Mô hình đại học tư thục phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam

Thứ sáu, 11/07/2014 23:02

(Cadn.com.vn) - Ngày 11-7, Trường Đại học Phan Châu Trinh (Hội An, Quảng Nam) chính thức giới thiệu mô hình và lộ trình xây dựng trường đại học tư thục phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam.

Đây được xem là một hướng đi đột phá theo xu thế chung của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, tuy nhiên tại Việt Nam hoàn toàn mới mẻ. Chính vì vậy, nhà trường cũng sẽ đối mặt với không ít khó khăn trong lộ trình hoàn thiện mô hình vào năm 2017.

Công bố mô hình đại học phi lợi nhuận của Trường Đại học Phan Châu Trinh. 

Mô hình giáo dục tiến bộ

Theo Thạc sĩ Đỗ Thế - Phó Hiệu trưởng Đại học Phan Châu Trinh, so với các trường Đại học ngoài công lập chủ yếu hướng tới lợi nhuận hiện nay thì đại học phi lợi nhuận hướng đến sự thành công của người học và lợi ích của cộng đồng. Mọi hoạt động dạy - học được điều hành bằng hội đồng trường là tổ chức bầu ra đại diện cho tập thể.

Khi mô hình này hoàn chỉnh, trường không còn cổ phần của các cổ đông mà chỉ có vốn do các nhà tài trợ, hiến tặng, thu học phí hoặc có người đóng góp được bảo toàn vốn bằng lãi suất bù trượt giá. Vốn có được của nhà trường sẽ được kinh doanh sinh lãi nhưng toàn bộ lợi nhuận đều được đưa vào hoạt động giáo dục, đào tạo và phục vụ cộng đồng.

Cũng theo Thạc sĩ Thế, hiện nay SV của trường đang từng bước được hưởng các quyền lợi như: học phí ổn định và chỉ ngang bằng trung bình chung của các trường công lập, KTX miễn phí, tiếp cận dần với chương trình giáo dục khai phóng, trường dành tối thiểu 10% từ nguồn thu học phí để cấp học bổng cho SV. Riêng người Hội An được cấp học bổng 50% học phí toàn khóa học.

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Ủy viên Hội đồng Quản trị nhà trường cho hay, hiện trên thế giới có rất nhiều trường đại học phi lợi nhuận với chất lượng đào tạo cao. Mô hình mà Đại học Phan Châu Trinh theo đuổi sẽ rất nhiều khó khăn vì quá mới mẻ.

“Từ trước đến nay, nhà nước ta luôn quan tâm phát triển giáo dục nhưng cho đến nay cơ bản vẫn còn nhiều yếu kém. Việc ra đời mô hình đại học phi lợi nhuận đầu tiên này hướng tới một sự đổi mới, cái sự mới thì chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn nên rất cần sự chung tay ủng hộ của chính quyền, ngành giáo dục tỉnh cũng như các nhà hảo tâm”, bà Bình chia sẻ.

Đại diện chính quyền, ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An thẳng thắn nhìn nhận, từ ngày Trường Phan Châu Trinh thai nghén ý tưởng đến nay đã là 7 năm, ý tưởng rất nhân văn nhưng rõ ràng là có cái gì đó rất “lãng mạn”, vì môi trường giáo dục hiện tại sẽ là trở ngại rất lớn. “Bản chất của giáo dục là phi lợi nhuận nhưng càng về sau người ta tính toán lợi ích, lợi nhuận là bao nhiêu chứ không hoàn toàn nghĩ đến việc sẽ đào tạo ra bao nhiêu nhân lực, nhân tài cho xã hội”, ông Sự nói.

Sinh viên Trường Đại học Phan Châu Trinh học theo nhóm dưới sự hướng dẫn của giáo viên nước ngoài.

Không ít khó khăn

Đến thời điểm hiện tại, trường đã vận động được khoản tiền 1 triệu USD tài trợ vĩnh viễn, không hoàn lại, không lấy lợi tức và một khoản 5 triệu USD bảo lãnh để có thể vay ngân hàng trong vòng 5-7 năm. Cạnh đó, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam cũng đã có chủ trương giao 15ha đất tại Cẩm Thanh cho trường xây dựng cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi này thì Đại học Phan Châu Trinh cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đầu tiên, mô hình này được ấp ủ từ những ngày đầu trường thành lập nhưng cho đến nay vẫn chưa có hành lang pháp lý phù hợp nên vẫn chưa được hoàn thiện. Tiếp đó, cộng đồng, người học không khỏi đặt ra những hoài nghi rằng chất lượng tuyển sinh đầu vào, đầu ra sẽ như thế nào? Phương pháp dạy học khai phóng sẽ được triển khai cụ thể ra sao để họ đủ hành trang khi ra trường? Trường hoạt động chủ yếu bằng nguồn tài trợ, hiến tặng, nếu vì lý do nào đó mà nguồn này bị eo hẹp lại thì sao?...

Về vấn đề này, Thạc sĩ Đỗ Thế cho biết, Đại học Phan Châu Trinh sẽ không phải là một đại học lớn, không tuyển sinh nhiều mà chỉ phát triển quy mô đào tạo khoảng 5.000 sinh viên. Người học sẽ được kết hợp chặt chẽ giữa mô trường học tập, nghiên cứu và môi trường sinh hoạt, bao gồm cả nội trú. Trong môi trường giáo dục đại học khai phóng, sinh viên sẽ được rèn luyện phương pháp tư duy, phương pháp phân tích và diễn giải thông tin, giao tiếp có hiệu quả, tích lũy tri thức về tự nhiên và xã hội loài người.

“Chúng tôi khẳng định rằng, sinh viên sẽ học được nhiều hơn và phát triển trí tuệ thông qua việc tạo dựng môi trường và hoạt động tương tác thường xuyên giữa sinh viên với sinh viên và giữa sinh viên với giảng viên. Sẽ còn nhiều thách thức trên lộ trình hoàn chỉnh mô hình nhưng chúng tôi tin rằng đây là con đường phát triển bền vững và đúng đắn của nhà trường trong bối cảnh hiện nay”, Thạc sĩ Đỗ Thế khẳng định.

Công Khanh