Một câu chuyện về hai thảm họa

Thứ năm, 10/06/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Bản phán quyết của Tòa án Ấn Độ về thảm họa công nghiệp Bhopal có thể không làm hài lòng những người luôn đấu tranh cho các nạn nhân vụ rò rỉ hóa chất kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại, nhưng đây lại là bài học kinh nghiệm cho Mỹ trong việc xử lý sự cố tràn dầu tồi tệ ở Vịnh Mexico.

Trong khi Tập đoàn BP của Anh đang nỗ lực giải quyết vụ tràn dầu, thì tại Ấn Độ, Tòa án nước này lần đầu tiên ra phán quyết về thảm họa Bhopal - vụ rò rỉ hóa chất độc hại làm hàng chục ngàn người thiệt mạng vào năm 1984. Đây không chỉ là tòa án pháp lý mà còn là phiên tòa của lương tâm và là một bài học đáng sợ cho các Tập đoàn trong việc trốn tránh trách nhiệm.

Time dẫn bản cáo trạng của Tòa án cho biết: 26 năm trước, vào sáng sớm 3-12-1984, 40 tấn hóa chất độc hại (MIC) đã bị rò rỉ từ nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu của Cty Union Carbide, thuộc Tập đoàn đa quốc gia Mỹ Dow Chemicals ở thành phố Bhopal, miền trung Ấn Độ. Chỉ vài giờ sau đó, khoảng 4.000 người đã thiệt mạng. Nhưng mọi việc chưa dừng lại, các hóa chất độc hại này tiếp tục rò rỉ và gây ô nhiễm các nguồn nước ngầm. Một vài năm sau đó, hàng chục ngàn người đã chết, và con số này đã lên đến 15.000 người. Tuy nhiên, các nhà hoạt động địa phương khẳng định, số người chết gấp đôi con số này đồng thời cáo buộc Union Carbide và chính phủ đã thất bại trong việc làm sạch hóa chất độc hại.

Tòa đã kết tội “sơ suất gây thảm họa” đối với 8 cựu nhân viên của Union Carbide và 7 bị cáo (bị cáo thứ 8 đã chết) bị tuyên án mỗi người 2 năm tù và phải nộp phạt 100.000 rupi (2.175 USD). Cty Union Carbide ở Ấn Độ cũng bị kết tội tương tự với án phạt 500.000 rupi (10.870 USD), nhưng Cty này đã không còn tồn tại nữa.

Song, bản án này đã vấp phải những phản đối mạnh mẽ từ những người sống sót, những người thân của các nạn nhân và các nhà hoạt động vì cho rằng, phán quyết này “quá nhẹ và quá muộn”. 26 năm qua, thảm họa Bhopal đã thu hút sự chú ý của thế giới và tạo nên làn sóng phản ứng dữ dội của những người sống sót đấu tranh đòi công lý. Tuy nhiên, Tập đoàn Dow Chemicals của Mỹ bác bỏ trách nhiệm pháp lý vì họ đã bán lại các nhà máy này, rút khỏi Ấn Độ trước khi vụ việc xảy ra.

Những nạn nhân của thảm họa Bhopal. Ảnh: AFP 

Trong khi đó, vụ tràn dầu tồi tệ sau vụ nổ dàn khoan Deepwater Horizon đang có nguy cơ khiến những con người sống dựa vào biển rơi vào cảnh cùng cực vì mất nguồn mưu sinh. Với việc mỗi ngày có tới 5.000 thùng dầu tràn trên Vịnh Mexico, các loài sinh vật ở đây cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Để tránh xảy ra những thảm họa đáng tiếc (tương tự như thảm họa Bhopal) BP và chính phủ của Tổng thống Barack Obama đang tìm kiếm các giải pháp tối ưu nhất giải quyết vụ tràn dầu này. Nhưng xem ra nhiệm vụ này quá khó khăn.

BP liên tiếp gặp thất bại trong công cuộc chặn dòng dầu tràn. Mới đây, mọi nỗ lực đang dần bế tắc khi chiến dịch “top kill” - bơm bùn lấp miệng giếng của BP chính thức thất bại sau 3 ngày cố gắng. Theo New York Times, sau khi tham khảo với Nhà Trắng, BP quyết định phải tiến hành chiến lược khác để chặn dòng dầu tràn ở đây.

Và ngày 9-6, BP tuyên bố sử dụng kỹ thuật đốt dầu trên mặt biển, biện pháp mà các chuyên gia cho là nhanh nhất và ít thiệt hại nhất cho môi trường. Kỹ thuật đốt dầu có kiểm soát trên biển đã được thực hiện ở khu vực tập trung nhiều dầu, nhưng kết quả cụ thể chưa được công bố. Kỹ thuật đốt dầu loang đã được áp dụng lần đầu tiên khi 715 thùng dầu thô từ tàu chở dầu Exxon Valdez tràn ra ngoài khơi bang Alaska vào năm 1989, nhưng chưa bao giờ nó được áp dụng ở quy mô như hiện nay.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc khoan giếng phụ cuối cùng mới là giải pháp thực sự cho thảm họa dầu tràn. Giếng phụ này sẽ được đào xiên chéo với giếng đang tràn hiện tại và từ đó, BP có thể bơm bùn và bê-tông nhằm chặn lại dòng dầu tràn. Hiện một trong các giếng phụ đã được triển khai nhưng vẫn còn ít nhất một tháng trước khi có thể đưa vào hoạt động.

Trúc Linh