Mưa gôn ngày khai màn vòng loại U23 châu Á: Điều đó phải xảy ra
Ít đội mặn mà
Trước khi các đội tuyển công bố danh sáchtuyển U23 dự vòng loại giải, nhiều chuyên gia lo ngại chất lượng chuyên môn giải đấu không cao do một số nước cử lực lượng góp mặt “cho có lệ”, đặc biệt là ở các nền bóng đá chưa phát triển, không có cơ hội cạnh tranh ngay vòng loại. Đơn cử như tại bảng C, U23 Guam, đối thủ đầu tiên của U23 Việt Nam, trong thành phần 23 cầu thủ đến Phú Thọ, có 11 cầu thủ đang là sinh viên và cầu thủ bán chuyên. Ngay cả U23 Singapore, dù có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho giải đấu, cũng không thể mang đến Việt Nam 2 cái tên nổi bật là Ilhan Fandi và Khairin Nadim.
Nhìn sang các bảng khác, U23 Brunei đều gọi các cầu thủ đang chơi ở những đội bóng trong nước, thậm chí còn không dự SEA Games 32; tương tự là U23 Afghanistan, Macau, những gương mặt và phong cách thi đấu chẳng khác gì lứa tuổi “học trò”...
Không chỉ có vậy, tư tưởng, tâm lý “lót đường” khi chưa ra trận đã khiến nhiều đội bóng tự thua hơn là đối thủ quá toàn diện. Bởi vậy, những hiện tượng “mưa bàn thắng” trong ngày khai màn không phải là tin vui, ngược lại là vấn đề mà AFC cần phải trăn trở.
U23 Việt Nam và phần còn lại
Nhìn vào kết quả, U23 Việt Nam có khởi đầu suôn sẻ khi đánh bại U23 Guam với tỷ số 6-0. U23 Thái Lan vượt qua U23 Philippines 5-0, U23 Malaysia vượt qua U23 Bangladesh 2-0. Đây là kết quả đã được dự báo, nên không phải là những cú sốc. Tên tuổi làm nên cơn sốt thật sự là U23 Campuchia, vốn không được đánh giá cao khi rơi vào bảng J có đương kim vô địch Saudi Arabia, Jordan và Mông Cổ. Bị đối thủ mạnh là U23 Lebanon chọc thủng lưới từ phút thứ 7, nhưng các cầu thủ xứ chùa Tháp vẫn kiên cường thi đấu, không chỉ san bằng tỷ số mà còn vươn lên dẫn trước, rất tiếc nuối lại bị chia điểm ở phút 74. U23 Myanmar cũng làm được điều tương tự ở bảng B, khi buộc đối thủ nặng ký U23 Kyrgyzstan vất vả lắm mới giữ lại 1 điểm ở trận hòa 1-1 trong thế bị dẫn trước.
Trở lại với U23 Việt Nam ở trận ra quân, HLV Philippe Troussier gần như đã dùng hầu hết những cầu thủ từng vô địch SEA Games 32 để tiếp U23 Guam. Vậy nhưng, cả hiệp 1, dàn cầu thủ ấy chỉ một lần xuyên thủng “xe buýt” đặt trước khung thành U23 Guam. Lý giải kết quả này, cầu thủ xuất sắc nhất trận Thành Nhân cho rằng trận đầu tiên nên U23 phối hợp không ăn ý. Nhưng đó chưa phải là nguyên nhân cốt lõi. Có thể thấy, tuyến tiền vệ và hàng công U23 Việt Nam muốn “quần” các cầu thủ U23 Guam hơn là ghi bàn. Tất cả mọi thứ đều “đúng bài”, từ chồng biên, tạt cánh, chuyền vượt tuyến, sút xa, bật tường..., nhưng kết thúc lại là bắn bia “vịt trời”. Chuyền hỏng, dứt điểm cẩu thả, tâm lý nóng vội... lẽ ra không được phép xảy ra ở một tập thể được rèn giũa nhiều đợt trong 6 tháng chuẩn bị.
Thừa nhận một hiệp 2 đã có khác biệt, khi HLV Troussier đưa Hồ Văn Cường vào thay Minh Khoa nơi cánh phải để Đức Phú lên đá cặp tiền vệ trung tâm với Thái Sơn. Liên tục pressing, đẩy cao tốc độ tấn công, U23 Việt Nam đã có được những gì mà hiệp 1 chưa làm tốt, đó là 5 bàn thắng. Cái cách “3 mặt giáp công” từ 2 cánh lẫn trung lộ rõ ràng tạo nên sự khác biệt. Tuy nhiên, “công lao” không chỉ phụ nhờ vào đấy. Có thể nói, bàn thắng giải tỏa tâm lý của Lê Văn Đô trước giờ nghỉ giữa trận và sự hụt hơi của U23 Guam là 2 yếu tố then chốt mở ra hiệp 2 có phần mãn nhãn hơn. Mọi thứ dễ dàng hơn với bàn thắng thứ 2 trên chấm 11m của Văn Tùng, thứ 3 của Hồ Văn Cường, để rồi các học trò của HLV Dominic Gaita gần như sụp đổ để Thanh Nhàn (phút 79), Văn Toản (phút 83) và Vĩ Hào (1m, phút 90) đưa bóng vào lưới thủ môn Joh Michael Guidroz.
Sau trận đấu, HLV Troussier chỉ tỏ ra hài lòng với ngôi đầu bảng C. Ông cũng thừa nhận đã “biết vấn đề của U23 Việt Nam”, đặc biệt là cách thức vận hành. Nhưng chắc chắn đó chưa phải là tất cả suy nghĩ. Đối thủ U23 Guam quá “non” để làm “chuẩn” đánh giá về U23 Việt Nam hiện tại. Thực lực U23 Việt Nam ra sao, phải chờ đến ngày 9-9 tới, khi đối đầu với U23 Yemen, được coi là trận đấu bản lề của bảng C.
T.S