Mua bán bất động sản: Rủi ro cao từ việc "ký gửi, ký chờ"

Thứ hai, 03/09/2018 18:00

Trong thời gian gần đây ở các tỉnh, thành phố lớn, đặc biệt là những nơi có tình trạng "sốt" đất thường xảy ra hiện tượng người mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (chủ yếu là người kinh doanh bất động sản) giao dịch, mua bán xong nhưng không hoàn thành thủ tục mua bán, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật tại tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) mà "ký gửi" hồ sơ lại cho công chứng viên (CCV) để tiếp tục tìm người mua tiếp theo để chuyển nhượng... nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Tình trạng này không chỉ gây thất thu về thuế cho ngân sách mà còn có nguy cơ cao rủi ro về mặt pháp lý, có người hầu như mất trắng tài sản vì đã mua bán theo hình thức này.

Người dân không nên thực hiện việc "ký gửi, ký chờ" trong mua bán bất động sản.

Theo chân những "cò đất" tại một số địa phương, phóng viên đã tìm hiểu được thực chất việc "ký gửi, ký chờ", đó là việc người yêu cầu công chứng (CC)  móc nối với CCV của các tổ chức hành nghề CC, mua bán, chuyển nhượng bất động sản nhiều lần, nhưng chỉ đóng dấu có một lần. CCV chứng kiến việc mua bán đó nhưng không ký, không đóng dấu, không vào sổ mà cho người mua gửi lại hợp đồng có chữ ký của người bán tại TCHNCC để người mua tiếp tục tìm người mua tiếp theo để chuyển nhượng, dẫn đến có những trường hợp một bất động sản trên thực tế đã được mua bán, chuyển nhượng nhiều lần nhưng nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ), thuế thu nhập cá nhân chỉ có một lần. Đây là một biến tướng mới phát sinh kể từ khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về việc thu thuế chuyển quyền đối với các Hợp đồng ủy quyền mua bán chuyển nhượng bất động sản. Hành vi này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất cao, mất an toàn pháp lý giao dịch trong trường hợp người chuyển nhượng (người bán) cố tình lừa đảo, có thể mua bán chuyển nhượng hoặc cầm cố thế chấp bất động sản đó ở nhiều TCHNCC khác nhau, làm phát sinh tranh chấp.

Vì hành vi cho "ký gửi, ký chờ" này chỉ có chữ ký của người bán, không có chữ ký của người mua, CCV không ký và không đóng dấu, không đưa lên hệ thống cơ sở dữ liệu CC nên cơ quan quản lý không biết được. Những hồ sơ "gửi" này không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa hai bên mua, bán mà họ chỉ đặt niềm tin ở CCV. Trong trường hợp có rủi ro thì người mua là người phải gánh chịu hậu quả, vì người bán đã nhận tiền, chỉ có người mua là chưa ký và đóng dấu CC để sang tên trước bạ theo quy định... Trong thực tế đã xảy ra không ít các trường hợp như: người bán sau khi đã ký trước mặt CCV về việc bán nhà, đất và đã nhận tiền đầy đủ, nhưng người mua do còn gửi lại văn phòng CC để chờ tìm người mua khác để bán lại kiếm lời, nên chưa ký và đóng dấu CC, sang tên trước bạ, đến khi tìm được người mua để bán lại thì mới phát hiện, ngôi nhà, đất mà mình đã mua bị phong tỏa, ngăn chặn không cho giao dịch mua bán, cầm cố thế chấp... vì bên bán đang có liên quan đến vụ việc tại cơ quan tòa án.

Trao đổi với PV Báo Công an TP Đà Nẵng về hành vi "ký gửi, ký chờ" hiện nay, Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Châu Thanh Việt phân  tích: "Thực ra, rất khó để phát hiện hành vi "ký gửi- ký chờ" của CCV bởi hồ sơ này CCV chưa ký, chưa đóng dấu nên không thể yêu cầu CCV đưa ra cho cán bộ Sở Tư pháp kiểm tra. Tuy nhiên, đây là hành vi có rủi ro cao về mặt pháp lý nếu người bán có sự kiện pháp lý bất ngờ xảy ra như chết, bị cơ quan có thẩm quyền phong tỏa tài sản, hoặc CCV cấu kết với người bán lừa người mua bằng việc ký CC hợp đồng chuyển nhượng cho người khác. Do vậy, Sở Tư pháp khuyến cáo người dân không nên thực hiện việc "ký gửi- ký chờ".

Ông Việt cho biết thêm, tại Đà Nẵng cũng xảy ra hiện tượng này, vì vậy mới đây, Sở Tư pháp đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án "Chống thất thu thuế đối với một số lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế trên địa bàn Đà Nẵng". Để nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, Sở Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan Báo, Đài tuyên truyền cho người dân trên địa bàn TP về các hậu quả pháp lý phát sinh từ việc "ký gửi, ký chờ" khi thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản nhằm trốn thuế nói trên... Về giải pháp để tăng cường quản lý đối với hoạt động CC, Sở Tư pháp TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi các TCHNCC trên địa bàn TP chấn chỉnh một số nội dung liên quan đến hoạt động CC, yêu cầu các TCHNCC tuyệt đối không thực hiện việc móc nối, thông đồng với người mua bán, chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất để "ký gửi", "ký chờ". Đặc biệt, Sở Tư pháp TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục rà soát, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra đột xuất và thanh tra định kỳ để xử lý nghiêm bằng hình thức tước thẻ hành nghề CCV từ 6-12 tháng đối với CCV có hành vi cho "ký gửi', "ký chờ" nói trên.

TRANG TRẦN