Môm Nở - căn cứ trên núi Sơn Trà

Thứ năm, 29/07/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp, địch kiểm soát nghiêm ngặt bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) vậy mà vẫn có một căn cứ cách mạng tồn tại hơn 4 năm. Đó là nơi Văn phòng Thành ủy hoạt động tiếp nhận hàng hóa của những con tàu không số, đồng thời là nơi dừng chân tạm thời của những người tập kết ra Bắc, phục vụ cho quân và dân Đà Nẵng chiến đấu chống thực dân Pháp. Căn cứ oanh liệt ấy có tên Môm Nở.

Có lẽ, khi nói đến Sơn Trà nhiều người chỉ biết đến nơi đây như là điểm du lịch hấp dẫn, với biển xanh, cát trắng, ghềnh đá hay những rặng san hô, mà ít ai biết rằng trên bán đảo nhỏ bé này lại tồn tại một căn cứ cách mạng đã kiên cường tồn tại trong những năm tháng chống thực dân Pháp xâm lược. Nhiều người khi nghe thông tin này đã không khỏi bất ngờ và tôi... cũng vậy. Một ngày đầu tháng 7 vừa qua, tôi theo đoàn khảo sát của Bảo tàng Đà Nẵng lên bán đảo Sơn Trà để tìm lại căn cứ Môm Nở.

Chỉ mất hơn nửa tiếng đồng hồ đi thuyền, cả đoàn khảo sát đã đặt chân đến một bãi biển đẹp nằm trên cửa ngõ ra vào Vịnh Đà Nẵng. Tại đây, có cái miếu nhỏ mà theo tương truyền của ngư dân là nơi thờ Cá Ông vì thế mỗi khi ra biển đánh cá, ngư dân thường ghé vào đây thắp hương cầu khấn; và cũng tại cái miếu này ngày trước ngư dân thường tiếp tế cho cách mạng. Theo lời kể của các nhân chứng thì từ bãi biển chỉ mất 15 phút đi bộ trong rừng là đến căn cứ Môm Nở, thế nhưng để tìm được chính xác căn cứ sau bao nhiêu năm vật đổi sao dời là điều không dễ dàng.

 Vịnh Đà Nẵng nhìn từ căn cứ Môm Nở, từ đây có thể bao quát một khu vực rộng lớn.

Anh Hồ Đắc Trai – Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng kể: “Năm 2005, chúng tôi đã có chuyến khảo sát tìm lại căn cứ Môm Nở. Lúc ấy, có nhiều nhân chứng cùng đi, thế nhưng không ai còn nhớ chính xác căn cứ nằm ở địa điểm nào. Phải qua 2 lần khảo sát chúng tôi mới tìm lại được căn cứ Môm Nở, lúc ấy nhiều cô chú đã bật khóc vì sung sướng”. Dù đã một lần đến với căn cứ Môm Nở nhưng chuyến đi lần này chẳng vì thế mà thuận lợi, cả đoàn bị lạc giữa một rừng cây leo chằng chịt, phải mất một khoảng thời gian khá lâu anh Trai mới tìm ra đường dẫn đến căn cứ.

Đến được đây, ai cũng bất ngờ bởi căn cứ cách bờ biển không xa, nhìn từ đây có thể bao quát cả Vịnh Đà Nẵng, thế nhưng nhìn từ ngoài vào thì rất khó phát hiện. Nằm ở vị trí đắc địa như thế, nên trong suốt bao nhiêu năm thực dân Pháp, mặc dù kiểm soát gắt gao vẫn không phát hiện ra căn cứ Môm Nở - nơi hoạt động quan trọng của Thành ủy Đà Nẵng. Điều thú vị là cả nửa thế kỷ trôi qua, thế nhưng những hang đá nơi in ấn tài liệu, bếp Hoàng Cầm,... vẫn tồn tại.

Theo những tài liệu lịch sử, thì sau Hiệp định Genève, cơ quan Văn phòng  Thành ủy đã tổ chức một bộ phận đóng ở Môm Nở, nhiệm vụ chủ yếu là thu và phát thông tin, in ấn tài liệu, tiếp tế lương thực và liên lạc cho các đồng chí lãnh đạo Thành ủy. Nơi đây cũng thường xuyên nhận những chuyến hàng viện trợ từ những con tàu không số từ  miền Bắc đưa vào tiếp tế cho miền Nam. Hàng được tập kết dưới chân núi Sơn Trà, sau đó được các cơ sở cách mạng của ngư dân vận chuyển vào căn cứ Môm Nở.

Từ căn cứ, những thông tin quan trọng về miền Nam cũng được nhanh chóng vận chuyển ra Bắc. Ngoài ra, những cơ sở của ta hoạt động trong nội thành nếu bị địch phát hiện cũng được ra Môm Nở ẩn náu. Căn cứ cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Thành ủy. Theo lời kể của các đồng chí trong Ban liên lạc Sông Đà thì vào tháng 6-1956, một cuộc họp Thành ủy mở rộng được tổ chức tại Môm Nở (mang mật hiệu là KAB2).

Đoàn khảo sát trước bếp Hoàng Cầm tại căn cứ Môm Nở. 

Tại đây, đồng chí Nguyễn Thành Long – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thời kỳ đó, đã triển khai các nghị quyết của Trung ương Đảng, đề ra nhiệm vụ hoạt động của cách mạng miền Nam và kiểm tra công tác Đảng của Đảng bộ Thành ủy Đà Nẵng. Điều lý thú là, cuộc họp này diễn ra trong thời gian 3 ngày, ấy thế mà bọn mật thám của địch không hề hay biết. Thế mới biết căn cứ Môm Nở đã được bảo vệ bí mật và quan trọng như thế nào trong hoạt động của Thành ủy trong thời gian ấy. 

Để biết thêm về căn cứ Môm Nở, tôi tìm gặp ông Nguyễn Duy Hưng, năm nay đã bước vào cái tuổi 90, nhưng ký ức về thời gian làm cách mạng ở căn cứ Môm Nở, ông vẫn còn nhớ như in. Ông kể: “Lúc cao điểm có hàng chục cán bộ sống và làm việc tại căn cứ Môm Nở. Ở đây có một quy định bất thành văn là “đi không dấu, nấu không khói, nói không thành tiếng”. Mỗi khi có tàu không số từ miền Bắc vào bãi biển thì chúng tôi dùng ký hiệu rồi mới ra nhận hàng, chính  vì thế mà căn cứ đã tồn tại nhiều năm liền không bị địch phát hiện.

Tôi nhớ nhất anh Nguyễn Xuân Anh, anh ấy làm giấy tờ giả của địch giỏi lắm, khó nhất là giả chữ ký. Vậy mà anh Anh đã giả chữ ký giống như thật vì thế mà giúp nhiều đồng chí hoạt động trong nội thành an toàn”. Tuy nhiên, điều kiện sinh hoạt ở căn cứ Môm Nở hết sức khó khăn và nguy hiểm. “Sống ở căn cứ vô cùng kham khổ, ngoài việc luôn phải đề cao cảnh giác trước sự lùng sục của bọn lính sơn chiến, anh em còn phải vất vả chống lại bệnh sốt rét. Cũng vì sốt rét mà anh Đặng Tuân và một đồng chí nữa đã hy sinh, thi thể của các anh được chúng tôi chôn tại căn cứ Môm Nở. Đáng tiếc là khi chúng tôi tìm lại được Căn cứ thì xương cốt các anh đã không còn ở đó nữa” - ông Hưng rưng rưng khi kể về những hy sinh của đồng đội.

Căn cứ Môm Nở tồn tại từ năm 1954 - 1958 thì bị chính quyền Mỹ - Diệm phát hiện nên Văn phòng Thành ủy phải chuyển đến một nơi khác. Cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ kéo dài, hòa bình lập lại rất nhiều việc phải làm để kiến thiết xây dựng lại đất nước,... vì thế mà căn cứ Môm Nở gần như bị lãng quên. Và đến nay, sau 56 năm trôi qua, căn cứ Môm Nở và những câu chuyện lịch sử xảy ra ở đây chỉ còn lại trong ký ức của những chứng nhân.

Trong lúc trò chuyện, ông Hưng tâm sự: “Tôi luôn mong muốn căn cứ Môm Nở được thành phố chứng nhận cấp di tích và được bảo vệ. Như thế để ghi nhớ lại nơi làm việc vô cùng gian lao vất vả nhưng rất hào hùng của Văn phòng Thành ủy ngày trước”. Còn theo suy nghĩ của chúng tôi, căn cứ Môm Nở hoàn toàn có thể trở thành một địa điểm du lịch thú vị của TP Đà Nẵng. Nơi đây có bãi biển đẹp, có di tích lịch sử, lại nằm trên bán đảo Sơn Trà thơ mộng vì vậy việc biến nơi đây trở thành điểm du lịch là không khó. Như thế không chỉ tạo ra điểm tham quan mới cho du khách mà còn để căn cứ Môm Nở không bị lãng quên như trước đây.

Lưu Hoàng Anh