Một kỷ niệm về Thượng Đức
Dư âm chiến thắng Thượng Đức (8-1974) như vẫn còn sôi động khi những cán bộ, chiến sĩ an ninh ngày ấy bồi hồi nhớ về một thời đạn lửa. Họ đã gặp lại chính mình trong bức tranh về Thượng Đức đầu năm 1975 hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng của cố họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh.
Các cựu chiến binh ở Thượng Đức trong buổi gặp mặt. |
Cơ duyên với họa sĩ chiến trường
Đại tá Ngô Thanh Hải-nguyên Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính CATP Đà Nẵng là người có nhiều kỷ niệm với Thượng Đức trong thời gian tham gia lực lượng an ninh Quảng Đà. Trân trọng cuộc sống hòa bình nên ông luôn mải miết đi "tìm" ngày hôm qua từ những cuộc gặp gỡ với đồng đội một thuở. Lần đến thăm ông Hà Thanh Vân-Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, được bạn hướng dẫn tham quan nơi này, ông ngạc nhiên khi gặp chính mình trong bức ký họa "Lớp học quân sự của công an huyện Thượng Đức ngày 10-3-1975". Tranh sơn dầu, nét vẽ đơn giản nhưng thật sắc sảo với cảnh 5 cán bộ, chiến sĩ đang miệt mài động tác bắn súng AK. Phía trước là lá cờ giải phóng tung bay phần phật. Ông Hải nói như reo lên với Giám đốc Vân: "Chính tôi đứng dưới gốc cây chỉ huy lớp học ấy". Ký ức ùa về sau 43 năm làm gương mặt ông rạng rỡ hẳn.
Theo Đại tá Ngô Thanh Hải, ngày ấy, sau chiến thắng Thượng Đức, giữa ngổn ngang chiến trường, Ủy ban quân quản huyện Thượng Đức được thành lập (sau giải phóng Quảng Nam, sáp nhập lại vào Đại Lộc). Anh Hải lúc này là quyền trưởng CAH. Để bổ sung lực lượng chốt giữ Thượng Đức không cho địch tái chiếm đồng thời làm cán bộ nòng cốt ở địa phương, anh Hải được giao tuyển chọn gần 50 du kích và cơ sở mật trẻ, khỏe đào tạo quân sự, chính trị. Anh Nguyễn Văn Hai, Xã đội trưởng xã Lộc Bình có kinh nghiệm về bắn súng nhận huấn luyện môn kỹ, chiến thuật. Vậy là từ tháng 10-1974 đến đầu tháng 3-1975, lớp học trên đồi hiếm khi thiếu vắng các học viên. Một buổi sáng, mọi người ngạc nhiên khi có một họa sĩ dáng gầy gò, nói giọng Nghệ An đặt giá vẽ ngay bên lớp học. Ông cho biết mình từ Sư đoàn 304 qua, sau nhiều tháng vẽ bộ đội ở đó. Các chiến sĩ chỉ kịp nhìn thấy hình dáng phác họa qua nét bút chì đen của người họa sĩ. Nhiều lần như thế, thành quen, ai làm việc nấy. Mọi người cũng không biết tranh sẽ trưng bày ở đâu và làm sao tìm được người họa sĩ ấy.
Ông Hà Thanh Vân cho biết: "Năm 2010, họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh qua đời vì bạo bệnh ở Hòa Nhơn, Hòa Vang. Trước đó ông có tâm niệm sẽ hiến tặng Đà Nẵng 452 bức tranh đã vẽ từ năm 1967 về chiến trường Quảng Đà và công cuộc kiến thiết của Quảng Nam, Đà Nẵng sau ngày giải phóng. Tiếp nhận từ năm 2011, nhưng mãi đến khi có bảo tàng Mỹ thuật, những bức tranh đậm màu kháng chiến của người họa sĩ già mới được trưng bày trang trọng. Chúng tôi thường xuyên thay đổi để kỷ vật của họa sĩ Đức Hạnh đến với người xem. Bức tranh lớp học quân sự ở Thượng Đức được chọn bởi nó tạo cảm giác yên bình trên vùng đất vừa giải phóng. Rất nhiều du khách nước ngoài đã đề nghị giải thích bức tranh đặc thù này bởi không hiểu vì sao lại có lá cờ xanh đỏ trong buổi tập".
Đại tá Ngô Thanh Hải bên bức tranh của họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh. |
Sống lại thời trận mạc
Từ phát hiện của Đại tá Ngô Thanh Hải, những nhân vật trong bức tranh năm xưa đã có ngày hội ngộ tại Bảo tàng Mỹ thuật. Ngoài số ít ở Đà Nẵng, còn hầu hết ở Đại Lộc. Lớp cán bộ, chiến sĩ được đào tạo cấp tốc trên đồi ngày ấy sau này đều trưởng thành, giữ các cương vị quan trọng trước khi về hưu. Đó là Đại tá Võ Tương, Trưởng CAQ Hải Châu, Đà Nẵng; Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Đà Nẵng; Phan Khắc Chưởng, Phó Chánh án Tòa án tỉnh Quảng Nam; Đỗ Duy Phê, Thường vụ Đảng ủy Sở NN&PTNT Quảng Nam, Nguyễn Khánh Sơn, Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban dân vận Huyện ủy Đại Lộc... Cô em út của lớp học ngày ấy là Nguyễn Thị Thanh Hải, bây giờ đã ở tuổi lục tuần. Vừa trực tiếp học tập quân sự vừa tham gia nấu ăn, chăm sóc y tế phục vụ các anh chị, cô còn được mọi người quý mến ví như "Cô tiên nhỏ".
Khi quận lỵ Thượng Đức bị quân Giải phóng tấn công, quân ngụy thất trận, tìm đường thoát thân mặc cho đồng bọn bị thương nằm rên la, kêu cứu trên các con đường, có người toàn thân cháy sém vì chính bom của chính quyền Sài Gòn thả xuống. Chứng kiến cảnh đó, anh Ngô Thanh Hải chỉ đạo du kích Lộc Bình chôn cất tử tế số tử trận và cứu chữa số bị thương. Ngày lại ngày, khi ngơi tiếng máy bay của quân ngụy phản kích, cô y tá tuổi 15 lại cùng chị Điểm tất tả băng bộ đem cơm cho hơn chục tên lính ngụy. Gạo thì đi mót lúa cháy của dân ngoài ruộng, thuốc bổ và kháng sinh thì "mượn tạm" của tiệm thuốc bà Sáu Thành. Nhiều tên lính da đã hoại tử, phải cắt bỏ những chỗ nhiễm trùng. Chị Hải nhớ lại: "Mỗi lần làm thuốc, họ lại kêu hét ỏm tỏi, tôi phải nói: "Như vậy các anh chưa anh hùng rồi. Tôi băng bó cho quân giải phóng thấy các anh ấy có la ré gì đâu". Cả bọn xấu hổ, từ đó để yên cho tôi điều trị. Hàng chục tên bị thương nặng đã được cứu sống. Có người sau này đã đi tìm tôi và anh Hải. Cảm động lắm".
Nhớ về những ngày sôi nổi ấy, ông Nguyễn Văn Hai, hiện Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Đại Lộc nói: "Trước khi đánh Thượng Đức, chúng tôi được triệu tập học về chính sách hòa hợp dân tộc, khẳng định trừ một số ác ôn, còn hầu hết lính ngụy là nạn nhân chiến tranh, phải được đối xử nhân văn. Bởi thế anh em du kích ai cũng có người thân bị địch tra tấn, giam cầm hay sát hại hy sinh nhưng đều không hề có sự hằn thù trong đối xử với tù binh". Ông Nguyễn Khánh Sơn thì nhớ lại cảnh người bạn của mình là học sinh bị thương do tên bay đạn lạc. Người cha là cảnh sát ôm đứa con trong tuyệt vọng. Anh Sơn đã bảo lãnh hai cha con và gửi họ lên Thành Mỹ chạy chữa. Người con ấy nay sống sót và mấy mươi năm sau đã có lời xúc động khi gặp lại ân nhân của mình...
Những câu chuyện về quá khứ cứ râm ran. Rất nhiều người trong lớp đào tạo quân sự ngày ấy tiếp tục con đường binh nghiệp và hy sinh ở chiến trường K. Ban liên lạc truyền thống thỉnh thoảng lại tổ chức gặp mặt ôn lại một thời đáng nhớ. Họ mong đất nước mãi hòa bình để không phải chứng kiến những bi thương trong chiến tranh mà họ đã nếm trải.
HỒNG VÂN