Mở rộng đối tượng điều trị PrEP để giảm lây nhiễm HIV

Thứ tư, 20/01/2021 14:51

Ngày 19-1, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) giai đoạn 2021-2025 và hướng dẫn quản lý, sử dụng thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đại diện các bộ, ngành Trung ương, các trung tâm kiểm soát bệnh tật 63 tỉnh, thành phố và một số tổ chức quốc tế đã tham dự.

Tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS. Ảnh: S.K

Mở rộng xét nghiệm phát hiện người nhiễm HIV

Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại TPHCM, tính đến tháng 9-2020, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì cả nước có trên 213.008 người nhiễm HIV hiện đang còn sống và 107.812 người nhiễm HIV đã tử vong.

Trung bình mỗi năm cả nước phát hiện thêm 11.000 ca nhiễm HIV và 2.800 người tử vong. Riêng trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn phát hiện mới 13.000 người nhiễm HIV. Hiện có gần 151.000 người nhiễm HIV đang được điều trị AVR tại 446 cơ sở điều trị HIV/AIDS, 39 trại giam, trại tạm giam, trung tâm giáo dục bắt buộc và 652 trạm y tế xã, phường cấp phát thuốc ARV. Theo Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long, năm 2020, mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vẫn được triển khai rộng rãi và hiệu quả. Các bệnh nhân HIV/AIDS, bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện vẫn được điều trị liên tục, không bị "đứt thuốc", kể cả khi bệnh nhân bị cách ly hoặc cơ sở điều trị bị phong tỏa.

Hiện tại, việc xét nghiệm sàng lọc HIV bao phủ 100% tuyến huyện và xét nghiệm khẳng định HIV bao phủ 100% tỉnh/thành phố. Xét nghiệm khẳng định HIV được mở rộng xuống tuyến huyện. Hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định HIV cũng đang được triển khai thí điểm sử dụng 3 test nhanh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV được duy trì, việc hỗ trợ kỹ thuật hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tại các tỉnh trọng điểm được chú trọng thực hiện. Bên cạnh đó, Cục duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Tính đến 30-9-2020, chương trình Methadone được triển khai tại 340 cơ sở điều trị của 63 tỉnh/thành phố, điều trị cho 52.440 bệnh nhân.

Việc điều trị ARV qua bảo hiểm y tế được mở rộng, phấn đấu tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus HIV dưới ngưỡng ức chế đạt 95% trở lên.

Xác định nhóm nguy cơ chính gây dịch HIV

Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Phan Thị Thu Hương, hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) được mở rộng tại 27 tỉnh, thành phố. Tính đến 30-9-2020, tổng số khách hàng sử dụng ít nhất 1 lần dịch vụ PrEP là 13.625 khách hàng, số khách hàng đang điều trị PrEP 10.097 người, đạt 86,7% chỉ tiêu đã đặt ra cho năm 2020. Trong số khách hàng điều trị PrEP, có 78,6% là nhóm khách hàng MSM có nguy cơ cao nhiễm HIV. Số cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP là 111 cơ sở, trong đó tư nhân 28 cơ sở và công lập 83 cơ sở; hơn 50% số khách hàng PrEP đang nhận dịch vụ điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân. Nhận thức về PrEP của các nhà lãnh đạo, cán bộ y tế, các tổ chức dựa vào cộng đồng, tổ chức xã hội, khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV và người dân ngày càng được nâng cao.

Qua theo dõi gần 2 năm triển khai điều trị PrEP, chỉ có 8 khách hàng có kết quả xét nghiệm HIV dương tính do không tuân thủ điều trị, không có khách hàng nào bị nhiễm HIV khi tuân thủ điều trị tốt. Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy, điều trị PrEP làm giảm lây nhiễm HIV đến 86% ở nhóm MSM (nghiên cứu IPERGAY và PROUD), làm giảm lây nhiễm HIV đến 75% ở nhóm cặp bạn tình dị nhiễm (nghiên cứu Partners PrEP), làm giảm lây nhiễm HIV đến 62% ở nhóm quan hệ tình dục khác giới (nghiên cứu TDF2).

B.T