Một đời thúng
(Cadn.com.vn) - Có một câu chuyện thuyền thúng được viết lên từ hai mảnh đời tại P.Thanh Khê Đông, Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng: cuộc đời của cụ ông Nguyễn Văn Phụng (77 tuổi) và cụ bà Lê Thị Sẽ (77 tuổi).
Trong căn chòi được dựng tạm bợ trên con đường biển thơ mộng Nguyễn Tất Thành, trong cái rét xuyên thấu da thịt, cụ Phụng bảo: “Rét thế này công việc không được trôi chảy cho lắm, mưa thì bó tay luôn, không phơi phúng tre nứa gì được. Cái nghề này cần trời nắng, một ngày nắng bằng năm ngày mưa”.
Cụ Sẽ ngồi co ro bên bếp lửa đun nước bằng chính những phụ phẩm tre nứa sau quá trình gia công. Bà không than vãn, mà vịn vào quy luật trời đất: “Trời có khi mưa khi nắng, người có người này người nọ, trẻ thì đến lúc cũng phải già cả thôi”.
Hai ông bà làm cái nghề thuyền thúng đến nay đã trên ba mươi năm. Ngày trước, khi chưa lấy bà, ông thường đi biển cho các chủ thuyền. Ông biết chắc chắn rằng làm nghề đi biển thì ngoài tàu thuyền lớn cần phải có thuyền thúng để thực hiện những công việc mà không phải cứ có “CV” là làm được. Vì vậy trên mỗi tàu thuyền đánh cá ngoài “sức ngựa” phải có vài cái thuyền thúng con “sức người” chèo lái, cá biệt, thuyền đánh cá chuồn cần trên dưới chục chiếc thúng. Cụ ông bùi ngùi nhớ lại: “Trước con trai cả của tôi cũng đi biển, làm ăn thua lỗ, bán tàu trả nợ vẫn chưa xong. Thương con tôi đành dứt ruột bán căn nhà mà vợ chồng sống với nhau và mấy mặt con để giúp nó. Biển là vậy đó. Lắm lúc thuận lợi nhưng cũng muôn bề khó khăn lắm”.
Cụ ông Nguyễn Văn Phụng ngoại thất tuần vẫn mải mê với thuyền thúng. |
Thất bát, nợ nần vì biển cả, nhưng ông bà vẫn quyết tâm bám biển, vì bao đời nay cái nghề liên quan đến những con sóng bạc đầu đã can qua biết bao thế hệ ở gia đình làng biển này. Không vốn liếng, ông Phụng giã từ nghề đi biển và quay vào bờ học nghề làm thuyền thúng. Vì ông biết rằng tre cật và đôi tay của mình có thể giúp ông lèo lái con thuyền gia đình qua khó khăn. Ngày trước, tre nứa còn nhiều thì ông đến tận nơi để chọn về làm nhưng thời buổi này thì phải đặt ở miền ngược của Đà Nẵng hay Quảng Nam về. “Những năm trước thì tôi có thể đi khắp vùng để chọn tre làm thuyền thúng, bây giờ chỉ ngồi một chỗ. Nếu ai cần thì mang vật liệu đến để tôi làm. Mà cũng nhiều lắm, chắc họ tin tưởng vào người có thâm niên và một đời gắn bó với thuyền thúng như vợ chồng tôi”, cụ Phụng nói.
Ngoài nhận làm thuyền mới, căn chòi nhỏ của ông bà là nơi mà ngư dân Đà thành giao phó những chiếc thuyền thúng bị hư hỏng. Phía ngoài căn chòi đang chất hơn mười thuyền thúng từ vùng biển Sơn Trà mang lên. Nếu trời nắng non thì sửa chữa mất năm ngày, trời rét, mưa gió thì có khi đến cả tháng trời. Vì công phơi phóng, lên nước, lên dầu phải cần nắng mới làm được. Nhưng không bao giờ ông để chủ thuyền phải chờ đợi vì một lý do nào cả.
Ông chìa bàn tay đầy vết sẹo to nhỏ do tre cật cứa vào tựa hồ như một tấm bản đồ để khẳng định cái nghiệp làm thuyền thúng của mình đã ngấm vào máu xương, thân thể già cỗi này. Có lẽ trên mỗi chiếc thuyền thúng đang thong dong trên biển khơi kia đã ngấm một phần mồ hôi, nước mắt và đôi khi là máu hồng của ông bà.
Tranh thủ lúc nghỉ ngơi cụ Phụng và vợ vá lưới để kiếm thêm đồng ra đồng vào. |
Cái quý giá nhất của ông bà là chiếc cưa, cái búa, vài ba cái đục đủ kích cỡ đã lên nước bóng loáng. Cụ Phụng nhìn đống đồ nghề của mình cười móm mém: “Thấy kinh chưa, không cần chùi rửa mà bóng loáng đến vậy đó. Mồ hôi rồi gió biển nó thành thế đấy, nhìn cũng đẹp ra phết?”.
Cả ngày, hai người già lam lũ tá túc trong căn chòi tạm bợ, đến bữa con cháu đùm cơm nước bới, cho đến tận khuya mới ghé về nhà của người con trai để ngả lưng. Sự vất vả bươn chải để kiếm miếng cơm, manh áo là điều đương nhiên đối với con người. Nhưng phải có một nghị lực và sự yêu nghề thì hai con người ngoại thất tuần mới có thể vuông tròn với cái nghề này được. Thường nhật, cụ ông chẻ trẻ đan thuyền thúng, cụ bà vá lưới cho những người đi biển sống xung quanh. Công việc không bao giờ nguôi nghỉ vì hơn ai hết ông bà biết rằng ngư dân ra khơi không thể thiếu ngư cụ.
Chiều tối, mưa lất phất. Gió không ngừng thổi vào căn chòi vá víu bằng những tấm bạt và phên tre cũng chính từ những chiếc thuyền thúng không còn dùng được. Cụ bà Sẽ đun lại ấm nước để chống chọi với giá rét, trong khi những tiếng búa đục vẫn gõ liền tay phát ra từ phía cụ ông đang phơi thân trước gió.
Bùi Đức Tú