Mở rộng điều tra các vụ án liên quan đến người nước ngoài
* Chuẩn bị cưỡng chế Mường Thanh
Tại cuộc họp báo quý III năm 2019 do Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh chủ trì, lãnh đạo các sở, ngành của thành phố Đà Nẵng đã thông tin tiến độ xử lý các vấn đề nóng trên địa bàn trong thời gian qua. Việc xử lý các sai phạm trên lĩnh vực tài nguyên môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, các vụ án liên quan đến người nước ngoài được các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm.
Đà Nẵng bắt đầu thực hiện các bước để cưỡng chế; xử lý sai phạm tại tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà. |
Thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra, nhưng khối lượng công việc là rất lớn Trả lời câu hỏi về tiến độ thực hiện các nội dung liên quan đến Kết luận số 34 của Thanh tra Chính phủ về việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin, Sở được giao nhiệm vụ tổng hợp ý kiến của các đơn vị liên quan một cách nghiêm túc. “Việc thực hiện những kết luận thanh tra, kể cả Kết luận 2852 và Kết luận số 34 được thực hiện nghiêm túc. Nhưng các nội dung liên quan là rất nhiều, khối lượng rất lớn, cần sự thông cảm, chia sẻ của các cơ quan báo chí”, ông Hùng cho hay. |
Xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội là người nước ngoài
Trả lời câu hỏi về tiến độ xử lý các vụ án liên quan đến người nước ngoài phạm tội trên địa bàn Đà Nẵng, Thượng tá Trần Nam Hải – Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Đà Nẵng cho biết, 2 vụ án nổi bật trong thời gian qua hiện đang được lực lượng tập trung đấu tranh, xử lý là vụ nhóm đối tượng Trung Quốc thuê vị thành niên để sản xuất phim đồi trụy và một nhóm đối tượng khác chuyên trộm két sắt của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo Thượng tá Trần Nam Hải, ngay từ đầu năm 2019, Giám đốc CATP Đà Nẵng đã chỉ đạo các lực lượng theo dõi, nắm tình hình, quản lý địa bàn và phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm là người nước ngoài trên địa bàn thành phố. Việc quyết liệt thực hiện chuyên đề đã đưa đến kết quả điều tra, phá án, bắt giữ 5 đối tượng người Trung Quốc và 1 phiên dịch người Việt Nam có hành vi giao cấu với trẻ em đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. “Chúng tôi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với 6 đối tượng này. Đến hiện tại, đang tiếp tục xác minh có thêm đồng phạm hay không, có xử lý được hành vi tuyên truyền, phát tán văn hóa phẩm khiêu dâm trên mạng hay không. Mọi tình tiết, dấu hiệu đang được cơ quan điều tra củng cố và tiếp tục làm rõ”, Thượng tá Hải thông tin.
Cũng theo Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự CATP Đà Nẵng, sau thời gian ngắn lập chuyên án đấu tranh, ngày 16-10, lực lượng đã khám phá thành công vụ án 2 đối tượng người Trung Quốc thực hiện hàng loạt vụ đục két sắt để trộm hàng tỷ đồng của các doanh nghiêp trên địa bàn thành phố. "Hiện tại cơ quan điều tra cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam và tiếp tục làm rõ các đồng phạm tham gia cùng với hai bị can này, cũng như làm rõ tất cả các vụ vi phạm pháp luật của các đối tượng này trên lãnh thổ Việt Nam".
Ông Lê Trung Chinh chủ trì họp báo. |
Vào cuộc điều tra vụ đe dọa ép hủy kết quả đấu thầu
Tại buổi họp báo, rất nhiều phóng viên quan tâm đến việc ông Nguyễn Hữu Hinh - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Đà Nẵng bị một người xưng là người của Tổng cục 2 nhắn tin đe dọa, ép hủy thầu liên quan đến gói thầu Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, Q. Hải Châu.
Về diễn biến vụ việc, ông Hinh cho hay, UBND TP Đà Nẵng giao đơn vị làm chủ đầu tư kiêm điều hành dự án này. Trong 17 nhà thầu đã mua hồ sơ mời thầu thì Ban quản lý dự án phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu dự thầu, gồm: Công ty CP đầu tư và phát triển hạ tầng Thăng Long, Tổng Công ty 789, Công ty CP đầu tư và thương mại quốc tế Huy Hoàng. Ngày 7-10, BQL dự án phê duyệt kết quả đơn vị trúng thầu là Cty Thăng Long với giá trúng thầu hơn 58,5 tỷ đồng. Trong quá trình Cty này triển khai xây dựng thì những ngày qua ông Hinh nhận được nhiều tin nhắn đe dọa, yêu cầu hủy kết quả đấu thầu đối với dự án xây dựng Trường tiểu học Lý Tự Trọng. Số điện thoại nhắn tin tự xưng là cán bộ của Tổng cục 2 dọa nếu không đáp ứng yêu cầu thì sẽ can thiệp để cơ quan chức năng kiểm tra các dự án trước đây của Ban quản lý dự án và lý lịch cá nhân của ông Hinh. “Chúng tôi đã báo cáo vụ việc với Thành ủy Đà Nẵng, thông báo cho cơ quan Công an. Phía Tổng cục 2 cũng đã vào cuộc để điều tra, làm rõ", ông Hinh thông tin.
Ông Hinh cho biết thêm, những ngày qua có những ý kiến trái chiều về việc đấu thầu dự án Nhà máy nước Hòa Liên do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Đà Nẵng tổ chức. Trong số này có cả ý kiến của những nhà thầu không tham gia. Đơn vị đang xác minh và làm việc với Cục quản lý đấu thầu để xin ý kiến đồng thời có báo cáo lãnh đạo thành phố, chờ chỉ đạo để triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.
Thượng tá Trần Nam Hải cho biết, cơ quan điều tra đang mở rộng các vụ án liên quan đến người nước ngoài phạm tội. |
Lên kế hoạch cưỡng chế, xử lý sai phạm của Mường Thanh
Vấn đề đã được hỏi qua rất nhiều cuộc họp báo đã được các cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm, đó là xử lý thế nào với sai phạm của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên - chủ đầu tư công trình tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà. Phó Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn Nguyễn Đức Việt cho biết, ngày 7-10 vừa qua Chủ tịch UBND thành phố đã ký quyết định về việc cưỡng chế và buộc khắc phục hậu quả liên quan các sai phạm từ tầng 2-5, tầng 35, 41, 42 và tầng kỹ thuật của dự án này. Đủ 15 ngày kể từ khi ban hành quyết định mà chủ đầu tư không thực hiện tháo dỡ các hạng mục sai phạm thì quận sẽ tiến hành cưỡng chế.
Theo quy trình được đưa ra, từ nay đến cuối năm sẽ tuyên truyền, vận động di dời dân ở các tầng xảy ra sai phạm. Vấn đề cốt lõi nhất là các căn hộ này chưa đủ điều kiện để bán nhưng chủ đầu tư vẫn bán cho các hộ dân vào ở. Chính vì vậy, thành phố đã thành lập tổ tư vấn pháp lý để tư vấn cho các hộ dân, mọi việc xử lý đều lên quan đến quyền lợi của người dân. “Về tiến độ, sau Tết dương lịch, nếu chủ đầu tư không thực hiện tháo dỡ, khắc phục sai phạm thì phía chính quyền sẽ lựa chọn nhà thầu thực hiện công việc này”, ông Việt cho hay.
Liên quan đến những sai phạm trong lĩnh vực bất động sản, thông tin nhiều khách hàng mua đất tại dự án khu đô thị Phú Mỹ An (Q. Ngũ Hành Sơn) do Cty CP Đầu tư xây dựng 579 làm chủ đầu tư đã qua 10 năm nhưng chưa được cấp sổ đỏ cũng được nêu ra. Giải đáp việc này, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, hiện Sở đang xác định lại nghĩa vụ tài chính do dự án này có điều chỉnh quy hoạch. Công việc này hết sức khó khăn, phức tạp mà không thể giải quyết được trong ngày một ngày hai. Ông Hùng cho biết thêm, toàn thành phố hiện có rất nhiều dự án đã thực hiện việc mua bán nhưng chưa thể cấp sổ đỏ. Nguyên nhân là chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc chưa đủ điều kiện về hạ tầng. Sở đang thực hiện giải pháp là rà soát trong khu vực thực hiện các dự án, những khu đất nào đủ điều kiện cấp sổ kèm theo cam kết của chủ đầu tư thì đơn vị cấp sổ trước.
Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà. |
Giám sát nước đầu nguồn Đối với những lo ngại về nguồn nước sinh hoạt tại Đà Nẵng có nguy cơ ô nhiễm do hoạt động khai thác vàng đầu nguồn, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, đã tham mưu thành phố ban hành các quyết định liên quan đến việc phê duyệt vùng bảo hộ, vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình được cấp phép khai thác, phục vụ việc cung cấp nước của thành phố. Hiện Sở đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố làm việc với Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Nam đề nghị cung cấp DTM của các mỏ vàng trên địa bàn đã cấp phép. Sở cũng đã báo cáo, tham mưu lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Ban điều phối Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn có những giải pháp bền vững xung quanh lo ngại nguồn nước ô nhiễm. Riêng Đà Nẵng, hiện chỉ có 1 mỏ vàng tại Khe Đương (Hòa Bắc, Hòa Vang) nhưng chưa khai thác. |
Chưa chốt dự án Cảng Liên Chiểu
Liên quan đến dự án Cảng Liên Chiểu, ông Thái Ngọc Trung - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho hay, trước đây dự án này được quy hoạch với diện tích 200-300ha. Tuy nhiên mới đây đơn vị tư vấn Singapore trong nghiên cứu tư vấn quy hoạch chung cho thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2014 thì nhận thấy toàn bộ cảng lấn ra biển. Chính vì vậy đơn vị này đưa ra 2 phương án cho thành phố lựa chọn: làm cảng Liên Chiểu hoặc tập trung đầu tư phát triển cảng Tiên Sa. Nếu đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu thì diện tích cảng phần lớn là lấn biển, ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan từ khu vực Nam Ô đến làng Vân. Để phát triển cảng thì phải tạo luồng cho các loại tàu thuyền đi vào, điều này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm vịnh Đà Nẵng. "Đơn vị tư vấn nghiêng về việc phát triển, đầu tư mở rộng cảng Tiên Sa. Tuy nhiên, việc lựa chọn, quyết định là của thành phố. Họ có lý của họ, nếu mình xác định mũi nhọn là du lịch và công nghiệp công nghệ cao thì cảng là một hợp phần thứ yếu, quy mô vừa phải. Cảng Chân Mây, Kỳ Hà có quy mô rất lớn, Đà Nẵng không nên đi cạnh tranh về cảng với các đô thị khác", ông Trung cho hay. Cũng theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng, chủ trương này vượt quá thẩm quyền của thành phố. Ban Thường vụ Thành ủy đã tổ chức họp, lấy ý kiến nhưng cũng chưa thông qua được. Bí thư Thành ủy chỉ đạo các đơn vị chức năng thành phố mời Bộ GTVT chủ trì, tổ chức hội thảo tham vấn chuyên gia về ý kiến của tư vấn Singapore.
Công Khanh