Mùa mía “ngọt”
(Cadn.com.vn) - Mía là một trong những cây trồng chủ lực của các xã miền núi Hòa Bắc, Hòa Phú (H. Hòa Vang, Đà Nẵng). Chỉ riêng vụ mía 2015-2016, có gần 500 hộ trồng mía với diện tích hơn 250ha, trừ các khoản chi phí, mỗi hộ lãi gần 4 triệu đồng/sào. So với năm 2014, thu nhập của người dân tăng lên do mía phát triển tốt và bán được giá... Lâu lắm rồi, nông dân trồng mía các thôn Đồng Lăng, Hội Phước (xã Hòa Phú) mới có được vụ mía “ngọt” như năm nay. Theo các lão nông có thâm niên trồng mía trong khu vực, giá mía tăng cao hiện nay là có cơ sở, bởi diện tích mía giảm mạnh, do nhiều người thua lỗ mấy năm trước đã ít nhiều bỏ trồng mía... “Những năm trước, do có thói quen sản xuất tự phát, không tính toán đầu ra cho sản phẩm, chi phí đầu tư hạn chế, giá mía lại bấp bênh nên nhiều nông dân đã kiến nghị phá bỏ cây mía để lấy đất trồng cây lâu năm nhưng chính quyền địa phương thấy không ổn nên động viên người dân thu hẹp diện tích mía chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm “lấy ngắn nuôi dài” và ổn định cuộc sống”, ông Sáu Khê (thôn Đồng Lăng) nhớ lại.
Do thời gian thu hoạch kéo dài, nên nông dân trồng mía phải vất vả “đội nắng”, liên tục đốn chặt, chất mía thành đống chờ xe tư thương lên bốc. Mía năm nay không những được mùa, đầu ra lại ổn định, việc thu mua lại nhanh gọn càng củng cố lòng tin đối với người trồng mía. Theo chị Hai Tần (thôn Hội Phước), thời tiết năm rồi không có lũ nên trồng mía rất thuận lợi từ lúc trồng mía đến khi mía vươn lóng. Thuận trời, cộng với sự đầu tư, chăm bón đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất mía tăng lên đáng kể. Theo ước tính năng suất mía vụ này đạt hơn 60 tấn/ha, tăng gần 1 tấn so với vụ trước. Bên cạnh đó, giá mía được duy trì ổn định từ 55-65 ngàn đồng/bó. Được biết, cũng như các nông dân khác, vợ chồng chị đã gắn bó với cây mía hơn 10 năm nay, cây mía đã giúp gia đình chị ổn định cuộc sống, có đồng ra đồng vào lo cho con ăn học và tạo dựng tương lai. Chị Hai Tần cho biết: “Trồng mía chỉ bỏ vốn đầu tư 1 lần song thu hoạch lại được 3 đến 4 vụ. Bên cạnh đó, đầu ra và giá thu mua hiện nay rất ổn định, người trồng mía không phải canh cánh với nỗi lo mất mùa được giá, được mùa mất giá như những năm trước nữa”.
Nông dân thôn Hội Phước thu hoạch vụ mía 2015-2016. |
Còn ở xã Hòa Bắc, nếu như những năm trước, các hộ trồng mía ở thôn Phò Nam, Nam Yên, Nam Mỹ không quan tâm đầu tư về giống mía và chăm sóc thì nay các hộ đã chủ động chuyển đổi các giống mía như Roc xù, K vàng, Roc trắng, Roc tím với thời gian thu hoạch 7 tháng, rút ngắn hơn so với giống mía F134 trước đó. Các giống mía đa dạng này tạo ra nhiều sự lựa chọn cho các chủ buôn vì hình thức mía đẹp. Vụ mía năm nay không bị ảnh hưởng bởi bão, lụt nên mía không bị mất mùa hay giảm về mặt hình thức và chất lượng. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi từ tự nhiên như đất ven sông màu mỡ, đến sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc đầu tư giếng khoan, hỗ trợ máy nổ, cung cấp thêm nước tưới cho mía cũng là yếu tố mang đến những kết quả khả quan. Với mong muốn mang lại nguồn thu lớn, vụ mía 2016-2017, nông dân trồng mía tại Hòa Bắc dự kiến mở rộng diện tích từ 130ha lên gần 170ha. Tuy nhiên, theo ông Lê Bá Chúc-Trưởng thôn Nam Yên, điều này cũng đặt ra một số thách thức nhất định, bởi diện tích mía tăng, diện tích trồng hoa màu giảm có thể sẽ mang lại rủi ro cho các hộ trồng mía trong trường hợp điều kiện thời tiết thất thường do biến đổi khí hậu. Vì vậy, chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động bà con hạn chế mở rộng diện tích trồng mía, tăng cường các giống hoa màu khác...
Một vụ mía với nhiều niềm vui, ít lo toan. Người trồng mía sẵn sàng “quên” những vụ “mía đắng” năm cũ và hy vọng năm mới nhiều điều tốt đẹp hơn khi nhìn đất mía vừa thu hoạch đã bắt đầu phún những chồi xanh mơn mởn. Cứ thế, các cánh đồng mía dọc theo triền sông Cu Đê (xã Hòa Bắc), An Hội và Lỗ Đông (xã Hòa Phú) thong thả bước vào vụ mới với kỳ vọng giúp cho người trồng mía tiếp tục được... “thăng hoa”.
An Dương