Mưa lũ phức tạp ở miền Trung có thể kéo dài đến ngày 15-10

Thứ năm, 08/10/2020 10:07

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 6 đến 11-10, các tỉnh, thành phố ở Trung bộ có khả năng mưa to đến rất to, lượng mưa trung bình 300-500mm/đợt. Sau ngày 11-10, mưa to đến rất to vẫn sẽ xảy ra trên diện rộng và chưa có dấu hiệu chấm dứt hoàn toàn trước ngày 15-10. Mưa to, gió lớn đã gây ra nhiều thiệt hại cho các địa phương miền Trung ngay trong đợt đầu. Dưới đây là ghi nhận của Báo Công an TP Đà Nẵng tại một số địa phương.

Phó Tổng cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến (bìa trái) kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại hồ Đồng Nghệ.   Ảnh: Hoàng Hiệp 

Đà Nẵng: Tập trung ứng phó mưa lớn, ngập úng

Ngày 7-10, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn kiểm tra, làm việc tại thành phố Đà Nẵng về công tác chủ động ứng phó với áp thấp và mưa lớn kéo dài. Tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến đề nghị thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường phòng chống áp thấp và mưa lớn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố tiếp tục duy trì liên lạc với 33 tàu cá đang hoạt động trên biển để chủ động Nông dân HTX Rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng ) tranh thủ thu hoạch rau ở cánh đồng ngập nước. triển khai phương án trợ giúp kịp thời.

Đối với các vùng trũng thấp, ven sông, khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, cần rà soát và triển khai di dời dân đến nơi an toàn; chủ động cho học sinh một số vùng nghỉ học để bảo đảm an toàn. Nắm danh sách và thông báo đến khách du lịch đang lưu trú trên địa bàn thành phố biết tình hình áp thấp và mưa lớn diễn biến phức tạp để chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn. Bố trí người canh gác tại điểm ngập sâu, nước chảy xiết, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân...

Cùng ngày, tại cuộc họp tăng cường ứng phó mưa lớn, ngập úng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện tiếp tục triển khai phòng chống áp thấp và mưa lớn. Chủ tịch UBND các quận, huyện triển khai phương án phòng, chống mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; đặc biệt lưu ý các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê (các khu vực nằm trong phạm vi kênh thoát lũ tổng thể xã Hòa Liên, đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi...); sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân.

Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh chỉ đạo cấm nhân dân và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại trong những vùng trũng thấp và nước lũ; kiên quyết không cho người, phương tiện qua ngầm, cầu tràn; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối, nhất là khi có nước chảy xiết; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương chủ động quyết định cho học sinh ở một số nơi nghỉ học tùy tình hình thực tế diễn biến của mưa, lũ.

TT-Huế: Chìm tàu chở hàng trên biển

Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh cho biết, khoảng 12 giờ ngày 7-10, tàu chở hàng mang tên Công Thành 27, trọng tải 4.600 tấn, trên đường từ Quảng Ninh vào Cần Thơ đi qua vùng cửa biển Tư Hiền thuộc xã Vinh Hiền (H.Phú Lộc, TT-Huế); tàu bị va vào vật lạ dẫn tới bị nghiêng. Lúc này biển có sóng to nên tàu nhanh chóng bị đánh chìm. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, 11 người trên tàu gồm thuyền trưởng và các thuyền viên bám vào các phao cứu hộ để cố gắng chống chọi với sóng dữ.

Nhận được tin báo, chính quyền địa phương và lượng bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ và ngư dân huy động phương tiện để cứu hộ. Việc tìm kiếm các nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn do mưa lớn kéo dài và gió mạnh, biển sóng lớn. Sau một thời gian vật lộn với sóng dữ, đến chiều tối 7-10, lực lượng cứu hộ đã đưa được toàn bộ 11 nạn nhân vào bờ và tiến hành sơ cứu, chăm sóc. Hiện, thuyền trưởng của tàu do bị thương nặng nên đang phải điều trị tại Trung tâm Y tế Phú Lộc.

Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh, lượng mưa đo được ở nhiều trạm tại TTHuế hiện đã vượt ngưỡng 300mm. Theo dự báo, khả năng từ ngày 7-10 đến 10- 10 sẽ có một đợt lũ. Các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đón nhận lưu lượng nước đến khá lớn. UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư công trình các hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện tổ chức trực ban theo dõi, quan trắc diễn biến của mưa lũ, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ chứa đã được phê duyệt đảm bảo vận hành tuyệt đối an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.

Quảng Nam: Nguy cơ xảy ra ngập úng tại Tam Kỳ, Hội An

Lòng hồ thủy điện Đắk Mi 4 (Quảng Nam) chưa đến mực nước đón lũ.   Ảnh chụp trưa 7-10.

 

Ngày 7-10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, tổng lượng mưa từ 7 giờ ngày 7-10 đến hết ngày 10-10 các địa phương trong tỉnh Quảng Nam phổ biến từ 300 - 500mm, có nơi trên 600mm. Từ ngày 7 đến ngày 10- 10, các sông trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét các sông suối, sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối vùng núi các huyện: Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang. Nguy cơ xảy ra ngập úng tại TP Tam Kỳ, Hội An và các địa phương thấp trũng trên địa bàn tỉnh.

Một số tuyến phố trung tâm TP Tam Kỳ bị ngập chiều 7-10.

Theo ghi nhận thực tế, do mưa lớn kéo dài trong những ngày qua nên chiều 7-10, trên địa bàn TP Tam Kỳ xuất hiện tình trạng ngập cục bộ ở một số tuyến phố và khu vực, gây khó khăn cho người dân cũng như các phương tiện tham gia giao thông... Bên cạnh đó, theo số liệu cập nhật đến ngày 7- 10, hầu hết các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa tích đầy nước, chỉ riêng thủy điện Đắk Mi 4 (H. Phước Sơn) gần với mực nước đón lũ.

HẢI LAN - TRẦN TÂN - H.H