Một năm xung đột Nga - Ukraine: Con đường hòa bình vẫn mờ mịt

Thứ sáu, 24/02/2023 15:45
Ngày 24-2-2022, Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Một năm trôi qua, không chỉ hai bên chịu thiệt hại lớn về con người, của cải mà còn làm rung chuyển trật tự địa chính trị hậu chiến tranh lạnh và các thị trường toàn cầu. Hiện không bên nào đạt được những bước đột phá lớn có thể làm thay đổi cục diện xung đột, hoặc bày tỏ thiện chí sẵn sàng đàm phán. Con đường đến hòa bình vẫn đầy chông gai.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ hai. Ảnh: CNN
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ hai. Ảnh: CNN

Mất mát lớn

Cuộc xung đột tại Ukraine đã trở thành cuộc chiến tàn khốc nhất ở châu Âu kể từ sau chiến tranh Lạnh, với gần 19.000 dân thường đã thiệt mạng và bị thương. Gần 13 triệu người, tức hơn 1/3 dân số Ukraine phải rời bỏ nhà cửa. Ukraine cũng đã mất quyền kiểm soát một dải bờ biển, trong khi nền kinh tế bị tê liệt. Ngân hàng thế giới ước tính chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã tàn phá nền kinh tế Ukraine, khiến quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bị thu hẹp 1/3, với thiệt hại lên tới 350 tỷ USD. Hồi tháng 7-2022. Ukraine cho biết cần đến hơn 750 tỷ USD trong 10 năm tới để tái thiết đất nước.

Về phía Nga, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm giảm doanh thu từ năng lượng và các mặt hàng xuất khẩu khác. Chỉ trong vòng vài ngày, 300 tỷ USD dự trữ ngoài tệ ở nước ngoài của Nga đã bị đóng băng. Các chính phủ phương Tây sau đó chuyển sang chặn tất cả đầu tư nước ngoài, ngắt kết nối 3/4 lĩnh vực tài chính của Nga và cấm vận năng lượng của nước này. Một năm sau khi cuộc xung đột bùng phát, kinh tế Nga vẫn trụ vững trước các đòn trừng phạt khốc liệt của phương Tây nhưng đã xuất hiện những tín hiệu đáng lo, như lạm phát tăng lên gần 12%, nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí giảm… Số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Liên bang Nga cho thấy GDP nước này năm 2022 giảm 2,1%. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga sẽ chứng kiến mức giảm GDP trong năm nay khoảng 3,4%.

Không dừng lại ở biên giới Ukraine và Nga, tác động kinh tế của cuộc xung đột đột được cảm nhận rõ từ những ngôi nhà lạnh giá ở châu Âu đến các thị trường thực phẩm ở châu Phi. Cuộc xung đột đã dẫn đến sự gián đoạn của hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời khiến cho giá năng lượng tăng vọt dẫn tới lạm phát toàn cầu tăng mạnh và làm giảm sức mua của người tiêu dùng. Một nghiên cứu của Viện Kinh tế Đức Cologne cho biết cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu hơn 1.600 tỷ USD.

Cuộc chiến sẽ đi về đâu?

Trong năm qua, Nga đã kiểm soát được một số thành phố và cảng chiến lược, còn Ukraine nỗ lực giành lại các phần lãnh thổ và đẩy lùi các cuộc tấn công mới của Nga. Các quan chức Ukraine tin rằng quân đội Nga đang bắt đầu cho một hoạt động quân sự mới ở miền Đông Ukraine, đúng vào kỷ niệm 1 năm bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đánh giá cuộc tấn công mùa xuân của Nga đã bắt đầu. Ukraine cũng dự kiến thực hiện một cuộc phản công trong những tuần tới.

Đến nay không có dấu hiệu thực sự nào về một lối thoát cho cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều không cho thấy dấu hiệu sẽ lùi bước. Các nhà phân tích nhìn chung đều đồng ý rằng hiện nay Nga và Ukraine khó đạt được thỏa thuận hòa bình để chấm dứt cuộc chiến. Với Tổng thống Putin, việc bị coi là nhượng bộ và rút lui dễ dàng khỏi cuộc chiến là điều khó chấp nhận. Nga không có ý định dừng lại hay tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình với Ukraine khi chưa đạt được lợi thế quân sự trên chiến trường.

Còn đối với Tổng thống Zelensky, việc nhượng bộ cũng là điều không thể chấp nhận. Kiev muốn giành lại toàn bộ phần lãnh thổ đã bị Moscow kiểm soát, bao gồm cả bán đảo Crimea. Ukraine kêu gọi đồng minh phương Tây viện trợ quân sự nhiều hơn và nhanh hơn nữa, cho phép Kiev đạt được lợi thế trước một cuộc đối đầu với Nga trong thời gian tới. Khi xung đột chuẩn bị bước sang năm thứ hai, phương Tây dường như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục "bơm" vũ khí cho Ukraine với hy vọng Kiev sẽ đảo ngược tình thế. Ông Samuel Charap, nhà khoa học chính trị cao cấp tại tổ chức RAND, nhận định: "Sự thù địch giữa Nga và Ukraine có thể khiến cuộc xung đột này tiếp diễn trong một thời gian dài".

Việt Nam kêu gọi chấm dứt xung đột, tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine

Ngày 22-2 (giờ địa phương), phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng LHQ đã nhóm họp để tiếp tục thảo luận về tình hình Ukraine, đúng một năm kể từ khi bắt đầu xung đột.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng, cuộc xung đột làm gia tăng bất ổn khu vực, căng thẳng và chia rẽ toàn cầu, giảm nguồn lực dành cho việc xử lý các cuộc khủng hoảng và vấn đề toàn cầu cấp bách khác, kêu gọi các bên hợp tác để tìm giải pháp hòa bình thực chất, lâu dài dựa trên Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã bày tỏ quan ngại về tình hình xung đột tại Ukraine trong một năm qua, cũng như trước diễn biến đáng lo ngại gần đây, hậu quả của cuộc xung đột, mất mát to lớn về người và của, cơ sở hạ tầng và tác động tiêu cực đối với khu vực, thế giới và các nỗ lực chung trong thúc đẩy hợp tác quốc tế, ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Trước tình hình đó, Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, nhất là các nguyên tắc cơ bản quan trọng hàng đầu là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.

Việt Nam khẩn thiết kêu gọi các bên chấm dứt chiến sự, tránh hành động leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình toàn diện, thỏa đáng, lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp và tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, có tính đến lợi ích, quan tâm chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cho rằng, cộng đồng quốc tế cần tăng cường bảo vệ an ninh, an toàn của người dân, bảo đảm những nhu cầu cấp bách của người dân chịu ảnh hưởng bởi chiến sự, bảo vệ và duy trì các cơ sở dân sự, nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân.

Việt Nam kêu gọi LHQ, các nước, các tổ chức và đối tác quốc tế tiếp tục gia tăng nỗ lực để viện trợ, cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột, đồng thời ủng hộ vai trò, nỗ lực của LHQ và Tổng Thư ký LHQ trong tìm kiếm giải pháp. Việt Nam khẳng định sẵn sàng đóng góp trong khả năng của mình vào nỗ lực ngoại giao, tái thiết, hồi phục, cứu trợ ở Ukraine.

Phiên họp khẩn cấp kéo dài trong ngày 23-2 để tiếp tục lắng nghe ý kiến của các nước và xem xét dự thảo Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về "Các nguyên tắc của Hiến chương LHQ về Hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài tại Ukraine".

(Theo Báo Điện tử Chính phủ)

AN BÌNH