh tại nhà. “Được BS đến tận nhà khám bệnh, tâm lý tui rất thoải mái, an tâm chứ không hề bị áp lực như đến điều trị tại bệnh viện”, chị Tem chia sẻ.

Cán bộ y tế của phòng khám BSGĐ - Trạm Y tế Phú Thanh đến thăm khám bệnh cho người dân tại nhà.

Vẫn còn nhiều khó khăn

BS Trương Như Sơn- Giám đốc TTYT H. Phú Vang (địa bàn được chọn thí điểm 2 phòng khám BSGĐ) cho rằng, khó khăn nhất của mô hình này là đến nay hành lang pháp lý công nhận BSGĐ vẫn chưa có văn bản nào quy định. Cái khó thứ hai là kinh phí trong khám chữa bệnh khi nhân viên Y tế đến khám tại nhà nhưng BHYT vẫn chưa thanh toán cho cán bộ y tế. Cái khó thứ ba là không phải ai ra trường cũng được công nhận là BSGĐ, mà họ phải được đào tạo riêng một khóa học 24 tháng.

Còn theo BSGĐ Nguyễn Vũ- người có 2 năm gắn bó với mô hình này thì khó khăn, tồn tại của BSGĐ là vấn đề thanh toán chi phí chữa bệnh bằng giáo dục tâm lý đối với BN có thẻ BHYT chưa được thực hiện. Ngoài ra, việc triển khai đề án BSGĐ giai đoạn đầu đã làm tăng thêm khối lượng công việc của BS Trưởng Trạm y tế, đây chính là khó khăn để mô hình hoạt động có hiệu quả.

Mới đây, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) đã khảo sát một số mô hình BSGĐ ở TT-Huế và cho rằng, giải pháp cơ bản để phát huy cao nhất hiệu quả hoạt động của phòng khám BSGĐ là cần sớm triển khai ứng dụng CNTT, thống nhất cơ sở thông tin dữ liệu quản lý bệnh nhân; hướng dẫn những nội dung liên quan đến công tác khám chữa bệnh, nhất là những người có tham gia BHYT. Ngoài ra, cần có giải pháp về vấn đề kinh phí trong hoạt động khám chữa bệnh, quản lý toàn diện sức khỏe hộ gia đình khi kéo dài liên tục.

H.Lan