Mối lo dịch bạch hầu ở Đắk Nông

Thứ ba, 23/06/2020 13:09

Ngoài một trường hợp tử vong vì bệnh bạch hầu, hiện nay trên địa bàn có 6 ca dương tính với bạch hầu đang được điều trị tại tỉnh Đắk Nông với 3 ổ dịch, tập trung ở huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong.

Phun thuốc khử trùng tại trường học phòng chống bệnh bạch hầu.

Ngày 22-6, Sở Y tế Đắk Nông cho biết, hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 7 ca dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, tập trung ở hai huyện Krông Nô và Đắk Glong, đã có một ca tử vong tại huyện Đắk Glong.

Ông Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông (CDC Đắk Nông) cho biết, hiện đơn vị đã thành lập hai đội phản ứng nhanh để kiểm tra, giám sát các trường hợp tiếp xúc gần, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần liên quan đến các ca nhiễm bạch hầu tại Đắk Glong.

7 ca dương tính với 3 ổ dịch

Theo báo cáo của ngành Y tế, từ ngày 8-6, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xuất hiện ca bệnh bạch hầu đầu tiên tại huyện Krông Nô. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Nông đã có 6 ca bệnh dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, với 3 ổ dịch, tập trung ở huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong.

Cụ thể, tại ổ dịch xã Quảng Hòa (huyện Đắk Glong), bệnh nhân là bé gái Sùng Thị H. (9 tuổi) tử vong do bệnh bạch hầu biến chứng tim. Đây là trường hợp đầu tiên của tỉnh Đắk Nông tử vong do bạch hầu trong vòng 16 năm qua, tức là kể từ khi tỉnh Đắk Nông được thành lập. Trước đó, cháu có biểu hiện ho, khó thở, đau họng... nên được gia đình đưa đến BV đa khoa tỉnh Đắk Nông khám. Bệnh chuyển biến nặng nên bé được đưa đến BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM để điều trị nhưng đã tử vong sau đó. Bệnh nhân thứ 2 là Ma Văn T. (9 tuổi), hàng xóm của cháu H., nhập viện với triệu chứng tương tự. Bệnh nhân thứ 3 là Ma Văn S.- hàng xóm bệnh nhân thứ 2. Riêng tại ổ dịch xã Đắk R'Măng, phát hiện bệnh nhân thứ 4 là Giàng A P. (trú cụm 12, xã Đắk R'Măng, huyện Đắk Glong)...

 "Đối với thi thể người tử vong vì mắc bạch hầu, sau khi được đưa về địa phương để mai táng, lực lượng ngành y tế xử lý theo quy định. Những người đến thăm viếng đều được điều trị bằng thuốc dự phòng. Trường hợp còn lại ở ổ dịch này đang được điều trị ở BVĐK vùng Tây Nguyên, nhưng bệnh nhân này có tiên lượng xấu" - ông Hùng thông tin.

Cách ly 355 trường hợp

Trước tình trạng trên, ngành y tế Đắk Nông đã khoanh vùng, cách ly đối với khu vực có dịch bệnh; lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, không để dịch lây lan và bùng phát ra cộng đồng. Tỉnh này cũng đã lập các chốt chặn ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, tức không cho người bên ngoài đi vào vùng có dịch bệnh và ngược lại.

"Hiện nay tỉnh đã cách ly đối với cụm dịch bệnh nói trên, trong khu vực cách ly có 355 người (71 hộ). Người dân trong khu vực này được cho dùng thuốc để điều trị dự phòng. Ngành y tế cũng đã cho khử khuẩn 100% đối với môi trường trong khu vực cũng như đối với trường học và trạm y tế có liên quan đến nguy cơ lây nhiễm" - ông Hùng cho biết. Cũng theo phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, đối với 355 trường hợp được cách ly, trong đó phát hiện 2 ca dương tính. Ngoài ra, còn 10 ca chẩn đoán nghi ngờ, nghĩa là những trường hợp có triệu chứng viêm đường hầu họng.

Theo ông Đặng Thành, Giám đốc CDC tỉnh Đắk Nông, so với ổ dịch tại Krông Nô thì công tác phòng chống dịch tại 2 xã Quảng Hòa và xã Đắk R'Măng gặp khó khăn hơn nhiều. Nguyên nhân là do ở khu vực này chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống, bà con không quan tâm đến việc tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu. Chưa kể, việc xác định nguồn lây bệnh đang gặp khó vì các trường hợp mắc bệnh đều không di chuyển khỏi địa phương (14 ngày theo quy định). Bên cạnh đó, bệnh nhân Sùng Thị H. tử vong do bệnh bạch hầu được phát hiện muộn nên công tác khoanh vùng dập dịch gặp nhiều khó khăn. "Trước đây, ngành Y tế chúng tôi đã tuyên truyền nhưng nhiều bậc phụ huynh không đồng ý cho con em đến tiêm chủng. Đây là một trong những khó khăn trong quá trình phòng bệnh" - ông Thành cho biết.

P.V

Bạch hầu là một loại bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh thường khởi đầu như một đợt cảm lạnh thông thường, viêm họng, viêm amidan hay viêm thanh quản và có thể bạn sẽ thấy lạ là bệnh này cũng có thể biểu hiện như một bệnh nhiễm trùng da. Người mắc bệnh bạch hầu thường có các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, viêm thanh quản, khàn giọng, xuất hiện hạch nổi dưới hàm. Người mắc bệnh bạch hầu thường có tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Độc tố bạch hầu gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong trong vòng 6 ngày. Tỷ lệ tử vong khoảng 5%-10%. Bệnh có thể biến chứng thành viêm phổi, suy tim và có thể khiến bệnh nhân tử vong trong vòng 6-10 ngày nếu không có biện pháp chữa trị kịp thời.