Mùa hội đâm trâu của người Ca Dong

Thứ bảy, 21/03/2015 08:57

(Cadn.com.vn) - Những ngày này, khắp các miền núi của H. Bắc Trà My (Quảng Nam), nơi có người Ca Dong sinh sống lại rộn ràng lễ hội đâm trâu để trả ơn thần linh, mừng mùa màng bội thu và  gặp mặt, sum vầy mở đầu cho một năm mới. Theo phong tục truyền thống, đây là lễ hội đâm trâu huê. Mỗi năm, trong một làng sẽ có một nhà đứng ra tổ chức lễ đâm trâu rồi mời dân làng, bà con dòng họ các nơi đổ về ăn lễ. Già làng Đinh Văn Xết (81 tuổi, trú thôn 5, xã Trà Đốc, H. Bắc Trà My) cho biết, lễ đâm trâu huê thường tổ chức trong phạm vi một hộ gia đình của một bản làng.

Tuy nhiên, khách mời sẽ có cả những người ở làng khác, xã hoặc huyện khác. Trước đây, khi chưa có phương tiện liên lạc như điện thoại, người dân trong làng được giao nhiệm vụ đi mời người đến dự cũng phải đến một tháng mới xong. Già Hồ Văn Mười (76 tuổi, trú Khe Dưng, thôn 5, Trà Đốc) cho biết thêm: “Tục đâm trâu có từ rất xa xưa của người Ca Dong. Mỗi năm chúng tôi đều tổ chức ít nhất một lần. Tùy vào điều kiện hoàn cảnh của từng hộ gia đình hoặc từng làng mà có thể tổ chức lớn hay nhỏ”.

Đến ngày gần đâm trâu, khi tất cả người dân, khách tề tựu về làng cũng là lúc những người phụ nữ vất vả nhất. Họ vừa làm cơm, rượu, thịt để thết đãi khách, vừa làm lễ vật để cúng thần linh. Hai vật phẩm không thể thiếu trong lễ đâm trâu của người Ca Dong là cơm nếp và rượu cần. Dân làng cũng chuẩn bị nhiều ché rượu nếp, có khi cả gần 100- 200 lít rượu để phục vụ khách xuyên suốt lễ đâm trâu diễn ra trong 3 ngày.

Nghi thức đâm trâu.

Bà Hồ Thị Dưng (70 tuổi) là người dân làng Khe Dưng, có chồng về tận xã Phước Gia (H. Hiệp Đức) được làng mời về dự lễ, phấn khởi cho biết: “Có lấy chồng nơi đâu, đi xa cách mấy, đã là người dân Ca Dong thì phải về chung vui với làng. Má về đây cùng chị em nấu nướng giúp làng và tham gia múa hát. Đây cũng là cách để má trả ơn cho thần linh, cho làng”. “Tục đâm trâu là lễ hội mang bản sắc văn hóa của người Ca Dong. Hộ nào, làng nào có khả năng thì tổ chức lớn, không có khả năng thì làm nhỏ. Xét về góc độ vật chất thì lễ hội này hơi tốn kém, nhưng đó là sự tự nguyện của dân làng”- ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc cho biết.

Được biết, ngoài lễ hội đâm trâu vào đầu năm và cuối năm, trong năm đó nếu làng “có việc” như mùa màng thất bát hoặc gia đình có người đau ốm, bệnh tật thì đến tháng 7-8 họ sẽ cúng xin quẻ, nếu trúng vào quẻ cúng trâu thì họ lại tiếp tục tổ chức lễ đâm trâu để xua đuổi “con ma” dù có phải tốn kém đến mấy. Đã có nhiều hộ gia đình ôm một đống nợ sau khi lễ đâm trâu kết thúc. Đâm trâu là một nghi thức truyền thống của người dân, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn tồn tại những quan niệm, nhận thức còn sai lệch khiến cho lễ hội còn bị lạm dụng. Thiết nghĩ các ngành chức năng cần tuyên truyền, vận động người dân hơn nữa trong công tác xây dựng đời sống văn hóa nơi vùng cao, hạn chế, xóa bỏ những lễ cúng bái mang tính mê muội, gây tốn kém.

Bão Bình