Một miền quê thơ

Thứ tư, 27/06/2018 13:13

Tôi vừa nhận được tập Thơ Lệ Thủy do nhà văn Hoàng Đại Hữu, Chi hội trưởng Chi hội VHNT Lệ Thủy (Quảng Bình) gửi tặng. Lệ Thủy là huyện quê tôi, một miền quê- sông - nước - cát - biển, một miền quê thơ! Sinh thời, nhà thơ Phùng Quán có lần nói với tôi về cái Miền Quê thơ ấy. Anh bảo:  "Mỗi lần đi qua vùng Lệ Thủy Quảng Bình, mình lại nghĩ, sao cái vùng cát trắng gió Lào cháy bỏng thế, lại sinh ra nhiều nhà thơ đến vậy!". Rồi anh nhắc đến Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Vũ Thuật, Đỗ Hoàng, Hải Kỳ... Tập thơ Thơ Lệ Thủy là sự góp mặt của 20 nhà thơ là Hội viên Chi hội VHNT Lệ Thủy, thuộc Hội VHNT Quảng Bình và con em Lệ Thủy làm thơ trên mọi miền đất nước. 75 bài thơ của 20 tác giả với 124 trang in, dù rất khiêm nhường cũng nói lên được không khí sôi động, cái chất thẳm sâu miền sông nước Lệ Thủy thơ.

Đọc Thơ Lệ Thủy tôi thấy các nhà thơ quê mình tung tẩy chữ nghĩa ghê lắm. Tôi xin nhặt ra đây một số thi ảnh đẹp, những câu thơ hay, lạ để bạn đọc cùng chiêm ngưỡng. Đỗ Quý Dũng có  Bờ vai muốn khóc; Trần Khởi phát hiện ra trò chơi ú tim Tìm bóng: Ta đi lên phía trước/ Bóng đổ về phía sau/ Ta ngoái lại phía sau/ Bóng đổ về phía trước... Lê Đình Ty có câu thơ giản dị mà như một định đề thăm thẳm, như một lời nhắn của thời gian: Buồn lên Lệ Thủy mà chơi! (Tiếng quê);  Một Ngọc Liên tâm trạng: Tôi về ôm lấy bần thần/ Trẻ trai xa ngái nay gần già nua (Tôi về); Từ Sâm viết về quê nhà có câu thơ "nổi da gà": chim gáy độc thân không nuôi nổi tiếng gù (Sắn). Nhà thơ trẻ nhất trong tập là nữ sĩ Hoàng Thụy Anh, quê Hồng Thủy có câu thơ ám ảnh: người đàn bà sinh ra từ mưa/ăn mùi hoàng hôn rớt lại của mùa đông trước/ăn nhánh khô gầy trên môi gió/ ăn chồi buồn vừa nở trong đôi mắt ngập nước (Người đàn bà sinh ra từ mưa).

Lật từng trang tập Thơ Lê Thủy, nhặt ra mấy ý như thế đã thấy thơ đất này rất nồng mặn, lấp lánh. Thời đương đại, Lệ Thủy là huyện có 10 nhà thơ, nhà văn Việt Nam, có lẽ là một trong ít huyện nhiều nhà văn nhất nước. Mạch đất xứ Lệ là mạch đất văn hóa, văn nhân, nơi sinh nhân tài văn chương. Mỗi người lao động bất cứ ngành nghề gì ở xứ này có thể là một người làm thơ. Như nhà thơ Hoàng Vũ Thuật trong bài thơ Những câu thơ của tôi in trong tập, viết: "thơ tôi là cát lạo xạo khắp các ngả đường bạn từng đi qua".

Thơ Lệ Thủy là rứa đó!

Ngô Minh