Mô hình chợ 4.0 chưa được đón nhận

Thứ ba, 26/04/2022 07:42
Sau hơn 2 tuần ra mắt mô hình Chợ 4.0 tại chợ Hàn, chợ Cồn và chợ Đống Đa (TP Đà Nẵng), việc thanh toán bằng cách quét mã qua Viettel Money vẫn còn khá xa lạ với nhiều người. Cả người mua và người bán đều chưa mặn mà với cách thanh toán mới này.
Chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa là ba khu chợ đầu tiên nằm ở trung tâm thành phố được thí điểm mô hình Chợ 4.0.
Chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa là ba khu chợ đầu tiên nằm ở trung tâm thành phố được thí điểm mô hình Chợ 4.0.

Hầu hết tiểu thương các chợ được áp dụng mô hình đều đã được cài đặt và hướng dẫn sử dụng phần mềm thanh toán trên điện thoại nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều người vẫn chưa dùng đến. Bà K.Q, tiểu thương bán vải tại chợ Hàn cho biết, đến nay vẫn chưa có khách thanh toán bằng cách quét mã QR. Dù bà Q. có giới thiệu để khách hàng sử dụng dịch vụ nhưng chỉ nhận lại những cái lắc đầu. Người mua ưu tiên trả bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản qua ngân hàng. Bà Q. cho hay, những năm trước, khi dịch bệnh chưa xuất hiện, chợ Hàn hằng ngày đón từ vài trăm đến cả nghìn lượt khách ra vào. Phương thức thanh toán cũng chủ yếu bằng tiền mặt. Nếu số tiền trên một triệu, khách sẽ chuyển khoản qua ngân hàng hoặc quẹt thẻ ATM/tín dụng. Đối với du khách nước ngoài, quẹt thẻ tín dụng là phương thức được sử dụng nhiều hơn.

Cũng theo bà Q., dù du lịch đã mở cửa trở lại, nhưng lượng du khách vẫn còn khá thưa. Khách vào chợ chủ yếu là người dân địa phương ở độ tuổi trung niên, lớn tuổi nên chỉ thích việc thanh toán truyền thống. Cũng đã bước vào U50, bà Q. hiểu rõ những khó khăn của độ tuổi này. Ngoài việc ngại tiếp thu cái mới hoặc không biết sử dụng, không có điện thoại thông minh thì một trong những nguyên nhân phải kể đến là vấn đề thị lực. Không hiếm những trường hợp bấm nhầm số khi chuyển tiền, từ 2 triệu thành 20 triệu. Còn trong trường hợp ngược lại, từ 20 triệu thành 2 triệu. "Lúc khách thanh toán nếu nhìn không kỹ, nguy cơ mất tiền là rất cao" - bà Q. kể.

Cùng chung tình trạng với bà Q., tại gian hàng của chị P.T.B.L nằm trong khu chợ Đống Đa, dù mã QR được dán trước gian hàng, nơi khách dễ nhìn thấy nhưng nửa tháng nay vẫn "ế hàng". Theo chị L, khách chủ yếu đưa tiền mặt và thanh toán qua ngân hàng. Chưa có người nào thanh toán bằng cách quét mã. Ngay cả chị cũng chưa từng sử dụng dịch vụ này. Lý giải về lý do khách hàng không sử dụng, chị L. cho biết, giá trị của các đơn hàng thường không quá lớn. Wifi tại chợ mỗi khi kết nối khá phức tạp và tốn thời gian. Nên người mua chọn cách trả tiền mặt sẽ nhanh chóng hơn. Còn về phần mình, chị L. cho hay, khi khách thanh toán qua ngân hàng, điện thoại sẽ nhận được tin nhắn thông báo ngay, dù không cần kết nối với mạng. Điều đó giúp chị dễ kiểm soát hơn.

So với việc chuyển khoản, cả bà Q., chị L. và nhiều tiểu thương khác vẫn thích khách trả tiền mặt, vì dễ kiểm soát dòng tiền, nhanh chóng và… có cảm giác!

Đồng quan điểm với chị L., dù là một người trẻ, buôn bán tháo vát và nhanh nhẹn nhưng anh V.T. (tiểu thương tại chợ Cồn) cũng gặp khó trong việc sử dụng Viettel Money. Điều khiến anh băn khoăn nhất là ứng dụng không thông báo số tiền nhận được như các dịch vụ tin nhắn của ngân hàng. Theo anh T., đó cũng là điểm hạn chế khiến tiểu thương chưa muốn sử dụng hình thức thanh toán này. Vì đa phần, tiểu thương ở chợ từ 35 tuổi trở lên nên khó quản lý dòng tiền nếu không hiển thị thông báo như bên ngân hàng. "Nếu một vị khách thanh toán thì tôi có thể quản lý được. Nhưng nếu lượng khách lớn thì tôi không thể nào kiểm soát. Tôi sẽ sử dụng nếu dịch vụ mang đến cho tôi sự tiện lợi". Anh T. cho rằng, nếu khắc phục được hạn chế trên thì đối với anh hình thức quét mã mang lại sự tiện lợi hơn so với chuyển khoản. Vì anh chỉ cần đưa mã để quét thay vì phải đọc từng số tài khoản gây mất thời gian, cũng như dễ nhầm lẫn.

Không chỉ tiểu thương, người mua hàng cũng ngại khi quét mã. Để sử dụng hình thức thanh toán này, người mua hàng cần cài đặt ứng dụng Viettel Money. Nhưng đa phần, người mua chỉ cài đặt ứng dụng ngân hàng vì sự tiện lợi, có thể thanh toán ở nhiều nơi. Cho nên thay vì quét mã, khách hàng chọn chuyển khoản qua ngân hàng nếu không muốn trả bằng tiền mặt. Bên cạnh đó, một số điện thoại có dung lượng thấp, khách hàng sẽ ưu tiên những ứng dụng có sự tiện lợi nhất để cài đặt vào máy.

Phần khác, điện thoại phải có kết nối internet. Dù tại các khu chợ có hệ thống wifi công cộng nhưng tốc độ truy cập còn yếu. Không phải điện thoại khách hàng nào cũng kết nối sẵn với 3G nên việc mở mạng để truy cập ứng dụng gây mất thời gian và phiền hà. Chị Nguyễn Thị Linh (28 tuổi, du khách Hà Nội) chia sẻ: Việc quét mã QR trên ứng dụng Viettel Money tuy nhanh nhưng đòi hỏi phải cài đặt thêm một ứng dụng nữa vào điện thoại. Trong khi đó, ứng dụng ngân hàng cũng có chức năng quét mã.

Không thể phủ nhận sự thuận tiện và nhanh chóng của hình thức quét mã QR. Nhưng để mô hình Chợ 4.0 thật sự có hiệu quả, dịch vụ cần mang đến những giải pháp thuận lợi hơn và dễ dàng hơn cho cả người bán lẫn người mua. Để mô hình được thành công, thiết nghĩ nên tăng cường công tác tuyên truyền để người dân biết và ứng dụng cần có tính phổ biến hơn trước khi đưa vào các chợ truyền thống.

THU DUYÊN