Mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương

Thứ năm, 12/10/2017 11:40

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên vùng biển phía Đông Philippines, tại nhiều địa phương miền Bắc xảy ra mưa to và rất to, lũ trên các sông ở Thanh Hóa đang lên rất nhanh, các sông ở Nghệ An và hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông La (Hà Tĩnh) đang lên. Tình trạng ngập lụt sâu diện rộng tiếp tục diễn ra ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Ngập úng ở các khu đô thị, các thành phố lớn.

Xả lũ khiến tuyến đường sắt bắc nam tại TX. Hoàng Mai (Nghệ An) bị ngập.

Chính phủ ra Công điện chỉ đạo và họp khẩn  

Trước diễn biến phức tạp của lũ, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó mưa lũ và đảm bảo an toàn hồ đập gửi UBND các  tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Sơn La, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và các ban, ngành trung ương chủ động triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ.

Tại  cuộc họp khẩn chiều 11-10 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chủ động sơ tán người dân khỏi vùng  nguy hiểm. "Các bộ, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 1533 của Thủ tướng Chính phủ ngày 11-10 về triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ, chủ động sơ tán dân ra khỏi những vùng bị cô lập, những vùng nguy hiểm xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Kiên quyết không để người dân nào bị đói rét, không để dịch bệnh phát sinh", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhiều tuyến quốc lộ bị ngập nặng, nhiều người mất tích và thiệt mạng

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến 13 giờ, ngày 11-10 có 24 người chết (Thanh Hóa: 7, Nghệ An: 8; Sơn La: 5 người, Hòa Bình: 4); 15 người mất tích (Yên Bái: 4, Hòa Bình: 1, Thanh Hóa: 3; Sơn La: 3, Quảng Trị: 1); 5 người bị thương (Hòa Bình: 1, Thanh Hóa: 4, Sơn La: 1).

Đã có  81 ngôi nhà bị sập; 135 nhà phải di dời khẩn cấp (Yên Bái 13, Phú Thọ 91, Hòa Bình 22, Sơn La 9). 348 ha lúa bị ngập, thiệt hại ; 13.784 ha ngô, hoa màu, rau màu bị ngập, thiệt hại ; 285 con gia súc, 9.581 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Sạt lở 2 điểm tại QL217 đoạn đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa và 13 điểm tại các QL15A, 16, 48D đoạn đi qua địa phận tỉnh Nghệ An; ngập 25 điểm tại các QL15A, 48B, 48D, 48E đoạn đi qua tỉnh Nghệ An.

Sạt lở tại 14 điểm, ngập sâu từ 0,4 - 1,5m tại các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ thuộc các tỉnh Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh gây ách tắc giao thông. Hiện các địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật thống kê đánh giá thiệt hại.

Hồ Vực Mấu xả lũ.

Khẩn trương sơ tán dân

Tính đến thời điểm cuối ngày 11-10, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã tổ chức sơ tán 5.114 hộ dân tại các khu vực trũng, thấp, có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn (Thanh Hóa 4.791 hộ, Nghệ An 111 hộ, Hà Tĩnh 212 hộ).  Tỉnh Ninh Bình đang tổ chức sơ tán dân tại 12 xã của huyện Nho Quan và Gia Viễn. Tỉnh Hòa Bình đã tổ chức hỗ trợ 58 hộ dân di dời các lồng bè nuôi trồng thủy sản, 3 doanh nghiệp di dời các thiết bị, máy móc ở ven sông thuộc thành phố Hòa Bình; di dời trên 80 hộ dân hạ du hồ Cháu, xã Tu Lý, huyện Đá Bắc khi mực nước cao qua tràn gây sạt lở hạ lưu, nguy cơ mất an toàn đập.

Tại Nghệ An, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Tương Dương, Nam Đàn di dời được 154 hộ dân với khoảng 600 người ra khỏi khu vực ngập lụt. Nghệ An có trên 625 hồ đập lớn nhỏ, trong đó địa phương quản lý 533 hồ; đến nay tất cả các hồ đã đầy. Đập Trại Gà, xã Nghi Văn, H. Nghi Lộc mưa lớn tràn qua thân đập, đã mở rộng tràn 5m để xả lũ đảm bảo an toàn đập, xử lý thấm đập Đá Hàn, huyện Nam Đàn,...

Ngoài ra, gần 1.000 hộ dân bị ngập nước, trong đó, nước dâng cao khiến hàng trăm hộ dân thuộc phường Long Sơn, Hòa Hiếu, Quang Phong thuộc TX Thái Hòa... ngập sâu trong nước, có nơi ngập sâu 0,5 đến 0,7m, chính quyền địa phương buộc phải di dời. Nhiều khối, xóm bị nước dâng cao cô lập hoàn toàn.

Trong ngày 11-10, nhiều trường học ở các địa phương Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, TX Hoàng Mai, Thanh Chương... phải cho học sinh nghỉ học do nhiều đường, đập tràn, cầu cống bị ngập nên đi lại sẽ nguy hiểm đến tính mạng..

Ngoài ra, mưa bão đã làm 39 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 6.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước. Diện tích lúa và hoa màu cũng chịu nhiều thiệt hại sau hoàn lưu áp thấp nhiệt đới. Có hơn 400 ha lúa bị ngập, 2,5 tấn lúa đã thu hoạch bị cuốn trôi. Diện tích hoa màu thiệt hại hơn 20.000 ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập hơn 4,7 nghìn ha. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi hơn 1.000 con gia súc, gia cầm..

Tại Thanh Hóa, lũ cũng gây thiệt hại nặng nề. ATNĐ đã làm tuyến đê bao Tế Nông bị vỡ dài 3m.  Tuyến đê tả sông Chu, xã Thọ Trường, H. Thọ Xuân bị sạt lở mái đê dài 87 m. Mưa lũ cũng làm sạt lở mái đê tả Cầu Chày, xã Yên Phú, huyện Yên Định dài 70m.

Mưa lớn khiến nước từ thượng nguồn đổ về đã chia cắt nhiều xã ở các huyện miền núi Thanh Hóa như: Giao An, Giao Thiện, Tam Văn, Lâm Phú và bản Trải (thị trấn Lang Chánh) của huyện miền núi Lang Chánh; xã Cẩm Châu (H. Cẩm Thủy)...

Trước tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, động viên chính quyền nhân dân các địa phương bị thiên tai khắc phục hậu quả do áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ gây ra. Ngành Điện lực Thanh Hóa cũng đã triển khai và tổ chức huy động lực lượng và các phương tiện, thiết bị để khắc phục sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng, đảm bảo an toàn lưới điện. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng đã thành lập sở Chỉ huy tiền phương tại xã Yên Khương, huyện Lang Chánh để chỉ đạo công tác tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích do lũ cuốn trôi...

Tại Quảng Bình,  trên địa bàn TP Đồng Hới có mưa rất to khiến một số tuyến đường giao thông ở trung tâm bị ngập như đường Hữu Nghị, Trần Hưng Đạo, Dương Văn An...  Một số nơi trên địa bàn H. Quảng Trạch như các thôn Trung Tiến, Long Châu, Trường Xuân, Trường Sơn, Hậu Thành của xã Phù Hóa nước dâng ngập đường giao thông và vườn nhà dân từ 0,5-1mét.  Tại huyện miền núi Minh Hóa, mưa lớn và nước dâng cao khiến nhiều nơi bị ngập và cô lập.

Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình, đến sáng 11-10, trên 4.000 tàu thuyền của người dân địa phương đã neo đậu an toàn tại các cảng cá, bến thuyền.

Tiếp tục phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất

Hiện tại, một số địa phương trên địa bàn mưa vẫn chưa ngớt, tình trạng sạt lở, ngập úng bị đe dọa ở nhiều địa phương. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, đặc biệt ở các huyện: Huyện Mường Lát, Thạch Thành, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Cẩm Thủy, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Yên Định, Thọ Xuân của Thanh Hóa,huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp của Nghệ An; ở Hà Tĩnh là các huyện Hương Sơn, Vụ Quang, Hương Khê, Đức Thọ.

Các địa phương tiếp tục triển khai phương án phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngầm, tràn, tắc đường để cảnh báo cho người dân, huy động phương tiện, lực lượng trực gác để hướng dẫn giao thông, cảnh giới, cấm đường để đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm người dân đánh bắt cá, vớt củi trên sông khi có lũ lụt. Hỗ trợ sửa chữa các công trình bị hư hỏng, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị chết, gia đình có nhà bị hư hỏng nặng, gia đình chính sách, neo đơn. Tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích. Huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ trên địa bàn để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, sửa chữa lại nhà cửa, cây cối, thu dọn, xử lý vệ sinh môi trường; khử trùng, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan; nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp...

Tình trạng ngập lụt sâu diện rộng tiếp tục diễn ra ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Ngập úng ở các khu đô thị, các thành phố lớn có khả năng xảy ra như: TP Thanh Hóa, TP Vinh (Nghệ An), thị xã Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh).

P.V- D.H