Mở rộng đường lánh nạn đường bộ qua đèo Hải Vân

Thứ tư, 01/04/2015 12:33

(Cadn.com.vn) - Chiều 31-3 Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Cục Quản lý đường Bộ II, Liên doanh nhà đầu tư Cty Đèo Cả - Cty Sông Đà 10 – Cty Hải Thạch, các Sở, ban ngành TP về việc mở rộng đường lánh nạn đường bộ qua đèo Hải Vân.

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư Đèo Cả đại diện liên doanh nhà đầu tư, năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận đầu tư hạng mục “Xây dựng mở rộng hầm lánh nạn thành hầm chính thứ hai” của công trình hầm đường bộ qua đèo Hải Vân. Nhưng do không thu xếp được nguồn vốn từ Nhật Bản, nên dự án không được triển khai như mong đợi. Hiện nay, sau 10 năm khai thác, việc lưu thông trên một ống hầm (với chiều dài L=6.2km), 2 làn xe cơ giới, trở nên phức tạp, dễ gây ùn tắc, hỏa hoạn & gây mất An toàn giao thông. Bên cạnh đó, chủ trương đầu tư mở rộng QL1A thành 4 làn xe từ Hà Tĩnh (Vũng Áng) đến Cần Thơ, trong đó có đoạn qua khu vực hầm Hải Vân, đã được thường trực Chính phủ thông qua ngày 16-1-2012. Do đó, đầu tư mở rộng hầm lánh nạn Hải Vân trên QL1A là cần thiết.

Các đại biểu tại buổi làm việc.

Ông Hoàng cho biết, hiện nay  Bộ GTVT đã đồng ý về chủ trương đầu tư, quy mô đầu tư, và phương án thu hồi vốn. Theo đó, điểm đầu của dự án thuộc thị trấn Lăng Cô (H. Phú Lộc, TT-Huế) và điểm cuối phường Hòa Hiệp (Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Dự án có đường dẫn phía bắc dài 2,1km, đường dẫn phía Nam dài 4,3km tuyến hầm lánh nạn được mở rộng dài 6,2km, rộng 9,75m, 2 làn xe, mỗi làn 3,5m, dải an toàn 1,5m và tĩnh không đứng bên trong hầm là 5m. Thi công theo phương pháp khoan nổ. Nhu cầu sử dụng đất của công trình là 52,2ha, trong đó khu vực Đà Nẵng 30,9ha và Thừa Thiên Huế 21,3ha.

Theo ông Hoàng tiến độ triển khai dự án, trong tháng 5-2015 lập đề xuất dự án; tháng 8-2015 thiết kế và lập dự án đầu tư; tháng 12-2015 thiết kế kỹ thuật; quý I-2016 sẽ chính thức khởi công dự án và hoàn thành vào quý I/2019. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 6.234 tỷ đồng. Ông Hoàng cũng kiến nghị Bộ GTVT đẩy nhanh thủ tục sớm phê duyệt đề xuất dự án; thống nhất phương án tài chính của nhà đầu tư, giữ lại trạm thu phí phía Nam của hầm Hải Vân để làm cơ sở hoàn vốn cho dự án; hỗ trợ nhà đầu tư, và các đơn vị tư vấn trong quá trình thực hiện công tác khảo sát, tham vấn cộng đồng và GPMB trong khu vực của TP Đà Nẵng và TT-Huế.

 Vị trí nhà đầu tư chọn mở rộng đường hầm lánh nạn Hải Vân.

Theo ông Nguyễn Đình Bách, Tổng Giám đốc Quản lý và Khai thác Hầm đường bộ Hải Vân, hiện nay đường hầm Hải Vân đã quá tải nên việc đầu tư mở rộng đường lánh nạn là rất cần thiết. Ông Bách cho biết thêm, ngày 16-3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường có buổi làm việc với BQL và nhà thầu Hàn Quốc và phía Hàn Quốc xin đầu tư toàn bộ 100% vốn theo hình thức BOT. Tuy nhiên, đây là dự án đã sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản phải được Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đồng ý… ông Bách cũng lưu ý nhà đầu tư cần tính toán kỹ giải pháp tổ chức thi công phải đảm bảo an toàn giao thông, cũng như công tác cứu hộ cứu nạn và cần cũng phải tính toán các trạm thu phí như thế nào cho hợp lý vì hiện tại đoạn đường hơn 50km nhưng có đến 3 trạm thu phí (trạm thu phí đèo Phước Tượng, Nam Hải Vân và Bắc đèo Hải Vân) tạo ra dư luận xã hội không tốt. Vấn đề này cũng được đại diện Cục đường Bộ II lưu ý. Ngoài ra, Cục đường Bộ II đề nghị nhà đầu tư nên tổ chức hội thảo để đưa ra phương án tối ưu nhất.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, về chủ trương, Bộ GTVT đã có văn bản 119 ngày 25-2-2015 đã giao cho Cty CP Đèo Cả nghiên cứu xúc tiến dự án; về phía Đà Nẵng thống nhất về mặt chủ trương và mở rộng đường lánh nạn. TP Đà Nẵng hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình triển khai (khảo sát, giải phóng mặt bằng); hỗ trợ nhà đầu tư tư vấn trong quá trình nghiên cứu khảo sát và triển khai. Đối với quy mô đầu tư dự án, phương án thu hồi vốn, phương án tài chính, trạm thu phí, cơ sở hoàn vốn Đà Nẵng ghi nhận và sẽ có ý kiến sớm.

Xuân Đương