Mở lối xuống biển cho người dân Đà Nẵng: Từ quyết tâm chính trị đến hành động

Thứ sáu, 03/05/2019 10:46

Bí bách trong một thời gian khá dài, đến nay “cuộc chiến” giành lại lối xuống biển cho người dân tại Đà Nẵng xem ra đã cơ bản đi đến hồi kết. Bên cạnh quyết tâm chính trị đến hành động của chính quyền thành phố, thì sự đồng thuận của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và yêu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người dân khi muốn tiếp cận với biển là yếu tố quan trọng để giúp Đà Nẵng khắc phục được những hạn chế, thiếu sót do “lịch sử” để lại... 

Lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương đã hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 29-3-2019. Ảnh: Công Khanh

Từ muốn xuống biển phải đi... đường vòng...

Tại Đà Nẵng, trong vòng 10 năm trở lại đây, câu chuyện về lối xuống biển, hay nói cách khác, việc tiếp cận với biển của người dân nơi đây trở thành đề tài “nóng” không chỉ trên mặt báo mà còn tại các diễn đàn nghị sự của các cấp chính quyền từ thành phố đến quận, huyện. Hầu hết “mặt tiền” biển từ Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu đến Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn ít nhiều đều bị ảnh hưởng, thậm chí có nơi bị bịt kín, án ngữ bởi các dự án. Có rất nhiều hộ dân, mặc dù ở sát bãi biển, tính theo đường chim bay chỉ khoảng vài trăm mét, nhưng khi muốn xuống biển, họ phải... đi vòng qua địa bàn khác, với quãng đường vài ba cây số mới tiếp cận được với biển. Tất nhiên, việc “đi vòng” này ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, di chuyển, chưa kể tốn kém về tiền bạc, thời gian...

Điểm qua một vài khu vực, điển hình như dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (nay là The Sunrise Bay), gần 10 năm nay, để phục vụ thi công dự án, Chủ đầu tư đã dựng một dãy hàng rào kín mít chiếm trọn mặt tiền vịnh Đà Nẵng trải dài từ cầu Thuận Phước (Q. Hải Châu) đến giao lộ Tôn Thất Đạm (Q. Thanh Khê). Việc làm này khiến cho hàng ngàn hộ dân tại các phường Thuận Phước, Thanh Bình (Q. Hải Châu) và Tam Thuận, Xuân Hà (Q. Thanh Khê) không chỉ mất biển, mất bãi tắm, mà bờ biển trải dài dành cho ngư dân các làng chài này neo đậu tàu thuyền cũng bị xóa sổ. Hay như ở Q. Ngũ Hành Sơn, từ nhiều năm nay, câu chuyện “đòi” lại lối xuống biển của người dân luôn là chủ đề “nóng” tại các cuộc họp HĐND, các cuộc tiếp xúc cử tri từ thành phố đến quận, phường... Dọc theo tuyến đường Võ Nguyên Giáp đến Trường Sa, điều dễ nhận thấy là hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng mọc lên san sát. Trong đó, có thể kể đến hàng loạt khu du lịch đẳng cấp như Pullman Resort, Furama Resort, Fusion Maia Resort, Olalani Rerort... Cũng trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn, bên cạnh những dự án đã đi vào hoạt động hoặc đang xây dựng cũng có không ít các dự án “treo”, dự án “xí phần”. Những dự án này mặc dù chưa xây dựng nhưng cũng rào chắn, che chắn kín mít càng khiến việc đi xuống biển của người dân địa phương rất khó khăn. Đơn cử như, suốt dọc chiều dài khoảng 4-5 km từ bãi tắm Sao Biển đến bãi tắm Sơn Thủy không có lối đi xuống biển dành cho người dân địa phương lẫn du khách.

Theo tìm hiểu của PV, chỉ tính riêng thời điểm từ năm 2001 đến 2015, hàng nghìn héc-ta đất ven biển đã được bán cho các nhà đầu tư phát triển các dự án nghỉ dưỡng. Kéo theo đó là nhiều khách sạn, resort liên tiếp mọc lên trên các bãi biển, dự án nối tiếp dự án khiến để lại nhiều hệ lụy. Trong đó, có việc bịt kín hết các lối xuống biển của người dân địa phương lẫn du khách.

...đến giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc “đòi” lại lối xuống biển cho người dân sẽ là một “bài toán” khó đối với chính quyền thành phố. Bởi trước đây, để thu hút đầu tư, Đà Nẵng đã ra sức mời gọi, có nhiều chính sách ưu đãi và cấp phép cho doanh nghiệp xây dựng, phát triển dự án. Nếu doanh nghiệp thực hiện đúng theo phê duyệt, chính quyền không thể đơn phương thu hồi, mà cần tìm giải pháp hài hòa, nếu không có thể sẽ phát sinh những hệ lụy về môi trường đầu tư cũng như đối diện với các vụ kiện cáo từ phía doanh nghiệp. Với việc mở các lối xuống biển, tất nhiên Đà Nẵng cũng không ngoại lệ. Thế nhưng đến nay, “bài toán” ấy đã được cơ bản đã được giải quyết, thậm chí chủ trương trên đã tạo ra hiệu ứng tốt khi nhận được sự đồng thuận từ phía các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Tại rất nhiều diễn đàn, hội nghị hay các cuộc tiếp xúc cử tri, đề cập đến lối xuống biển cho người dân, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa thường nêu quan điểm rằng, trước đây, thành phố phải di dân, người dân tự nguyện di dời để nhường đất cho doanh nghiệp, cho các dự án đầu tư. Đến nay, để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân thì doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng phải vì lợi ích của cộng đồng mà chia sẻ. Tất nhiên, lãnh đạo thành phố vẫn khẳng định, khi thu hồi đất, phải xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau, cốt yếu nhất là vẫn hài hòa lợi ích giữa các bên.

Cùng với quyết tâm chính trị và hành động của chính quyền, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp, nhà đầu tư có dự án “chiếm dụng” mặt tiền bờ biển đã hưởng ứng chủ trương trên của thành phố. Tại hội nghị BCH Đảng bộ thành phố lần thứ 16 diễn ra ngày 12-4 vừa qua, ông Thái Ngọc Trung - Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng thành phố cho biết, đến nay, 3/5 lối xuống biển tại Q. Ngũ Hành Sơn đã cơ bản hoàn thành, 2 lối xuống biển còn lại đang tiếp tục triển khai.

Cụ thể, theo ông Trung, lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương (rộng 15m, dài 445m) hiện đã hoàn thành thủ tục nghiệm thu, bàn giao cho Q. Ngũ Hành Sơn và BQL Bán đảo Sơn Trà đưa vào sử dụng ngày 29-3-2019. Lối xuống biển khu vực giữa khách sạn Furama và Ariyana (rộng khoảng 25-40m, dài 330m) do phải bổ sung thêm một số hạng mục (mở rộng thêm lối đi, bổ sung thêm quảng trường, bãi đỗ xe) theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa trong chuyến kiểm tra thực tế ngày 5-12-2018 nên dự kiến đưa vào sử dụng vào ngày 2-9-2019. Lối xuống biển phía Nam dự án KDL và giải trí Silver Shores Hoàng Đạt (rộng 7m, dài 273m) hiện UBND thành phố đã thống nhất chủ trương giao Chủ đầu tư dự án Silver Shores xây dựng lối xuống biển này. “Do lối xuống biển này nằm sát khối công trình cao tầng đang thi công, có thể ảnh hưởng đến an toàn cho người dân khi sử dụng nên Công ty  Silver Shores đề nghị được bàn giao đưa vào sử dụng sau khi hoàn thành khối công trình cao tầng của dự án. Hiện Chủ đầu tư đã thi công hoàn thành phần mặt đường bê-tông”, ông Trung cho biết. Riêng lối xuống biển phía Bắc thuộc dự án KDL biển The Song Đà Nẵng (rộng 10m, dài 271m), UBNDTP giao cho ngành chức năng và địa phương làm việc với chủ đầu tư dự án. Qua làm việc, Chủ đầu tư đã thống nhất, đề xuất thời gian hoàn thành là ngày 30-6-2019. Lối xuống biển phía Nam dự án Future Propety Invest, mới đây UBNDTP đã phê duyệt quy hoạch mở rộng từ 4m thành 20,5m, hiện đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để kịp khởi công vào ngày 2-9-2019, dự kiến hoàn thành nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng trong năm 2019...

Ngoài 5 lối xuống biển tại Q. Ngũ Hành Sơn cơ bản được giải quyết thấu đáo, hài hòa thì tại địa bàn Q. Sơn Trà, nơi có nhiều bãi tắm công cộng, công viên do thành phố đầu tư cho người dân và du khách sinh hoạt, vui chơi thì trên địa bàn, hiện các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng rất đồng thuận với chính quyền khi họ chủ động quy hoạch lối xuống biển cho người dân tại khu vực dự án của mình.

Theo quan sát của PV, suốt chiều dài bờ biển kéo dài hàng chục ki-lô-mét từ chân núi Sơn Trà đến giáp địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn, ngoài các bãi tắm công cộng (số 1, 2, 3) thì tại các dự án, hàng chục lối xuống biển cũng được chủ đầu tư chủ động mở ra để người dân dễ dàng tiếp cận, thậm chí có nhiều lối xuống biển “cắt ngang” qua dự án.

Cũng theo ông Thái Ngọc Trung, ngoài 5 lối xuống biển tại Q. Ngũ Hành Sơn thì đến nay, thành phố cũng đã thống nhất đầu tư mới 4 quảng trường kết hợp bãi đỗ xe tại cuối các trục đường chính, với khoảng cách từ 1-3km tại các Q.Thanh Khê và Liên Chiểu. Cụ thể, đầu tư quảng trường cuối tuyến đường Hà Khê (Q. Thanh Khê), cuối đường Nguyễn Sinh Sắc, đường Nguyễn An Ninh và đường Nguyễn Tất Thành (Q. Liên Chiểu) để phục vụ người dân.

D.H

Điều chỉnh, tổ chức giao thông tại đường Cách Mạng Tháng Tám và hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương

Đà Nẵng - BQL dự án Xây dựng và bảo trì hạ tầng giao thông (Sở GTVT TP Đà Nẵng) ngày 2-5 cho hay, vừa phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thi công, đưa vào vận hành chế độ đèn xanh, vàng, đỏ tại các nút giao thông trên đường Cách Mạng Tháng (CMTT). Cụ thể, cải tạo nút, bố trí làn rẽ trái, điều chỉnh tổ chức giao thông nút giao thông đường CMTT - Nguyễn Nhàn; cải tạo nút, bố trí làn rẽ trái, điều chỉnh tổ chức giao thông nút giao thông đường CMTT - Ông Ích Đường; cải tạo nút, mở dải phân cách giữa, bố trí làn rẽ trái và lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại nút giao thông đường CMTT - Trần Huấn - Trần Phước Thành.

* UBND TP Đà Nẵng cũng đồng ý chủ trương theo đề nghị của Sở GTVT liên quan đến tổ chức giao thông phía Đông hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương. Phương án mới cho phép đóng 1 vị trí dải phân cách giữa, kết hợp xóa vạch sơn đi bộ tại vị trí trước cổng chính Công viên 29-3 trên đường Điện Biên Phủ. Trong thời gian chờ xây dựng cầu vượt đi bộ, vẫn giữ nguyên 1 vị trí mở dải phân cách đi bộ còn lại, giữa ngã ba Cai Lang và ngã ba Điện Biên Phủ - Hải Phòng. UBND Q. Thanh Khê, UBND các phường Chính Gián, Thạc Gián được giao kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè đoạn từ hầm chui đến ngã ba Cai Lang đồng thời tuyên truyền, vận động người dân trong khu vực chia sẻ, tham gia giao thông đúng quy định, góp phần đảm bảo TTATGT.

Công Hạnh - Đông A