Một người Pháp mang trái tim Việt Nam

Thứ sáu, 08/11/2013 09:22

(Cadn.com.vn) - Ngày nay, đến với Trại phong Di Linh (Lâm Đồng), nhiều người cảm nhận nơi đây như một danh lam thắng cảnh giữa bạt ngàn cà-phê vùng đất đỏ, bởi không khí trong lành và mát mẻ, với những căn nhà gỗ xen lẫn những ngôi nhà gạch sạch sẽ và tươm tất. Để có được cảnh quan đó, từ những năm 50 (*) của thế kỷ trước, Giám mục người Pháp  Jean Cassaigne (tên Việt là cha Sanh), sau 14 năm cai quản giáo phận Sài Gòn đã xin từ nhiệm lên Di Linh, cùng với một số nữ tu biến nơi vùng rừng thiêng nước độc thành nơi trú ngụ và chữa trị  cho những người bị bệnh phong. Cuối cùng, chính vị Giám mục Jean Cassaigne cũng bị lây bệnh và qua đời ở mảnh đất, nơi có những con người ông yêu thương, cách đây tròn 40 năm...

Trại phong Di Linh ngày nay.

Xuất thân từ một gia đình tiểu thương buôn rượu, cha là ông Joseph Cassaigne, mẹ là Nelly ở  Adour, địa phận Dax, vùng Tây Nam nước Pháp. Từ nhỏ, Jean là một thiếu niên tinh nghịch nhưng ham đọc sách, đặc biệt là ham thích đọc cuộc đời các vị  truyền giáo ở Á Châu, say mê cuốn "Hành trình truyền giáo của Giáo sĩ Đắc Lộ", đến Việt Nam vào thế kỷ XVII, nổi tiếng vì đã sáng tác chữ "quốc ngữ" dùng từ ngữ La-tinh để phiên âm tiếng Việt.

Từ nguồn cảm hứng này, Jean mang trong tâm một giấc mơ: ra khơi để truyền giáo. Năm 1914, chiến tranh Pháp-Đức bùng nổ, Jean phải đầu quân tham chiến, đến năm 1918 được  Huy chương Anh dũng bội tinh và từ chối mọi đề nghị hôn nhân. Năm 1920, Jean từ giã mọi vướng mắc thế sự,  dâng hiến cuộc đời tại Chủng viện Thừa sai Hải ngoại Paris. Năm 1925, ông được thụ phong linh mục, năm 1926, trên danh sách 8 vị thừa sai đuợc cử đi các nước Viễn Đông: Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Lào, linh mục Cassaigne chọn Việt Nam, đất nước thân yêu của Cha Đắc Lộ để dừng chân.

Ngày 5-5-1926, trên con tàu cập bến Sài Gòn, cha Cassaigne được đưa về Cái Mơn học tiếng Việt, chọn tên Việt Nam là Gioan Sanh. Sau đó, ông được Đức Giám mục Sài Gòn Dumortier cử đến vùng rừng núi Di Linh, nơi có  nhiều thổ dân người Cơ Ho. Lúc này, bệnh phong đang hoành hành nơi đây. Một lần, cha Gioan đi tìm thăm bệnh nhân, gặp rất nhiều người bệnh nặng, thân xác héo tàn, từ đó, ông quyết tâm bằng mọi giá dựng một mái nhà để chăm sóc những người bất hạnh này. Ông kêu gọi các bệnh nhân từ trong rừng đến đây chung sống.

Với sự hỗ trợ của  nhiều nguời quen thân, cha mở được một nhà phát thuốc, băng bó, chữa trị. Lần ấy, cha cũng lâm bệnh sốt rét rừng hành hạ, buộc phải về Pháp chữa trị trong 9 tháng. Ngày trở lại Di Linh, công việc ngày càng nhiều, làng phong thêm con cháu, cha kêu gọi các sơ  Nữ Tử  Bác Ái Vinh Sơn giúp chia sẻ số phận bạc bẽo của người bệnh và được 3 sơ  hết lòng cùng cha chăm sóc bệnh nhân.

Đức Cha Gioan Cassaigne thời kỳ đầu ở làng phong Di Linh.

Ngày 24-12-1945, đột ngột cha Cassaigne được tin Tòa Thánh Rôma bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Sài Gòn, đành phải từ biệt những con người bệnh tật và mảnh đất ông yêu thương nhất. Thế rồi, như một định mệnh, ngày 23-6-1943, linh mục đọc phiếu kết quả xét nghiệm xác nhận mình bị nhiễm vi trùng Hansen (Phong). Ông cười nói: "Đây là quà lễ quan thầy của tôi". Đồng thời trả lời với những người sửng sốt lo lắng xung quanh: "Không phải bị mà là được vì được về Di Linh với đoàn con! Có đau mới hiểu người đau và biết thương họ nhiều hơn".

Sau khi gửi thư cho Đức Khâm sứ Tòa thánh ở Việt Nam và Tổng quyền Hội Thừa Sai Paris xin từ chức trở về Di Linh,  đến năm 1954, cha Cassaigne  được toại nguyện "hồi hương" về Di Linh. Năm 1970, các bệnh cũ của cha trở nặng. Cuối tháng 10-1971, xương đùi ông bị gãy và buộc không rời khỏi giường được nữa. Nhiều người muốn đưa ông về Pháp chữa trị nhưng ông từ chối: "Tôi là người Pháp nhưng trái tim tôi là của người Việt Nam. Tôi đã sống nơi đây và cũng muốn được chết nơi đây. Việt nam là quê hương của tôi". Cha Cassaigne qua đời ngày 30-10-1973. Ông được an táng cạnh nhà thờ, gần tháp chuông, đúng theo nguyện vọng sâu xa của ông.

Trần Trung Sáng