Một cách giải quyết hợp lòng dân
(Cadn.com.vn) - Không phải ngẫu nhiên mà trong mấy năm qua, nhiều đoàn cán bộ của trung ương, tỉnh bạn đến Gia Lai để tìm hiểu, trao đổi việc xử lý dứt điểm các điểm nóng xảy ra trên địa bàn. Mới đây, cách giải quyết ổn thỏa vụ tranh chấp đất đai ở xã Biển Hồ (TP Pleiku) chủa chính quyền tỉnh Gia Lai là một ví dụ.
"Ngòi nổ" làng Phung
Trong thời gian rất ngắn, mà tại làng Phung 1, Phung 2, xã Biển Hồ (TP Pleiku) đã xảy ra xung đột dữ dội giữa đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 làng này với chính quyền và doanh nghiệp tại địa phương. Điểm xuất phát của vụ việc vào cuối năm 2012, UBND xã Biển Hồ tổ chức triển khai xây dựng chương trình xây dựng nông thôn mới trong đó có việc san ủi mặt bằng để xây dựng khu văn hóa của xã. Trước khi thực hiện việc san ủi đã có cuộc họp thống nhất giữa chính quyền, các đoàn thể trong xã cùng già làng, chức sắc tôn giáo của làng Phung 1 và đi đến thỏa thuận sẽ san ủi 10ha cây bạch đàn trồng từ năm 1992 và được khai thác nhiều lần để thực hiện kế hoạch này. Sau đó, nhân dân làng Phung 1 đã bán toàn bộ cây bạch đàn trên phần đất như đã nói cho một doanh nghiệp tại TP Pleiku với giá 7 triệu đồng.
Công việc diễn ra thuận lợi cho đến ngày 9-10-2012, xã Biển Hồ tổ chức san ủi, cắm mốc rừng bạch đàn sau khi người dân đã thu hoạch hoa lợi trên mảnh đất này. Thế nhưng, đến ngày 26-11-2012 khi UBND xã Biển Hồ triển khai san ủi, giải phóng mặt bằng thì có 17 người dân đồng bào dân tộc thiểu số làng Phung 1 ra ngăn cản. Đến ngày 28-11-2012 và ngày 15-1-2013 tiếp tục có khoảng 30 người đến khu vực trồng bạch đàn này tự ý phân chia đất thành từng lô cho mình.
Trước tình hình phức tạp như trên, UBND xã Biển Hồ mời những người này đến giải thích và phân tích thì chỉ có 5 hộ ký vào biên bản xác nhận mình vi phạm, còn lại đều từ chối. Đỉnh điểm của sự xung đột là đến những ngày cuối tháng 9-2013 hơn 100 người ở các làng Phung 1, Phung 2 và làng Da (xã Biển Hồ) dựng 23 căn chòi trên mảnh đất hơn 60ha, ngoài ra họ còn chặt cây chắn đường, đào hào không cho lực lượng làm nhiệm vụ vào khu vực này.
Khu đất trồng bạch đàn nơi xảy ra vụ việc. |
Quyết định hợp lòng dân
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai, ngày 27-9-2013, ông Phạm Thế Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức cuộc họp gồm: lãnh đạo CA tỉnh, Tỉnh đội, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, UBND TP Pleiku và các ngành có liên quan để nghe phản ánh đầy đủ về tình hình diễn ra phức tạp tại khu vực này. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra trong cuộc họp: Đất này là đất của ai? Ý nguyện của người dân thế nào? Đã họp dân để giải quyết chưa...? Sau khi nghe các ngành báo cáo nhưng có một số vấn đề chưa rõ, Chủ tịch tỉnh Gia Lai yêu cầu các ngành có liên quan phải làm rõ những vấn đề còn vướng mắc.
Ngày 29-9-2013, tỉnh Gia Lai tổ chức cuộc họp lần thứ 2 và có mời thêm Ban Nội chính Tỉnh ủy để cùng nghe và bàn bạc hướng giải quyết. Tại cuộc họp này tìm được nguồn gốc khu đất là: trước năm 1962 nơi đây là làng Phung 2 cũ (còn gọi là làng Dung La). Đến năm 1962, chế độ Mỹ-ngụy lấy khu đất trên làm khu quân sự bảo vệ sân bay Cù Hanh (sân bay Pleiku hiện nay) đưa dân về sinh sống tại làng Phung 2 (xã Biển Hồ) đến nay. Sau giải phóng, một số đồng bào dân tộc thiểu số đến khu vực trên trồng hoa màu và làm vườn tập thể. Năm 1993, UBND xã Biển Hồ cho dân trồng bạch đàn để phủ xanh đất trống đồi trọc.
Từ đó và nhiều năm sau, nhân dân đã khai thác nhiều lần cây bạch đàn và đem lại lợi ích không nhỏ cho người dân nơi đây. Nhưng việc chi tiêu tài chính về nguồn lợi này không có chứng từ, không rõ ràng nên nhân dân khiếu nại đòi chia lại lô đất. Như vậy nguồn gốc lô đất đã rõ, Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định quan trọng được xem là cách tháo "ngòi nổ" xung đột một cách an toàn: đất đai của Tập đoàn sản xuất thì giao lại cho những người dân thiếu đất sản xuất để họ canh tác, sản xuất ổn định cuộc sống lâu dài. UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp giải thích cho nhân dân rõ quan điểm của tỉnh là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống trên mảnh đất của mình.
Vậy nên, sau khi giải thích đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm cho người dân các làng trong việc kinh doanh, sản xuất, ổn định đời sống, giữ gìn ANTT thì ngay trong sáng 1-10-2013, tất cả các hộ dân đã tự nguyện dỡ lều trại, lấp lại các con đường và dọn sạch sẽ. Đồng thời, dưới sự chứng kiến của chính quyền, 126 người dân làng Phung 1, Phung 2 đến khu vực này để chia đất và tiến hành bốc thăm nhận đất cho mình.
Chính vì giải quyết hợp lòng dân, phù hợp với phong tục và luật pháp nên những xung đột giữa làng Phung 1, Phung 2, làng Da tưởng chừng đi vào ngõ cụt và dễ xảy ra những hệ lụy phức tạp, lâu dài thì đã được giải quyết một cách yên ổn. Thậm chí nhiều đối tượng cầm đầu, hung hãn trực tiếp hoặc kích động người dân gây rối trật tự đã được các ngành chức năng giáo dục và họ đều nhận ra đó là việc làm sai và xin cam kết không tái phạm.
Duy Anh- Minh Tân