Mở hội Bài Chòi ngày xuân
Trong thời khắc đất trời vào xuân, ngày tết đoàn viên thì loại hình nghệ thuật Bài Chòi càng làm xao xuyến tâm hồn, nhất là những người lớn tuổi và những người về quê ăn tết. Cái thú vị của Bài Chòi không chỉ mang tính giải trí đơn thuần, mà ý nghĩa của nó còn vượt ra khỏi hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian, bởi đây là nơi trổ tài vừa biểu diễn, vừa hát hò, đối đáp; là nơi gặp gỡ của cộng đồng vào dịp đầu xuân, trở thành sợi dây vô hình gắn kết tính cộng đồng, mang nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Việt. Trò chơi Bài Chòi và hát dân ca Bài Chòi ra đời rất sớm ở tỉnh miền Trung, bắt nguồn từ quá trình lao động sản xuất, giao thoa văn hóa và sự sáng tạo nghệ thuật của người dân, trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu được của nhiều tầng lớp nhân dân không những trong dịp tết mà còn ở các lễ hội. Trò chơi Bài Chòi được tiến hành với 32 tấm thẻ bài thường được tổ chức vào ngày mồng Một Tết, nhưng hiện nay, hội Bài Chòi không chỉ diễn ra trong những ngày đầu xuân mà còn kéo dài cả tháng giêng, hay trong các dịp lễ hội truyền thống khác. Hội Bài Chòi thường được tổ chức ở những nơi công cộng rộng rãi, thoáng mát.
Trước đây, từ những ngày giáp Tết, mọi người đã bắt đầu tất bật với công việc đẵn tre, bện tranh làm chòi. Người ta dựng 9 chòi bằng tre, gồm 8 chòi cho người chơi và một chòi cho anh Hiệu - người cầm chịch cuộc chơi, ở những nơi đã xác định. Mái chòi tre được trang trí rất đẹp, trên nóc cắm cờ hội. Hội Bài Chòi được khai mạc từ tờ mờ sáng mồng Một Tết. Những cụ già có vai vế trong làng làm lễ cúng thần linh, thổ địa, thành hoàng... cầu cho một năm mới gặp nhiều điều an lành, mùa màng bội thu, làng xóm trù phú, bình yên. Trong khi đó, tiếng trống hội vang lên báo hiệu và thôi thúc dân làng đến chơi và nghe hô hát Bài Chòi. Nhân dân làng trên, xóm dưới trong những bộ trang phục đẹp nhất nô nức, rủ nhau đến chơi Bài Chòi đầu năm tìm sự may mắn.
"Rủ nhau đi đánh Bài Chòi/Để con nó khóc cho lòi rốn ra" là câu ca quen thuộc thời trước mỗi khi tết đến xuân về. Người chơi Bài Chòi vào dịp đầu xuân vừa để cùng gia đình, làng xóm vui chơi, giải trí vừa để cầu may, cầu lộc đầu năm. Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Nam có hơn 30 câu lạc bộ bài chòi được UBND các xã, phường, thị trấn ra quyết định thành lập với khoảng 300 nghệ nhân, nhạc công tham gia và thường xuyên tổ chức sinh hoạt. Tại khu phố cổ Hội An thường tổ chức Hô hát Bài Chòi từ mồng một đến mồng mười tết để phục vụ người dân và du khách. Ngoài Hội An, tại TP Tam Kỳ và các huyện: Duy Xuyên, Phú Ninh, Núi Thành, Hiệp Đức, Tiên Phước... cũng thường tổ chức hoạt động Bài Chòi, nhất là vào dịp Tết.
Hiện nay, bên cạnh những loại hình vui chơi giải trí hiện đại, Bài Chòi vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Và để lưu giữ, phát huy những giá trị truyền thống của Bài Chòi, trong dịp Tết, các địa phương có kế hoạch tổ chức, chuẩn bị kỹ càng các địa điểm vui xuân, Hô hát Bài Chòi nên thu hút nhiều người tham gia. Các làn điệu dân ca Bài Chòi đã làm say lòng người đi chơi xuân bởi những ca từ đời thường, dung dị nhưng yêu đời và niềm lạc quan, vui vẻ. Và tình yêu Bài Chòi của các nghệ nhân cũng xuất phát từ lý do giản đơn này. Ông Thái Tàu - nghệ nhân hô hát Bài Chòi ở Duy Xuyên bộc bạch: "Từ nhỏ, tôi đã yêu mến loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian được ông cha ta để lại này, nên đã tự học hỏi để giờ phục vụ nhân dân và muốn lưu truyền cho thế hệ mai sau về nét đẹp văn hóa Bài Chòi". Đến với Bài Chòi những ngày Tết cổ truyền sẽ được đắm chìm trong không khí rộn ràng từ điệu hò lý thú và ý nghĩa, đậm đà bản sắc truyền thống cùng những điệu cười sảng khoái, vui tươi, cùng chúc tụng nhau những ngày đầu năm mới an khang.
Quyên Quyên