Mỗi ngày phải giải ngân 27 tỷ đồng
Để giải ngân đầu tư công năm 2021 đạt 95% theo kế hoạch Trung ương giao vào 31-1-2022 thì trong vòng 45 ngày, mỗi ngày Đà Nẵng phải tiêu hết 27 tỷ đồng.
Thi công nhà máy nước Hòa Liên.
Sau khi điều chỉnh vốn đầu tư công năm 2021 giảm hơn 1,5 ngàn tỷ đồng thì tính đến 16-12, Đà Nẵng đã giải ngân được hơn 5,3 ngàn tỷ đồng, đạt hơn 77% kế hoạch T.Ư giao (hơn 65,6% kế hoạch TP giao). Để đạt mục tiêu giải ngân 95% trong vòng 45 ngày còn lại với số tiền hơn 1.239 tỷ đồng thì mỗi ngày bình quân các chủ đầu tư, đơn vị phải giải ngân khoảng 27 tỷ đồng. Còn nếu để đạt được 95% kế hoạch Hội đồng nhân dân TP giao thì phải giải ngân hết hơn 2,4 ngàn tỷ đồng (tức mỗi ngày hơn 50 tỷ đồng). Trong điều kiện thời gian hạn hẹp, thời tiết không thuận lợi cho thi công các công trình thì đây là chỉ tiêu rất khó hoàn thành.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng kích thích tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh, vì thế TP đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt. Để đạt được kết quả giải ngân hơn 77% kế hoạch T.Ư giao (tới 16-12) TP đã nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, cũng phải thấy nhiều yếu tố bất lợi khiến kế hoạch giải ngân đầu tư công chưa như kỳ vọng. Những tháng đầu năm, nhiều nhà thầu gặp khó khăn về nguồn cung lao động, giá nguyên vật liệu tăng cao…
Ngoài ra, chi đầu tư có đặc thù khác với chi thường xuyên là phải có quá trình thực hiện và tích lũy khối lượng hoàn thành để thực hiện thủ tục giải ngân. Đồng thời với giải ngân vốn năm 2021 thì trong các tháng đầu năm TP phải tập trung giải ngân, thanh toán số vốn chuyển nguồn từ các năm trước chuyển sang khoảng 5.000 tỷ đồng. Chưa kể, năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên phải tạm dừng thi công các công trình trong thời gian dài, nhất là lĩnh vực y tế (hơn 709 tỷ đồng, 45 công trình). Trong đó có các công trình lớn như dự án Trung tâm phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình tại Bệnh viện Đà Nẵng; Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng, TTYT các quận…
Tuy nhiên, yếu tố ảnh hưởng lớn tới kế hoạch giải ngân đầu tư công chính là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Thống kê cho thấy đến tháng 12-2021, Đà Nẵng mới giải tỏa được hơn 3,3/10 ngàn hồ sơ (khoảng 33% so với kế hoạch). Thiếu và vướng mặt bằng khiến các công trình dự án không thể đẩy nhanh tiến độ, không thể giải ngân vốn. Ngoài ra, qui trình thủ tục triển khai công trình nhiều bước, phối hợp nhiều đơn vị, từ quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, lựa chọn nhà thầu… Năng lực của một số đơn vị tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, từ năm 2020 - 2021 nhiều chính sách pháp luật mới ban hành, điều chỉnh, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện ở địa phương làm ảnh hưởng đến tiến độ duyệt hồ sơ, tiến độ thi công trong quá trình chờ hồ sơ được phê duyệt và tiến độ giải ngân của các dự án.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, theo bà Tâm cần nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, hạn chế tối đa việc điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án điều chỉnh nhiều lần làm chậm tiến độ thực hiện, thay đổi tổng mức đầu tư. Song song với đó, cần tập trung khảo sát, xác định chi tiết chi phí, khả năng giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư; chọn đầu tư công theo hướng ưu tiên những công trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, khả thi và có hiệu quả cao ngay. Đặc biệt, phải yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu ký cam kết giải ngân đúng tiến độ, chất lượng, nếu giải ngân chậm sẽ điều chuyển kế hoạch vốn theo quy định.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng cho biết, trong năm 2022 sẽ kiểm soát chặt việc bố trí vốn đầu tư công, trong đó chỉ bố trí vốn cho các công trình dự án đủ điều kiện thực hiện. TP sẽ giao chỉ tiêu kế hoạch giải ngân đi kèm với từng mốc thời gian cụ thể; rà soát, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng của các ban quản lý, các chủ đầu tư. Đặc biệt, TP sẽ tập trung giải pháp để gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án. Bởi lẽ, những vướng mắc về tính pháp lý, chi phí đền bù, giá đền bù chênh lệch do dự án kéo dài… làm chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, kéo theo các công trình trọng điểm bị chậm trễ giải ngân. Ông Chinh cam kết tới 31-1-2022 sẽ giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 theo chỉ tiêu T.Ư giao.
HẢI QUỲNH