“Một đời nhả tơ”: Thơ về đời - thơ về nghề

Thứ bảy, 07/01/2017 10:06

(Cadn.com.vn) - Tôi quen biết anh Huỳnh Văn Chính ngót 50 năm nay, khi gia đình tôi và gia đình anh cùng ở Việt An. Sau năm 1954, những người tản cư giặc Pháp từ Hòa Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên, vùng đông Quế Sơn, Thăng Bình ở lại làm ăn tại một số nơi, trong đó có Bình Lâm. Nhà anh cách nhà tôi chừng 500m. Anh thuộc thế hệ của anh chị tôi... Lan man vài dòng như thế để nói rằng, khi viết các dòng cho thơ anh Huỳnh Văn Chính, tôi như trở lại ngày xưa, ngày thanh bình của đồng đất quê hương, của cánh diều giấy trên ruộng Hội Tường, của con đường đất xuống Bình Lãnh, Bình Trị, vào An Tráng, qua Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà, nơi có lò chén của ông giáo Tuất,...

Bây giờ, cầm trên tay tập Một đời nhả tơ (NXB Hội Nhà văn, 2016), tập hợp sáng tác hơn 50 năm qua, điều dễ thấy là, những xao xuyến của cuộc sống đều vào thơ Huỳnh Văn Chính. Nói như nhà thơ Chế Lan Viên, đó là "Cuộc sống đánh vào thơ trăm nghìn lớp sóng". Và, lớp sóng nào cũng mang ít nhiều tâm tư, tình cảm, thái độ và nghĩ suy của Huỳnh Văn Chính. Tuyển tập này có ba phần, phần một: Thơ, phần hai: Hồi ức, phần ba: Huỳnh Văn Chính - Những góc nhìn. Những bài thơ đầu tiên, sáng tác thời cắp sách là trang viết ghi lại những cảm xúc đầu đời về tình bạn, tình yêu, về quê hương trong lửa đạn chiến tranh. Chữ nghĩa còn vụng về, song, tình thơ lại trong sáng, chân thành: "Nơi phố Hội với chuỗi ngày quán trọ/Tôi chờ trông mong bạn ghé về chơi" (Đêm Tam Kỳ), "Rồi từng đêm tiếng đạn gầm xé núi / Tôi nhìn người lòng uất nghẹn rưng rưng / Bao khát vọng của một thời trai trẻ / Tôi cúi đầu mặc cảm phủ sau lưng" (Mặc cảm) hay "Tôi lạc lõng một mình trên nẻo phố / Mây hoàng hôn trời rũ sắc hoang tiêu/ Đường xuôi ngược người, xe như thác đổ /Tôi độc hành mang nặng gánh cô liêu" (Độc hành). Ô hay, đã độc hành, mà còn nặng cả gánh cô liêu thì cô đơn biết mấy!

Ngày đất nước thống nhất, hòa bình về trên quê hương, thơ Huỳnh Văn Chính cũng khởi sắc hẳn, nghĩa là đất nở hoa rồi. Cảm xúc về công trình đại thủy nông Phú Ninh tươi mới, bao tiếng cười, bao cuộc đời, bao vùng đất thức dậy, bao dòng nước "trăm nguồn tưới ruộng lúa quê hương". Những ngày lao động tại Sông Nam, "đổ mồ hôi cho đất nở hoa", cho "lời ca vút cao theo gió núi trong lành" (Đêm liên hoan), rồi "Tôi ngỡ mình như đang bước trong mơ / Khi nghe điện Sông Cùng vượt sông, vượt suối / Điện đã theo người qua đồi qua núi...". Những câu hò đất Quảng (1) vang lên theo nhịp tháng ngày trong thơ Huỳnh Văn Chính. Sự đổi thay của quê hương đất nước đã thành thơ, thành nhạc nơi anh. Những tên đất, tên làng, tên sông, tên núi của xứ Quảng trở thành nghĩa nặng tình sâu trong nhiều bài thơ Huỳnh Văn Chính. Anh viết về tâm sự của người bạn phương xa, khi nhìn một Đà Nẵng đổi mới thần kỳ, một Đà Nẵng của sức mạnh lòng dân:

...Ngắm nhìn về Đà Nẵng thân thương / Tôi ngây ngất trên đỉnh cao giữa Bà Nà kỳ vĩ / Ơi quê hương biết bao điều thú vị / Son sắt thủy chung làm rạng rỡ trang đời/ Sức mạnh của lòng dân - Một sức mạnh tuyệt vời! (Bất ngờ Đà Nẵng). Trong những đêm pháo hoa, Huỳnh Văn Chính gọi là "đại tiệc pháo hoa" không chỉ cảm xúc được hòa vào dòng người, không chỉ "nối bàn tay bè bạn", "dù đường xa vạn dặm",... mà là "Thấm đậm nghĩa tình Đà Nẵng mênh mông/Cho dư âm Đại Tiệc Pháo Hoa vang" (Đêm pháo hoa). Rồi những chiếc cầu, như bao dải lụa, bắc qua sông Hàn, làm nên một danh xưng Thành phố của những cây cầu. Nói như tác giả, đây chính là "nhịp cầu nối những niềm vui": "Tôi đi bước chân chầm chậm/ Nhìn xem đầy đủ sắc màu/Đà Nẵng lung linh huyền ảo/ Ngỡ mình lạc giữa trời Âu". Huỳnh Văn Chính yêu dòng sông Hàn, trĩu nặng tâm tình với dòng sông huyền thoại này, xem đó là duyên nợ của đời mình: "Dòng sông Hàn sẽ trở về bình dị/Giữ mãi niềm tin sâu lắng tuyệt vời". Đâu chỉ sông Hàn, còn những "Đêm Hải Vân", những trận cầu ấn tượng của đội bóng U.21 thành Đà, của một ngày khó quên về trận bóng giao hữu giữa TT-Huế và Đà Nẵng, vào chiều 31-12-2006…

Gắn với những sự kiện đất và người xứ Quảng không thể không nói đến các chân dung nhiều vị lãnh đạo đáng kính và rất thân quen, gần gũi.  Huỳnh Văn Chính viết về họ không bởi chức vụ họ đảm nhiệm mà chính là tấm lòng thiết tha với dân, với nước của họ. Chính họ, không ai khác, đã đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng những người chân lấm tay bùn, khơi dòng nước Phú Ninh, hình thành Công ty dệt 29-3, khai sinh nền công nghiệp trên đất Quảng, đưa Đà Nẵng trở nên thành phố đáng yêu, đáng sống, được bạn bè khắp nơi quý mến như hôm nay.

 

Gần như suốt một đời, Huỳnh Văn Chính gắn bó với ngành dệt. Bao vần thơ ca ngợi những anh chị em công nhân sau những ngày nghỉ Tết, "Em lại vào ca với niềm vui mới/Tổ ấm - Công ty/Vòng tay chờ đợi/Em mang về ấm áp những ngày xuân" (Ấm áp ngày xuân). Kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống ngành công nghiệp Quảng Nam-Đà Nẵng, tổ chức tại Công ty Dệt May 29-3, là người trong cuộc, anh nhớ lại "ba mươi lăm năm - một chặng đường", nay hội tụ về đây, ai mất ai còn, bùi ngùi khôn xiết nhưng cũng vui mừng biết bao trước những thành quả: "Ba mươi lăm năm/Ta chờ/Ta đợi/Phút giây này/Vui lắm/Các chị, các anh ơi/Bởi mỗi chúng ta từng góp sức cho đời" (Mừng họp mặt).

Trong tập thơ này, có một mảng thơ vô cùng cảm động, đó là những bài thơ viết cho mẹ, cho anh chị, cho vợ con và các cháu. Huỳnh Văn Chính thương mẹ và khóc mẹ khi mẹ qua đời. Cả bài thơ "Khóc mẹ" tràn ngập tình mẫu tử thiêng liêng. Người mẹ một đời tần tảo sớm khuya, "sáng Việt An, tối Chợ Được", "đôi dép mo cau- mòn theo da chân mẹ", rồi một ngày người con thứ tám, người rể thứ năm bị giặc Pháp giết, lòng mẹ nát tan, mẹ lại gạt nước mắt tiễn con mình tập kết. Hai mươi năm bom đạn, tù đày, ngày hòa bình mừng mừng tủi tủi, gia đình sum họp, mẹ vui lên. Rồi, theo quy luật tự nhiên, mẹ về với tổ tiên, với ông bà: Bên cạnh cỗ xe tang/ Những bước đi nằng nặng/Chồng tiễn vợ/Con tiễn mẹ/Cháu tiễn bà/Và bà con xóm giềng/Nỗi niềm đau quặn/Những tiếng nấc khôn cùng/Thương tiếc mẹ-mẹ ơi!

Huỳnh Văn Chính có những câu thơ mừng 60 năm ngày cưới của anh chị, mừng cháu lên đường du học, nhất là tiếng lòng gửi tặng người vợ: "Em mãi mãi với anh là bến đợi/Nơi bình yên cho những chuyến khơi xa/Đời đã cho anh người vợ hiền hòa/Chúng ta cho nhau tình yêu chân thật/Và, ta gọi đó là hạnh phúc" (Và ta gọi đó là hạnh phúc). Huỳnh Văn Chính còn một mảng thơ thư giãn, thù tạc, đối đáp với bạn bè, đồng nghiệp. Cái duyên riêng này, Tần Hoài Dạ Vũ, bạn học thời niên thiếu, có bài viết thật hay: Nói lái cho đời vui (2). Bài viết dài đến 30 trang, bao quát một quãng đời nói lái đặc sắc của Huỳnh Văn Chính. Nhiều người cho rằng nếu không có mảng thơ này, chắc gì ai nhớ Huỳnh Văn Chính, lâu lâu lại hỏi thăm anh có bài thơ nào vui vui, tếu táo, thuộc dạng con cháu Hồ Xuân Hương, Thủ Thiệm không? Hỏi thế là yêu lắm, quý lắm, mến lắm với Huỳnh Văn Chính. Thơ thư giãn là những phím nhạc cho đời, là một thứ "xồn la", "xốn là" với bạn bè.

Huỳnh Văn Chính còn có những trang hồi ức vừa ghi lại sự việc, câu chuyện vừa khắc họa nhân vật, bày tỏ tâm tình. Đọc qua những trang văn như thế, người đọc nhận ra một Huỳnh Văn Chính nghĩa tình, thủy chung. Phần lớn các bài viết này đều đã đăng báo. Qua đây, thấy lại những ngày đầu sau năm 1975, bao gian khổ cho việc hình thành một cơ sở sản xuất, thấy được tấm lòng của những lãnh đạo, thao thức cho sự trưởng thành và đi lên của đất Quảng.

***

Buffon có nói "Văn, tức là người". Nhận định này đúng cả với người và thơ Huỳnh Văn Chính. Đó là con người luôn lạc quan, yêu đời, luôn lấy cái hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc của mình, sống nghĩa nhân, ân tình, không đãi bôi, ngọt nhạt. Chính vì thế, Huỳnh Văn Chính được mọi người yêu mến, dễ gần.

Huỳnh Văn Hoa

(1) Tên một tập thơ của Lê Đào

(2) Huỳnh Văn Chính, Thơ vui cùng sự nghiệp, NXB Lao Động, 2013.