Mùa khô ở Aramavati

Thứ năm, 04/06/2015 09:23

(Cadn.com.vn) - Ánh nắng mặt trời gay gắt, những cơn gió lào nóng hầm hập, mặt đất khô nứt nẻ, mùa khô ở dải đất miền Trung luôn là nỗi ám ảnh đối với con người và loài vật nơi đây. Hàng ngàn năm trước trong những cuộc di cư tìm vùng đất mới, cư dân Chămpa đã chọn vùng đất Quảng Nam làm nơi cư ngụ. Và con sông Vu Gia - Thu Bồn những ngày sơ khai đã cùng những cư dân đầu tiên của Đại Việt vượt qua mùa hạn khốc liệt.

Amaravati là tên gọi một tiểu vương quốc trong lịch sử Chămpa. Ban đầu, Amaravati chỉ bao gồm khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng tuy nhiên sau này người Chăm mở rộng lãnh thổ nên còn có thêm khu vực Bình Trị Thiên vào vùng đất của mình. Từ thế kỷ XI đến năm 1306, Chămpa mất khu vực từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân. Địa khu Amaravati chỉ còn lại lãnh địa Quảng Nam - Đà Nẵng như ban đầu. Theo những tài liệu còn lưu lại, mùa khô ở Amaravati với cái nắng như thiêu đốt làm đàn gia súc và cả con người kiệt quệ. Cách đây hàng ngàn năm người dân xứ Aramavati cũng đã phải đối diện với sự khắc nghiệt như vậy. Nhưng bằng sự thông minh, khéo léo và biết nương vào quy luật đất trời họ đã tồn tại.

Những cánh đồng khô khốc đang chờ nước tưới, đàn gia cầm mắc dịch bệnh, người Chămpa phải dự trữ nước vào chai lọ để dùng dần. Nhưng rồi những con sông cũng trở nên cạn kiệt. Vào khoảng thế kỷ X một trận đại hạn đã xảy ra, nguồn nước lấy từ sông lên không đủ đã thôi thúc các vị vua Chămpa và cư dân của mình tìm nguồn nước trên mặt đất. Và mạch nước đầu tiên ra đời đã cứu sống hàng vạn cư dân, thành suối nguồn sự sống đến ngày hôm nay. Người Chăm giỏi nông nghiệp vì vậy họ rất am hiểu vấn đề thủy lợi. Chỉ bằng những hiểu biết sơ khai ban đầu về đất trời, đoán định vị trí của các ngôi sao, thuận theo mạch nước ngầm họ đã tạo ra một hệ thống tưới tiêu trên khắp cánh đồng xứ Aramavati.

Nằm ven con sông Vu Gia và Thu Bồn người Chăm đã biết khéo léo tận dụng lợi thế này. Họ tin rằng để có được một dòng sông lớn phải có những mạch ngầm chảy dưới lòng đất. Những dấu tích còn để lại ngày hôm ngay sau hàng ngàn năm đã chứng minh cho chúng ta thấy sức sống mãnh liệt của dân tộc Chăm đồng thời cũng cho thấy họ là bậc thầy của việc trị thủy. Tổ tiên khi xưa đã khéo léo đào những cái giếng ngay dưới những vùng trũng, nước dồn từ trên cao xuống và quanh năm đều có nước. Đến ngày nay những chiếc giếng cổ với tuổi đời ngàn năm vẫn cho ta nguồn nước trong vắt ngọt lành. Đó cũng là cách đã giúp người dân xứ Aramavati vượt qua mùa hạn.

Giếng Bá Lễ (một trong những giếng Chăm còn tồn tại đến ngày hôm nay) vẫn là nguồn nước của nhiều hộ dân quanh vùng.

Những giếng cổ của người Chămpa hiện nay còn lưu lại khắp nơi ở Quảng Nam trong đó nhiều nhất là các vùng Duy Xuyên, Hội An. Phần lớn các giếng cổ được xây dựng bằng đá nên có độ bền vững hàng ngàn năm và điều đặc biệt là mạch nước luôn tràn đầy. Tại Trà Kiệu kinh đô của người Chăm có một giếng nước nằm trên đỉnh đồi nhưng nước trong và ngọt quanh năm. Khách du lịch đến đây thường múc một ngụm uống để hưởng được linh thiêng từ nguồn nước thánh. Tương truyền đây chính là nguồn nước chung nhất cho cả làng giúp cho cả vùng dù trong cơn đại hạn cỏ cây vẫn tồn tại.

Toàn tỉnh Quảng Nam hiện nay còn gần 50 giếng cổ với niên đại ngàn năm. Nhìn chung hầu hết các giếng đều xây bằng chất liệu gạch và đá. Trong đó đa phần các giếng xây bằng gạch có kiểu dáng “miệng tròn đáy vuông”. Các giếng có độ sâu từ 5-6 mét. Phân cách giữa đáy giếng hình vuông và phần trên hình tròn là 4 phiến đá lớn. Giếng còn nguyên vẹn nhất phải kể đến giếng nhà ông Dương Ngọc San (thôn Thanh Chiêm 1, xã Điện Phương, TX Điện Bàn). Giếng nhà ông là sự chồng ghép của hơn 10 lớp đá dày từ 45-50cm được đẽo gọt tỉ mỉ. Còn giếng Bá Lễ (Hội An) đến nay vẫn được người dân quanh vùng dùng để nấu đồ ăn vì nước trong, không nhiễm phèn.

Những giếng nước tưởng chừng như nhỏ bé nhưng đã tồn tại và minh chứng cho sự sống xuyên suốt ngàn đời. Bên những tháp Chăm trầm mặc, những giếng Chăm lại gợi nên sự bình lặng, dân dã của một vùng quê. Và cũng từ nguồn nước cha ông ngàn đời để lại đã giúp cư dân Quảng Nam ngày nay vượt qua một kỳ hạn mới. Khi mùa khô và cái nắng gay gắt chỉ mới bắt đầu!

Đồng Dao