Mối lo mới của Trung Quốc

Thứ sáu, 06/01/2017 10:41

(Cadn.com.vn) - Việc Ấn Độ liên tục thử tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân như càng đổ thêm dầu vào chảo lửa căng thẳng trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Tên lửa Agni-V do Ấn Độ tự chế. Ảnh: CNN

Hai gã khổng lồ Châu Á - Trung Quốc và Ấn Độ -  vốn là nhà của 2,5 tỷ người và có chung đường biên giới tranh chấp kéo dài trong nhiều thập kỷ qua - và quan trọng, cả hai đều có vũ khí hạt nhân. Trong bối cảnh những xung đột biên giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc Ấn Độ liên tục thử tên lửa như càng đổ thêm dầu vào chảo lửa này.

Mới đầu tuần này, New Delhi tiếp tục tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa Agni-IV có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Điều gây chú ý là tên lửa liên lục địa Agni-IV tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân này do Ấn Độ tự chế. Đây là vụ thử thứ 6 của tên lửa Agni-IV. Trước đó, New Delhi cũng đã phóng thành công tên lửa tầm xa nhất do nước này tự chế Agni-V.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ca ngợi các thành tựu đáng tự hào này. Nhưng giới quan sát cho rằng, Trung Quốc xem những vụ thử nghiệm này như một sự khiêu khích. Về mặt lý thuyết, tên lửa Agni-V có thể vươn đến các mục tiêu ở Bắc Kinh. “Hành động khiêu khích này có thể khiến tình hình càng trở nên bất ổn, có thể dẫn đến tình trạng chiến tranh”, CNN dẫn lời Victor Gao, Giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu Quốc tế của Trung Quốc cho biết.

Trả lời câu hỏi về việc phóng tên lửa của Ấn Độ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố ghi nhận các quy định của HĐBA LHQ liên quan đến tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và nhấn mạnh đầy hàm ý rằng, hai nước “không phải là đối thủ cạnh tranh mà là đối tác”. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ đáp trả bằng cách nói rằng, “tên lửa nằm trong mục tiêu chiến lược và không nhắm mục tiêu chống lại bất kỳ quốc gia cụ thể” và rằng, nước này tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế.

Nhưng không phải tất cả đều có cái nhìn lạc quan như vậy về mối quan hệ Trung-Ấn. Cả hai nước trên thực tế đều đang duy trì chính sách được gọi là “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước”. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Manohar Parrikar mới đây đặt câu hỏi liệu Ấn Độ có nên bị trói buộc bởi chính sách này hay không.

Sau đó, ông Parrikar cho biết, đó là những ý kiến cá nhân của mình, và rằng học thuyết hạt nhân của Ấn Độ không thay đổi. Nhưng Bộ trưởng Parrikar không phải là người duy nhất ở Ấn Độ đặt câu hỏi về chính sách “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước”. Nhiều chính trị gia và chuyên gia quân sự cũng cho rằng, New Delhi nên xem lại chính sách này.

Còn đó là những tranh cãi về Pakistan. Quốc gia Nam Á này vốn tự hào có kho vũ khí hạt nhân, là kẻ thù “truyền kiếp” của Ấn Độ nhưng lại là người bạn “mọi thời tiết” của Trung Quốc. Những mối quan hệ như thế này tạo thành con dao hai lưỡi. Một mặt, nó tạo cho Ấn Độ một cái cớ để xây dựng các hệ thống tên lửa mà không liên quan đến Trung Quốc, do đó, “cả hai bên có thể tiếp tục quan hệ mà không có cảm giác một trong số họ đã bất ngờ bị đặt dưới áp lực thái quá”. Nhưng mặt khác, nó lại khiến Trung-Ấn mâu thuẫn gay gắt.

Nhưng hầu hết giới phân tích cho rằng, Trung-Ấn sẽ không đi đến chiến tranh với một loạt các lý do như thế bởi cả hai bên đều nhận thức sâu sắc hậu quả nặng nề. Thực tế cho thấy, Thủ tướng Narendra Modi Ấn Độ xích lại gần hơn với Trung Quốc kể từ khi lên nhậm chức vào năm 2014.

Khả Anh