Mới siết phần nổi của kinh doanh đa cấp
(Cadn.com.vn) - Chiến dịch “siết chặt” hoạt động kinh doanh đa cấp tại Đà Nẵng sau vụ lừa đảo của Liên Kết Việt đã khiến nhiều cơ sở kinh doanh đa cấp bị xử lý. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi, bởi khi hoạt động kinh doanh đa cấp bị biến tướng, lừa đảo thì rất khó để phanh phui.
Không để biến tướng
Theo lãnh đạo Phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương Đà Nẵng), cái khó nhất khi quản lý hoạt động bán hàng đa cấp là sự biến tướng tinh vi dẫn đến sai phạm, lừa đảo. Thực tế, trong 31 cơ sở đăng ký kinh doanh hoạt động bán hàng đa cấp ở Đà Nẵng đều tuân thủ các quy định pháp luật. Mỗi lần tổ chức hội nghị, hội thảo để giới thiệu sản phẩm họ đều hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục. Bản thân hoạt động bán hàng đa cấp được pháp luật cho phép, song đặc thù của loại hình kinh doanh này phải có nhiều người tham gia, nhiều đầu mối, thứ bậc do đó trong quá trình bán hàng dễ dẫn tới biến tướng, đánh vào lòng tham của nhiều người để lừa đảo.
Đặc biệt, biến tướng nguy hiểm nhất là hình thành mạng lưới đầu tư tài chính. Do được hứa hẹn lợi nhuận lớn hơn rất nhiều số tiền bỏ ra, nhiều người nổi lòng tham và mắc bẫy. “Về cơ bản hoạt động lừa đảo bán hàng đa cấp đã được tuyên truyền, song người dân vẫn mắc phải là vì thấy lợi nhuận lớn quá nên bị mờ mắt”- Lãnh đạo Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu chia sẻ. Cũng theo vị này, hiện Sở Công Thương đang tiến hành phổ biến thông tin xuống từng tổ dân phố để người dân hiểu rõ bản chất của các hình thức bán hàng đa cấp lừa đảo. Trong đó, nhấn mạnh yếu tố lợi nhuận để người dân hiểu rằng đó chỉ là “bánh vẽ”, không nên mạo muội vay mượn tiền bạc để đầu tư.
Song song với đó, công tác kiểm soát các cơ sở kinh doanh bán hàng đa cấp cũng được Sở tăng cường nhằm tránh những hoạt động biến tướng, lừa đảo người dân. Giám đốc Sở Công Thương Phan Văn Kha nói, để xảy ra lừa đảo thông qua bán bàng đa cấp như Liên Kết Việt vừa qua là cực kỳ nguy hiểm. Nếu không quyết liệt kiểm soát chặt mọi hoạt động của các cơ sở kinh doanh đa cấp và kịp thời xử lý khi có dấu hiệu vi phạm, để đến khi hoạt động lừa đảo ăn sâu thì hệ lụy vô cùng lớn. Chính vì vậy, Giám đốc Sở Công Thương đã chỉ đạo QLTT phải nghe ngóng, đeo bám sát sao hoạt động của các cơ sở bán hàng đa cấp, kể cả khi họ tổ chức hội thảo, hội nghị cũng phải đến nghe xem thử có gì bất thường hay vi phạm không.
![]() |
Một cơ sở kinh doanh đa cấp bị lực lượng chức năng xử lý vì vi phạm nhãn hàng hóa. |
Khó thâm nhập sâu
Ngay sau chỉ đạo của Giám đốc Sở Công Thương, QLTT Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp thu thập thông tin, thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh bán hàng đa cấp tại Đà Nẵng. Ông Nguyễn Nho Hậu- Phó Chi cục trưởng QLTT Đà Nẵng nói, trong tháng 3-2016, đơn vị kiểm tra đột xuất 4 cơ sở thì phát hiện 3 cơ sở vi phạm. Theo đó, Chi nhánh Cty cổ phần EVERRISHS tại 35-Thái Phiên bị xử phạt 40 triệu đồng; Chi nhánh Cty TNHH Elken International Việt Nam tại Đà Nẵng số 87-Điện Biên Phủ bị xử phạt 50 triệu đồng cùng với hành vi không thực hiện đúng quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với hàng hóa chưa đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định.
Cơ sở thứ 3 vi phạm là Hoàng Gia Phúc địa chỉ 47-Tiểu La bị xử phạt 2,5 triệu đồng với hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa với mặt hàng massage chân. Cũng theo ông Hậu, trong năm 2015, QLTT Đà Nẵng đã phát hiện 11 cơ sở vi phạm về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp với tổng số tiền phạt gần 120 triệu đồng. Chẳng hạn, vào tháng 4-2015, Chi nhánh Công ty TNHH Elken International Việt Nam bị xử phạt 62 triệu đồng vì vi phạm nhãn hàng hóa, hoạt động kinh doanh không đúng mặt hàng đăng ký. Tháng 12-2015, Chi nhánh Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy tại Đà Nẵng bị xử phạt 12,5 triệu đồng vì vi phạm nhãn hàng hóa... Đặc biệt trong đợt kiểm tra chuyên đề tháng 12-2015, QLTT Đà Nẵng đã phát hiện 8/11 cơ sở vi phạm, trong đó hành vi chủ yếu liên quan tới nhãn hàng hóa, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với các mặt hàng thực phẩm chức năng.
Mặc dù xử lý nhiều, tuy vậy theo ông Nguyễn Nho Hậu đó chỉ là phần nổi. Bởi thực tế khi hoạt động bán hàng đa cấp đã biến tướng, chuyển sang lừa đảo như trường hợp Liên Kết Việt thì hoạt động rất kín kẽ, được hợp thức hóa tinh vi, đòi hỏi phải có lực lượng nghiệp vụ chuyên môn sâu như Cảnh sát kinh tế mới có thể xử lý được. “QLTT có kiểm tra thì cũng chỉ là hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp, nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng, các điều kiện an toàn thực phẩm... Còn để phanh phui ra bản chất của hoạt động lừa đảo núp bóng sau hoạt động bán hàng đa cấp thì rất khó”- ông Hậu nói.
Cũng theo ông Hậu, các cơ sở kinh doanh đa cấp được pháp luật cho phép, việc kiểm tra hoạt động của họ dù là bất ngờ, đột xuất nhưng cũng phải đúng luật. Tức là phải thu thập thông tin, theo dõi, có dấu hiệu vi phạm thì mới tiến hành kiểm tra chứ không thể theo dõi họ nhất cử nhất động như tội phạm được, luật không cho phép. Vì vậy, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là cảnh báo người dân, khi thấy có dấu hiệu vi phạm, lừa đảo từ cơ sở bán hàng đa cấp mình tham gia thì báo ngay cho lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn, không để lan rộng ra xã hội.
Hải Hậu