Một số nơi thực hiện sai chỉ thị của Thủ tướng

Thứ sáu, 03/04/2020 07:58

Những ngày qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Chỉ thị 15, 16 về các biện pháp phòng chống dịch, có đặt vấn đề cách ly xã hội. Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 2-4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ, cho biết, liên quan đến Chỉ thị 16 của Thủ tướng đã có một số địa phương hiểu và thực hiện sai.

Thủ tướng không chỉ đạo “ngăn sông cấm chợ”

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, không phải “ngăn sông cấm chợ”, chưa phải phong tỏa xã hội. “Điều quan trọng là đảm bảo an toàn cho người lao động”.

Trong bối cảnh ấy, chúng ta vẫn phải duy trì sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hóa xuất khẩu, duy trì xuất khẩu bình thường bằng đường biển, đường bộ. Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để làm việc tại nhà nhưng vẫn bảo đảm tốt tiến độ, chất lượng công việc. Chỉ thị 16 có hiệu lực trong vòng 15 ngày, từ ngày 1-4 đến 15-4, đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế tối đa dịch bệnh lây nhiễm ra cộng đồng.

Trong 15 ngày tới là giai đoạn quyết định để ngăn chặn dịch. Nếu quyết liệt, cách ly xã hội, cách ly người với người thì chúng ta sẽ hạn chế được tổn thất về tính mạng người dân. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện nghiêm các chủ trương, biện pháp mà Chính phủ đã đề ra; tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ những giải pháp để ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; yêu cầu mọi người dân tích cực chấp hành việc khai báo y tế tự nguyện, phải tự bảo vệ mình, gia đình và tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động phòng chống dịch bệnh của các cơ quan có chức năng.

Tuy nhiên, từ ngày 1-4, đã có một số địa phương tiến hành việc rào đường, hạn chế người đi lại từ địa phương này sang địa phương khác, hay tạm dừng các công trình xây dựng. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, việc “ngăn sông cấm chợ" là sai chỉ đạo của Thủ tướng.

Vẫn đồng ý cho nhà máy, phân xưởng hoạt động

Về việc đi lại của người dân từ nơi này sang nơi khác, Bộ trưởng  cho biết Chính phủ không cấm, tuy nhiên khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà. Bộ trưởng đánh giá, việc Hà Nội lập các chốt kiểm soát trên các trục đường ra vào cửa ngõ Thủ đô để đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe, điều tra dịch tễ là tốt vì sẽ sàng lọc được những người nghi ngờ nhiễm bệnh để có giải pháp phù hợp.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Văn phòng Chính phủ đã trao đổi với các địa phương này, đề nghị thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 16. Văn phòng Chính phủ cũng sẽ có văn bản cụ thể để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chính phủ vẫn đồng ý cho nhà máy, phân xưởng hoạt động nhưng yêu cầu cán bộ văn phòng, cơ quan hành chính Nhà nước, doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Tuy nhiên, nếu để xảy ra 1 trường hợp lây nhiễm cũng phải đóng cửa ngay lập tức, tránh lây nhiễm chéo và lây lan ra cộng đồng.

Lý giải vì sao chưa ban hành lệnh phong tỏa khi dịch đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh Chính phủ vẫn đang kiểm soát được tình hình, vì vậy, vẫn cần phải đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, về sản xuất, về kinh tế xã hội. Khi kiểm soát được thì không nên đóng cửa ngay lập tức, vì có những tỉnh chưa có dịch, hoặc có nhưng họ đã khoanh vùng và kiểm soát được. Tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, Chính phủ sẽ đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu ở mức độ phù hợp.

Thêm 12 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh

Thông tin từ tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, đến chiều 2-4-2020, Việt Nam đã có thêm 12 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, trong đó có 1 bệnh nhi số 73 điều trị tại khoa Truyền nhiễm Trung tâm y tế H. Thanh Miện (Hải Dương) được công bố khỏi bệnh trong buổi sáng và 11 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được công bố trong buổi chiều. Như vậy tính đến thời điểm này, đã có 75 bệnh nhân mắc Covid-19 tại Việt Nam khỏi bệnh/ra viện. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị, Giám đốc Trung tâm Quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19 cho biết, hiện nay Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là nơi tiếp nhận và điều trị 80 bệnh nhân mắc Covid-19 - nhiều nhất trên cả nước. Với 11 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh vào chiều 2-4, hiện Bệnh viện còn 69 bệnh nhân đang được điều trị, đa số sức khỏe các bệnh nhân tiến triển tốt.

QUỲNH NHƯ – TTXVN

Phong tỏa một thôn ở Hưng Yên

"Xác định là đã có dịch, Hưng Yên cần nhanh chóng triển khai dập dịch, học kinh nghiệm từ Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), vận động nhân dân bình tĩnh không hoang mang", Thứ trưởng Bộ y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhấn mạnh như vậy trong buổi làm việc về công tác phòng chống dịch Covid-19 với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, ngày 2-4. Về phía địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cho biết, ngay sau khi xuất hiện ca dương tính với virus SARS – CoV - 2 (bệnh nhân số 219) đầu tiên trên địa bàn, tỉnh đã chỉ đạo công tác khoanh vùng và lên các phương án ngăn chặn, không để lây lan dịch bệnh ra diện rộng.

Ca bệnh đầu tiên dương tính với virus SARS–CoV-2 là bệnh nhân số 219, trú thôn Chí Trung, xã Tân Quang. Bệnh nhân số 219 (59 tuổi) là con dâu của bệnh nhân số 161 (88 tuổi). Trước đó, từ ngày 16-3 đến ngày 22-3, bệnh nhân 219 đến Bệnh viện Bạch Mai chăm mẹ chồng tại khoa Thần kinh cùng phòng bệnh nhân số 133. Sau khi từ bệnh viện Bạch Mai về, bệnh nhân 219 tiếp xúc với 6 người trong gia đình và 1 người ở Công ty Telecom. Ngày 25-3, cả 7 người này đã được chuyển cách ly tại Trung tâm y tế H. Văn Lâm. 

Tỉnh Hưng Yên quyết định thiết lập cách ly toàn bộ đối với với thôn Chí Trung, thực hiện phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Diện tích khu vực cách ly là 2,5 ha; số người dân trong khu cách ly là hơn 1.400 người; thời gian cách ly tối thiểu là 28 ngày, kể từ ngày 2-4. Với việc khoanh vùng trên, H. Văn Lâm đã lập 5 chốt chặn tại các ngõ xóm ra vào thôn Chí Trung, chỉ để lại một lối kiểm soát người và phương tiện ra vào địa bàn. Sau khi phong tỏa cách ly, sẽ sử dụng nhà văn hóa thôn làm nơi cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.