Môi trường ô nhiễm nặng vì nuôi tôm ồ ạt
Nước biển bốc mùi hôi và chuyển màu
(Cadn.com.vn) - Khoảng 5km dọc bãi biển cuối xã Điền Hòa đến xã Phong Hải (H. Phong Điền, TT-Huế) có hàng trăm ống nước được đấu nối với máy bơm công suất lớn để hút nước biển vào các hồ nuôi tôm. Ở khu vực này, có đến hàng chục mương nước có màu đen ngòm, có nơi tạo thành một vùng sình lầy, bốc mùi hôi nồng nặc. Người dân ở xung quanh các mương nước này cho biết, có nhiều ngày gặp gió Nam, họ phải sơ tán vì không chịu nổi mùi hôi thối.
Anh Nguyễn Thành, ở xã Điền Hòa cho biết, từ khi một số bãi biển của các xã ven biển H. Phong Điền được mở ra, người dân ở nhiều vùng lân cận tập trung đến đây để tắm. Một số người dân ở địa phương cũng có công ăn việc làm nhờ các dịch vụ kèm theo khi khách du lịch đến. Thế nhưng, thời gian gần đây, khu vực này có hiện tượng nước nhiễm bẩn nên nhiều người dân bản địa không dám tắm biển.
Nước thải nuôi tôm chảy ra gây ô nhiễm vùng ven biển thôn Hải Thế (xã Phong Hải, H.Phong Điền). |
Ông Trần Quý (53 tuổi, ở xã Phong Hải) bức xúc: "Từ khi các hồ tôm đi vào hoạt động đến nay, lượng cá tôm gần bờ mất hẳn. Nước từ hồ nuôi thải ra đen ngòm, ai xuống biển tắm khu vực này đều thấy bị ngứa, khó chịu. Đó là chưa nói, các hộ dân ở trong vùng biển phải chịu ảnh hưởng mỗi khi nước hồ tôm xả". Tương tự, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, rất nhiều người dân phản ánh, tình trạng nước biển qua một số thôn ở H. Phong Điền thỉnh thoảng có mùi hôi và xuất hiện màu đỏ sẫm.
Không chỉ ở H. Phong Điền, tại xã Vinh Mỹ (H.Phú Lộc), nước thải của hàng trăm hồ nuôi tôm chân trắng không được xử lý mà thải trực tiếp ra một mương nước, rồi xả thẳng ra biển. Hậu quả, nước biển bốc mùi hôi thối, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản của một số người dân bị chết hàng loạt do nước ô nhiễm. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, Thanh tra H. Phú Lộc vào cuộc thì phát hiện, khu vực rừng phòng hộ này chưa được phép nuôi tôm nhưng không hiểu vì sao các hộ dân vẫn tự ý. Hiện, các hồ tôm này đang bị "tuýt còi", chờ quyết định của tỉnh và xây dựng hệ thống xử lý nước thải, mới tiếp tục được nuôi.
Các hồ nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Vinh Mỹ (H.Phú Lộc) gây ô nhiễm buộc tạm dừng |
Thiếu sự kiểm soát
Theo ghi nhận, dọc vùng nuôi tôm qua xã Điền Hòa (H. Phong Điền), có chiều dài khoảng 2 km có đến 3 điểm mương xả thải ra biển từ các hồ tôm. Nước biển ở đây đổi màu, bốc mùi hôi thối do nước thải từ hồ nuôi tôm. Các mương xả thải này không hề được lót bạt hay đúc bê-tông làm tình trạng ô nhiễm tràn lan ở khu dân cư.
Được biết, năm 2012, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh TT-Huế từng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường ở một số cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng của H. Phong Điền và nhiều hộ nuôi đã bị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt từ vài chục đến hơn trăm triệu đồng/hộ vì không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, xả thẳng nước thải ra môi trường. Đến nay, một số chủ hồ tuy có khắc phục, song vẫn chưa đảm bảo.
Theo ông Nguyễn Đăng Xuân, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa, hiện nay, hệ thống xử lý nước thải nuôi tôm của các công ty và nhóm hộ trên địa bàn xã đều chưa đảm bảo, làm môi trường biển nhiều nơi bị ô nhiễm. Từ trước đến nay, việc lấy nước, xử lý nước thải giữa các hồ nuôi đang bộc lộ những bất cập làm nước biển ô nhiễm cũng như tình trạng dịch bệnh trên tôm xảy ra nhiều nơi. Còn ông Nguyễn Đại Vui, Bí thư Huyện ủy Phong Điền cho biết, từ nguồn vốn của Chính phủ, vừa qua, huyện đã giúp một số xã xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong quá trình nuôi tôm và hiện đang tiếp tục triển khai ở một số xã khác.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh diễn ra vào giữa tháng 7-2015, ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế cho biết, diện tích nuôi tôm của TT-Huế khoảng 3.000 ha. "Thực tế nuôi tôm trên địa bàn tỉnh gần đây đã cho thấy nhiều bài học về sự trả giá quá đắt cho phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch, ngoài tầm quản lý dẫn đến thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng và sự hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn. Nuôi tôm công nghiệp là ngành sản suất có độ rủi ro lớn, chịu ảnh hưởng nhạy cảm với môi trường và dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào". Hiện, toàn tỉnh TT-Huế có 7 cơ sở sản xuất và kinh doanh giống thủy sản nhưng chưa sản xuất được tôm thẻ chân trắng (đang được người dân nuôi nhiều) phải nhập từ tỉnh khác về, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Theo ông Hồ Sỹ Nguyên, vấn đề ô nhiễm nguồn nước do nuôi tôm thải ra cũng là vấn đề nhức nhối hiện nay, không phải ngày một ngày hai xử lý được vì để thay đổi quy hoạch nuôi phải cần nguồn kinh phí rất lớn...
H.Lan