Một lần thăm quê chị Sáu
Mỗi lần nghe bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, lòng tôi luôn bồi hồi. Hình ảnh một cô gái dáng người mảnh mai, nhẹ nhàng như hơi thở bước đi giữa hai hàng lưỡi lê sáng loáng. Trước mặt cô, biển quê hương một màu xanh ngát với từng đàn hải âu cánh trắng chao liệng trên sóng biếc, làn gió mát thổi nhẹ đưa chùm ánh nắng lay động hàng dương vi vu buổi sớm, mơn man, đẩy nhẹ những cánh buồm về nơi khuất nẻo chân trời. Trước những cảnh tượng đẹp đẽ thanh cao ấy, bất kỳ ai cũng cảm thấy cuộc sống đáng yêu và tươi đẹp biết bao. Một cô gái mới 16 tuổi biết chắc rằng chỉ một chút nữa thôi mình sẽ phải vĩnh biệt mãi mãi với những hình ảnh này, nhưng vẫn bình thản bước qua để đi vào cõi chết. Những bước đi nhẹ nhàng, mái tóc cài bông hoa trắng, miệng vẫn hát vang bài hát cách mạng. Đó là hình ảnh đẹp đẽ tiêu biểu cho một anh hùng.
Du khách đến tham quan Nhà lưu niệm và tượng đài anh hùng Võ Thị Sáu ở thị trấn Đất Đỏ. |
Cảm xúc từ lời bài hát, từ hình ảnh người con gái Đất Đỏ, liệt sĩ Công an nhân dân kiên trung, tôi có ý định từ lâu là sẽ đến thăm quê chị. Mãi đến tận mùa xuân, mùa hoa lêkima nở vừa qua tôi mới thực hiện được ý định này. Thị trấn Đất Đỏ cách Bà Rịa 11km theo hướng đi Bình Châu. Khi tôi đến thì đã quá trưa, thị trấn tĩnh lặng, yên bình trong tiếng gà trưa eo óc. Cổng Nhà lưu niệm- Tượng đài chị Sáu đã đóng. Một bà cụ bên kia đường bán tạp hóa và nhang cho du khách đến viếng, nhiệt tình chỉ nhà chú Tư, người coi sóc và giữ chìa khóa Nhà lưu niệm. Nhà chú Tư cách đó không xa, sát vách rạp chiếu bóng Đất đỏ. Khi đến nơi tôi mới được biết đó cũng chính là căn nhà chị Sáu. Rạp chiếu bóng đã được xây từ những năm 40, nó cũng là chứng tích cùng thời với cuộc sống, chiến đấu của chị Sáu. Ngôi nhà nhỏ cả tường và mái đều bằng gỗ được giữ nguyên vẹn như thời chị còn sống. Trên tường gian nhỏ bên ngoài là ảnh chị, kế bên là bàn thờ lúc nào cũng sẵn hoa tươi và ngào ngạt nhang khói của du khách viếng thăm chị. Căn nhà đơn sơ chật hẹp là nơi đã từng sinh ra và lớn lên của một người con gái mà cả Việt Nam, cả thế giới biết tên, biết tuổi.
Đứng lặng người trong làn khói nhang ngào ngạt hình bóng chị như đang ẩn hiện lung linh, dòng ký ức đưa tôi trở lại tận bên kia bán cầu, chuyện xảy ra cách đây khoảng hơn 10 năm lúc đó tôi đang công tác ở tận Mexico. Trong một lần đi trên chuyến xe lửa xuyên qua một cánh rừng đêm xa lạ, tôi mon men đến bắt chuyện với anh bạn có dáng người như người Việt ngồi cùng toa, nhưng tôi đã “bé cái nhầm”. Anh ta là người Mexico hoàn toàn. Ngượng quá tôi chữa thẹn “Tại anh giống người Việt Nam quá, anh có biết Việt Nam không? Anh ta trả lời: “Tôi biết Việt Nam có Hồ Chí Minh, có Võ Thị Sáu và Nguyễn Văn Trỗi phải vậy không? Một chi tiết thật cảm động.
Tôi được chú Tư dẫn đến Nhà lưu niệm. Trên các bức tường nhà treo những hình ảnh về cuốc sống tù nhân tại Côn Đảo, chỉ có ba bức ảnh của chị, hai bức chụp thẳng và một chụp nghiêng, ảnh mộ chị tại nghĩa trang Hàng Dương, ảnh một góc bãi trước Vũng Tàu nơi bọn thực dân giam chị một đêm trước, sáng hôm sau xuống tàu ra Côn Đảo, ảnh bức tường bị đục thủng trong đêm tối để lén lút mang xác chị ra nghĩa trang Hàng Dương vì sợ làn sóng phẫn uất của tù nhân trên đảo.
Những nơi này tôi đã từng biết và có nơi hàng ngày tôi vẫn thường đi qua nhưng từ khi biết được đó là những nơi đã từng gắn liền với hình bóng chị Sáu, sau này mỗi lần đi qua đó tôi cảm thấy linh thiêng và không tránh khỏi lòng bồi hồi khôn tả. Trong các tủ kính, khung kính là những lá thư, những dòng lưu niệm gửi tới hương hồn chị, trong một khung kính trân trọng là ảnh của Đại tá cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn cùng một trang cảm xúc của ông và bản thảo sáng tác của bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” năm 1962. Nói chung hình ảnh trực tiếp và dữ liệu cụ thể về chị không nhiều có lẽ vì hoàn cảnh kháng chiến, và điều kiện lúc đó không cho phép, nhưng tôi không khỏi băn khoăn khi mà mãi đến 1993 tức là 41 năm sau chị mới được công nhận Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và truy tặng Huân chương Chiến thắng, khi mà chị đã trở thành anh hùng trong trái tim hàng tỷ người trên hành tinh chúng ta từ năm 1952.
Ra khỏi Nhà lưu niệm- Tượng đài chị Sáu trời lắc rắc mưa. Những giọt mưa lay lắt, xiên xiên đậu nhẹ trên cành lá của những cây lêkima ven đường. Mùa này hoa lêkima đang nở rộ. Có tiếng sét to đánh xuống cánh đồng ngoại thị trấn Đất Đỏ làm tôi bừng tỉnh: Bây giờ và sau này cả ngàn năm nữa, chị Sáu mãi mãi là thiếu nữ anh hùng 16 tuổi trong lòng người, trong những ai đấu tranh cho tự do và hạnh phúc.
Đinh Thị Kim Anh