Một gợi ý đáng lưu tâm
(Cadn.com.vn) - Ngày 28-5, PGS-TSKH Võ Đại Lược, chuyên gia kinh tế đầu ngành của Việt Nam, đã trình bày báo cáo khoa học “Thành phố quốc tế - những gợi ý với Đà Nẵng”. Sự kiện do Báo Đà Nẵng tổ chức, với sự tham gia của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Võ Duy Khương cùng đại diện các sở, ban, ngành, các nhà khoa học của TP Đà Nẵng.
PGS-TSKH Võ Đại Lược nói: “Đô thị quốc tế (ĐTQT) là một địa điểm có những lợi thế địa kinh tế phù hợp với nhu cầu làm việc và sinh hoạt của người nước ngoài. Tất nhiên, người nước ngoài ở đây phải là những nhân tài, đại gia chứ không phải Tây ba lô”!
Thế nào là đô thị quốc tế?
Xét theo quan điểm đó, tại Châu Á hiện có một số mô hình ĐTQT, tiêu biểu là Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Incheon (Hàn Quốc), Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập). Trong số này, Hồng Kông đã phát triển được một thế kỷ, Singapore được nửa thế kỷ, nhìn chung đã có phần lạc hậu; chỉ có Incheon và Dubai được xem là hình mẫu về ĐTQT hiện đại, rất đáng quan tâm học hỏi.
Các ĐTQT có 5 tiêu chí đánh giá quan trọng. Thứ nhất, ĐTQT phải có địa thế thuận lợi, thường là gần biển, hiện nay các ĐTQT hầu hết đều ở ven biển. Thứ hai, ĐTQT phải có thể chế hành chính và kinh tế theo chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho con người phát huy hết tài năng. Thứ ba, ĐTQT cũng phải có cơ sở hạ tầng phát triển, mà quan trọng nhất là sân bay và cảng biển. Thứ tư, ĐTQT phải có môi trường số và môi trường kinh doanh đẳng cấp quốc tế, ví dụ, một người Châu Âu đến một ĐTQT làm ăn, sinh sống thì phải đáp ứng cho anh ta những điều kiện cần thiết, như trường học quốc tế, nhà thờ hoặc công trình thực hành nghi lễ tôn giáo khác... Và, thứ năm, ĐTQT phải là nơi an ninh, an toàn tốt.
Trong các tiêu chí nói trên, Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung, đã đáp ứng được tiêu chí đầu tiên. Đó chính là địa thế thuận lợi. “Không dễ gì tìm trên thế giới có được những điều kiện như các tỉnh miền Trung” - PGS – TSKH Võ Đại Lược khẳng định.
PGS – TSKH Võ Đại Lược trình bày báo cáo khoa học “Thành phố quốc tế - những gợi ý đối với Đà Nẵng”. |
Thể chế và nhân tài
“Tất cả các nhà kinh tế đoạt giải Nobel đều thống nhất rằng, thể chế quyết định sự phát triển” – PGS-TSKH Võ Đại Lược nói. Thể chế ở đây bao gồm: Thể chế kinh tế, thể chế hành chính và thể chế chính trị.
Ở những ĐTQT trên thế giới, các thể chế này đều rất tiến bộ, trở thành nhân tố thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người, nhờ đó mà trọng dụng được nhân tài. Chẳng hạn, ở Dubai, người Dubai chỉ làm Bộ trưởng, cảnh sát và quân đội, còn lại đều thuê người nước ngoài hết. Ở Incheon, Chính phủ Hàn Quốc cho áp dụng ở đây pháp luật Âu - Mỹ.
Ở Việt Nam, hiện nay có 3 địa phương đang xin Chính phủ cho phép lập đặc khu kinh tế, thực chất là mô hình ĐTQT, gồm các đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Trong số này, đặc khu Vân Phong đáng được kỳ vọng nhất. Đặc khu Vân Phong khởi phát từ việc một nhóm các nhà tài chính Mỹ muốn lập ở đây một trung tâm tài chính toàn cầu, với khoản đầu tư hàng nghìn tỷ USD.
Nếu được triển khai, đặc khu kinh tế Vân Phong sẽ có thể chế kinh tế và thể chế hành chính rất đặc biệt, chẳng hạn, sẽ có khả năng có một bộ luật riêng, bộ máy chính quyền sẽ có người nước ngoài tham gia 50% trong thành phần lãnh đạo...
Cơ hội cho Đà Nẵng
Nếu căn cứ vào 5 tiêu chí nêu trên của ĐTQT thì Đà Nẵng có thể xem là đã đáp ứng tốt. Tuy nhiên, xét về đẳng cấp, Đà Nẵng mới chỉ là đẳng cấp quốc gia chứ chưa phải quốc tế, chẳng hạn, Đà Nẵng đã thực hiện tốt chính sách thu hút nhân tài, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ nhân tài trong nước, chứ nhân tài nước ngoài, nhất là nhân tài Âu – Mỹ thì vẫn chưa thu hút được. Và, việc nâng từ đẳng cấp quốc gia lên đẳng cấp quốc tế vẫn còn một khoảng cách rất lớn. Vấn đề đặt ra là, nếu Đà Nẵng dừng lại như hiện nay thì trong tương lai sẽ rất khó khăn.
Theo PGS – TSKH Võ Đại Lược, mô hình ĐTQT dường như là xu thế tất yếu trong thời đại hội nhập toàn cầu, kinh tế tri thức hiện nay, buộc chúng ta phải theo đuổi nó, nếu không muốn tụt lại phía sau.
Bởi lẽ đó, đối với Đà Nẵng, đã đến lúc xem xét đề xuất Chính phủ cho phép phát triển mô hình ĐTQT như một sự chuẩn bị cho tương lai gần. tất nhiên, không nhất thiết phải biến cả thành phố trở thành ĐTQT mà có thể xây dựng nhiều ĐTQT ở Đà Nẵng theo hình thức các đặc khu kinh tế.
“Con đường duy nhất của Đà Nẵng là mở cửa hội nhập quốc tế, vì trong nước không thể nào đủ năng lực dùng đến các tiềm năng quý hiếm như Đà Nẵng và miền Trung. Nhưng hội nhập quốc tế chỉ ở tầm khu vực thì thấp quá, mà phải ở tầm thế giới. Do đó, Đà Nẵng phải phát triển ĐTQT, mà thực tế Đà Nẵng hội đủ các điều kiện để thực hiện điều đó” – PGS – TSKH Võ Đại Lược nhấn mạnh.
Để phát triển mô hình ĐTQT, theo PGS – TSKH Võ Đại Lược, trước hết, Đà Nẵng có thể liên hệ với các đối tác quốc tế, đặc biệt lưu ý Nhật Bản hoặc Hàn Quốc để khảo sát, đánh giá, lập dự án, trình các cấp thẩm quyền cho phép.
Nếu làm nhanh thì có thể trong 6 tháng là xong dự án, nhưng thời gian thực hiện có thể hàng chục năm, và định hướng phát triển phải hàng trăm năm sau. Tuy rằng việc này sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn nhưng chắc chắn sẽ rất có lợi cho tương lai thành phố, đặc biệt, nếu không bắt đầu ngay từ bây giờ thì sẽ chẳng bao giờ đi đến đâu cả.
Nguyễn Lê