Mũ bảo hiểm & khẩu trang

Thứ hai, 27/04/2020 06:29

1. Cách đây hơn 12 năm, rất nhiều người từ phố đến quê  thường bàn tán tới một thiết chế về trật tự xã hội mà nói đúng hơn là việc bảo vệ tính mạng, tài sản cho mỗi công dân.

Đó là ngày 29-6-2007, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về “Một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông”. Theo đó, hàng loạt các biện pháp mang tính bắt buộc được đưa ra và từ ngày 15-9-2007, người điều khiển mô-tô, xe máy trên các tuyến quốc lộ đều phải đội mũ bảo hiểm. Đến ngày 15-12 cùng năm, người chạy xe máy trên tất cả các tuyến đường, kể cả nội thị đều phải đội mũ bảo hiểm.

Chỉ có vậy, song dư luận lại nhiều bởi nguyên do chủ yếu vẫn xuất phát từ chưa quen đội mũ bảo hiểm. Có người bảo nước ta ở xứ nhiệt đới nóng nực gần như quanh năm mà “úp cái nồi cơm điện” lên đầu ai mà chịu cho nổi. Người khác lại cho rằng mũ bảo hiểm to đùng, đội nặng trịch mỏi cả cổ, đi đâu cũng phải lè kè, lỉnh kỉnh, quá bất tiện, đối với phụ nữ càng khó khăn hơn...

Nói chung có nhiều lý lẽ bàn luận do chưa quen. Thế nhưng bên cạnh việc phổ biến, tuyên truyền đến các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát kiên quyết xử phạt các trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đã nhanh chóng làm thay đổi nhận thức của  một số người.

Ai cũng hiểu rằng chế tài của Chính phủ đưa ra không chỉ vì lợi ích của quốc gia mà tính mạng của con người phải được bảo vệ là trên hết. Người điều khiển mô-tô, xe máy cần phải đội mũ bảo hiểm nhằm giảm thiểu thương vong cho bản thân mình, đó là một chính sách nhân văn bắt buộc. Vì vậy mà việc đội mũ bảo hiểm được chấp hành một cách triệt để. Bây giờ nếu có ai đó điều khiển phương tiện mà quên đội mũ bảo hiểm thì chắc chắn họ sẽ bị lạc lõng trên đường nếu không muốn nói xấu hổ.

2. Lâu nay, chiếc khẩu trang vẫn được nhiều người sử dụng để bảo vệ sức khỏe  mỗi khi đi ra đường hoặc làm việc trong môi trường độc hại và nó được nhắc tới nhiều hơn khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta. Một trong những biện pháp quan trọng mà Bộ Y tế khuyến cáo để phòng, chống lây nhiễm virus Covid-19 là mọi người phải đeo khẩu trang  ở nơi công cộng và khi giao tiếp với nhau nhằm tránh  giọt bắn. Ngay tại mục 1, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ban bố vừa qua cũng đã quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Thế nhưng mặc dù đang trong thời gian cách ly toàn xã hội lại xuất hiện một số người ra đường không chịu đeo khẩu trang, thậm chí khi bị các chốt kiểm soát dịch bệnh nhắc nhở, yêu cầu chấp hành theo Chỉ thị 16 thì họ phản đối bằng những lời lẽ vô văn hóa.

Tôi đã chứng kiến một trường hợp bị đơn vị chức năng lập biên bản vi phạm do không đeo khẩu trang là một phụ nữ. Chị ta lên gân la lối, vặn vẹo kiểu ông trời con: “Mấy ông căn cứ vào đâu mà phạt tôi không đeo khẩu trang hả?”. Xin thưa! Cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào khoản 1, mục a, Điều 11 vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế” nhé.

Chiếc khẩu trang bằng vải nhẹ tênh mà chẳng hiểu sao nó lại nặng nề, khó khăn với một số người đến thế nhỉ? Chắc có lẽ cũng do từ chưa quen mà ra cả thôi. Thiết nghĩ việc đeo khẩu trang đâu chỉ thực hiện trong cơn sóng gió Covid-19 mà mọi người đều dùng thường xuyên ở các nơi công cộng hoặc mỗi khi ra đường thì càng tốt hơn nhằm phòng, tránh bị lây nhiễm từ nhiều loại virus nguy hiểm khác cũng như bụi bặm, khí thải độc hại trong không khí.

Từ cái mũ bảo hiểm cồng kềnh đến chiếc khẩu trang bỏ túi bé xíu lúc ban đầu mới sử dụng đều cảm thấy khó chịu như nhau bởi do chưa quen, song vì  quyền lợi của bản thân mình và nghĩa vụ đối với xã hội thì nhất quyết phải biến cái chưa quen ấy thành... thói quen bằng ý thức.

THÁI MỸ