“Mổ xẻ” những bất cập trong hoạt động môi giới bất động sản
Thực trạng nghề môi giới bất động sản (MGBĐS) ở Việt Nam và xu hướng phát triển trong tương lai như thế nào? Các chế tài, xử lý vi phạm trong hoạt động MGBĐS ra sao? Chất lượng, trình độ nghề môi giới; kỹ năng, đạo đức nghề và quản lý sàn giao dịch BĐS hiện nay đã đáp ứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra?... là những vấn đề được “mổ xẻ” tại hội thảo “Nhận diện nghề MGBĐS” do Báo Công Thương phối hợp với Hội MGBĐS Việt Nam tổ chức ngày 20-4 vừa qua.
Hội thảo thu hút sự tham gia của khoảng 600 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, UBND, các Sở Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường các tỉnh khu vực miền Trung, các chuyên gia BĐS cùng các doanh nghiệp, nhà môi giới BĐS trong cả nước.
Tại Việt Nam, MGBĐS chuyên nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ tại các sàn giao dịch, còn đa số là tự phát, chưa qua đào tạo chuyên sâu. |
Môi giới bất động sản còn tự do, nhỏ lẻ, bột phát
Tại hội thảo, đa số các đại biểu cho rằng, đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS - một lĩnh vực khá năng động và nhạy cảm thì nhu cầu cung cấp dịch vụ này càng trở nên cần thiết và tất yếu để thực hiện chức năng kết nối giữa người mua và người bán. Theo thống kê, hiện nay trên cả nước có 33.000 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề MGBĐS, và khoảng 80% BĐS giao dịch thành công thông qua MG. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc giải phóng một lượng lớn BĐS tồn kho trong giai đoạn 2014-2018, giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh. Vì vậy, việc cho phép MGBĐS hoạt động với mô hình và quy mô phù hợp sẽ giúp nhà phát triển BĐS rút ngắn thời gian thu hồi vốn để tái đầu tư, bảo đảm hiệu quả kinh tế, người tiêu dùng có cơ hội được phục vụ tốt hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS, Chủ tịch Hội MGBĐS Việt Nam cho rằng, đây là nghề dù đã được pháp luật thừa nhận, MGBĐS bình đẳng cũng quan trọng như các ngành nghề kinh doanh khác, nhất là khi nước ta đã thực sự hội nhập vào cơ chế thị trường thế giới. “Song thực trạng hiện nay, các hoạt động MGBĐS phần nào đó vẫn còn tự do, nhỏ lẻ, bột phát, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật, chưa hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng công việc mình đang tham gia có đúng là nghề MGBĐS hay không”, ông Hà nói. Đồng thời cho biết, trên thị trường hiện nay có 3 thành phần chính tham gia hành nghề MGBĐS, gồm thành phần MGBĐS chuyên nghiệp (đã qua đào tạo, có Chứng chỉ Hành nghề, làm việc tại các Sàn giao dịch BĐS); thành phần MGBĐS theo kinh nghiệm (không qua đào tạo mà chỉ qua thực tế, thực tiễn) và thành phần cơ hội (không qua đào tạo, không qua kinh nghiệm, chỉ chớp cơ hội, nắm bắt, sàng lọc thông tin khi tiến hành giao dịch). Ngoài ra, theo ông Hà, trên thị trường còn một số thành phần không nhỏ nữa khi tham gia tạo “hiệu ứng tập thể”, lướt sóng theo thị trường ảo...
Ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo BĐS, Ủy viên Thường trực Hội MGBĐS Việt Nam cho biết, hiện cả nước có khoảng 200 ngàn người hành nghề MGBĐS, trong đó có một nửa MG tại các sàn và nửa còn lại là MG tự do. Điều đáng nói, theo ông Lập là MGBĐS tại Việt Nam có chất lượng và trình độ chênh lệch rất lớn, một tỷ lệ lớn MG hoạt động không chuyên, thiếu trình độ (khoảng 170 ngàn người chưa có chứng chỉ hành nghề), và rất ít MG thành thạo ngoại ngữ để phục vụ phân khúc khách nước ngoài. Nguyên nhân theo ông Lập là do Nhà nước chưa quan tâm và đầu tư lực lượng chuyên trách để giám sát việc hành nghề của MG; sức ép cạnh tranh từ thị trường chưa đủ lớn để MG phải học tập, nâng cao trình độ và thị trường BĐS còn non trẻ, nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp về BĐS còn thiếu trầm trọng nên chưa gây sức ép lên lực lượng MG không chuyên...
Đồng quan điểm nêu trên, ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội MGBĐS Việt Nam cho rằng, nhìn chung MGBĐS ở Việt Nam có trình độ ở mức thấp, thiếu chuyên nghiệp và còn thiếu quan tâm đến các quy định của pháp luật. Hoạt động đào tạo, bài bản chuyên sâu cho người hành nghề chưa thực sự được quan tâm...
Cần chuyên nghiệp hơn
Nghề MGBĐS sẽ theo xu thế chuyên nghiệp hơn, tinh gọn hơn và áp dụng công nghệ nhiều hơn; phân hóa, phân cấp đối tượng MGBĐS và bán hàng BĐS sẽ rõ nét hơn, chuyên sâu hơn và Việt Nam sẽ đón nhận luồng nhân lực MGBĐS chuyên nghiệp từ các quốc gia khác là điều tất yếu được các đại biểu nhấn mạnh tại hội thảo. Ông Nguyễn Đức Lập cho rằng hiện đang thiếu một giáo trình hoàn chỉnh cho công tác đào tạo chứng chỉ hành nghề. Ông Lập đề xuất nên áp dụng chung 1 bộ ngân hàng câu hỏi sát hạch cho MG trên toàn quốc và tổ chức thi, giám sát trên máy tính. Đồng thời cần có một bộ quy tắc đạo đức, thái độ ứng xử trong nghề MG và cần xác định rõ “MG là hoạt động mang lại giá trị cho khách hàng và không xâm hại đến lợi ích của xã hội, là ngành mang nhiều tính nhân văn”.
Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS nêu một số kinh nghiệm từ các quốc gia có nghề MGBĐS phát triển. Theo đó, như ở Hàn Quốc, để có thể trở thành chuyên gia MGBĐS phải trải qua một kỳ thi kiểm tra về trình độ chuyên môn do lãnh đạo tỉnh, thành phố tổ chức. Căn cứ theo nghị định hướng dẫn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng có thể trực tiếp ra đề kiểm tra hoặc trực tiếp tổ chức kỳ thi kiểm tra này dựa trên cơ sở đồng đều về kỳ thi kiểm tra trình độ chuyên MGBĐS. Bên cạnh đó, muốn được hành nghề MGBĐS tại Hàn Quốc thì cần phải đáp ứng rất nhiều điều kiện khác. Hay như ở Trung Quốc, Chính phủ ban hành một số luật về MGBĐS, cứ 2 năm một lần Cục Nhà đất thành phố phải kiểm chứng lại các cá nhân đã có giấy chứng nhận hành nghề MGBĐS. Ở Australia và New Zealand thì danh sách người MG phải được đăng ký với cơ quan quản lý kinh doanh (ở Australia là Ủy ban tài phán thương mại). Nếu không đăng ký mà vẫn thực hiện dịch vụ sẽ bị phạt tiền, bỏ tù 6 tháng hoặc vừa bị phạt tiền vừa bị bỏ tù, ngoài ra không được hưởng lương, hoa hồng từ các dịch vụ. Người MG đủ tư cách phải có các bằng cấp do các tổ chức đào tạo của Hiệp hội ANTA cấp...
Bà Trần Thị Thu Trang - Giám đốc Giải pháp Truyền thông BĐS (đại diện VCCorp) nhìn nhận, sự ra đời của Hội MGBĐS Việt Nam đã tác động lớn đến cách thức hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS ở Việt Nam, giúp cho các đơn vị chủ đầu tư, các doanh nghiệp này kết nối chặt chẽ với nhau hơn trong quá trình kinh doanh, phát triển một thị trường BĐS ổn định, vững chắc.
Trong thời đại công nghệ 4.0, ngành BĐS cũng không nằm ngoài xu hướng này, vì vậy ứng dụng công nghệ trong truyền thông, quản lý, quản trị của các doanh nghiệp sẽ dần trở nên phổ biến hơn. Bà Trang mong rằng, Hội MGBĐS Việt Nam sẽ có nhiều các hoạt động, khóa học, chương trình giao lưu học tập hơn nữa để nâng cao kiến thức, cơ hội tiếp cận cho các doanh nghiệp BĐS nói chung và các MGBĐS nói riêng với các xu hướng mới trên thế giới. Điều này sẽ hướng tới một thị trường BĐS phát triển mạnh mẽ và bền vững, mang đến những dịch vụ, sản phẩm tốt nhất cho khách hàng, nhà đầu tư.
D.HÙNG