Mùa săn mật
Ra giêng nông nhàn, đàn ông, con trai thôn Thiện Chánh (xã Cam Thủy, H.Cam Lộ, Quảng Trị) liền rong ruổi vào những cánh rừng bắt đầu cho mùa săn mật ong. Họ đi từ lúc tinh sương cho đến mặt trời lặn mới về nhà, cũng có khi phải qua đêm giữa rừng sâu. Kết thúc hành trình nhọc nhằn, nguy hiểm là những tổ ong sóng sánh mật, ngọt và thơm. Nhưng cái sự gian nan của nghề này vẫn luôn hấp dẫn, thu hút những người nông dân bản lĩnh, gan dạ ấy bao năm qua.
Nhóm thợ anh Nho phát hiện tổ ong ở cánh rừng phía tây Gio Linh. |
Sập tối 13-2, anh Nguyễn Trọng Nho (1984) cùng nhóm thợ mới trở về đến thôn, thấm mệt nhọc. "Thợ săn" nhỏ tuổi nhất là em Nguyễn Trung Chính (16 tuổi) đang học lớp 10. Trong khi các chú, các anh tất bật cho việc vắt mật, kịp bán "nóng" vì người mua đang chờ thì Chính đứng rìa ngoài cứ tíu tít. "Mấy hôm ni được tạm nghỉ học do dịch virus Corona nên em mới tranh thủ theo các anh, các chú. Em đi theo học hỏi thêm kinh nghiệm, phụ giúp rứa thôi, chứ nhiều lúc còn sợ lắm", Chính nói về trải nghiệm thú vị mà ít bạn cùng trang lứa có được. Sau khoảng gần 30 phút, 3 lít mật ong rừng đã được nhóm thợ anh Nho vắt xong, bán tại chỗ được 1,6 triệu đồng. Thành quả lao động được chia cho cả nhóm, ngoài anh Nho, em Chính, còn có anh Nguyễn Văn Thanh, anh Lê Thành Huy (1993) và Nguyễn Văn Thu (1988). Đến lúc này, họ mới có thời gian để kể về nghề nguy hiểm đã gắn bó lâu nay.
Tuy gọi săn mật ong là nghề nhưng cũng chỉ là tay trái đối với bà con Thiện Chánh, bởi chuyện đồng áng, trồng trọt vẫn là chính. Người dân nơi đây không chỉ có ruộng, hoa màu mà còn chăn nuôi, trồng rừng nên đi săn ong, bao gồm săn tổ lấy mật, săn cả ong vò vẽ vào những lúc rảnh rỗi mùa màng, nương rẫy. Như anh Thanh cho hay, nhiều ngày trước lo xong đám ruộng mới tham gia cùng nhóm đợt này. Cơm đùm, nước bới cùng đồ nghề di chuyển lên cánh rừng phía tây Gio Linh, Vĩnh Linh, nhóm thợ anh Trung đã đặt chân đến không biết bao nhiêu nơi hiểm trở gọi tên Khe Me, Động Zôn (xã Linh Thượng, H.Gio Linh) hay Khe Kỷ (xã Vĩnh Ô, H.Vĩnh Linh), sang cả vùng rừng Cam Lộ, Đakrông. Hành trình mỗi chuyến đi dài ngắn khác nhau nhưng đều giống nhau ở chỗ rất vất vả.
Anh Nho với "lộc rừng" trong chuyến đi săn. |
Anh Nho cho biết, có đợt không săn được tổ ong nào, cũng có lúc tìm thấy nhưng phải để dành vì lượng mật còn ít, cũng không ít lần phải đợi vì nhận thấy tổ ong đầy sự hung dữ. Chính vì thế, làm nghề này, những người thợ không chỉ giỏi kinh nghiệm mà phải có tâm, vừa để bảo vệ đàn ong vừa bảo vệ rừng, không để xảy ra nguy cơ cháy rừng. Sau khi phát hiện tổ ong, thợ tiến hành hun khói để đuổi ong, chừng 5 phút sau là có thể tiếp cận túi mật. Đó là những ca dễ dàng, còn gặp phải sự cố, bầy ong dữ phát hiện quay lại tấn công, chẳng mũ mão, ủng giày nào đỡ nổi.
Chịu đau không ít lần song cái nghề này vẫn khiến nhiều người dân tại xã Cam Thủy, trong đó có thôn Thiện Chánh gắn bó, dấn thân. Bởi hơn một lẽ, nghề cho thu nhập khá và cho họ nhiều cơ hội phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong hoàn cảnh nguy hiểm. Anh Huy cho hay, ngày liền trước nhóm thợ của anh săn được 4 lít rưỡi mật ong rừng, giá bán cũng được 2,4 triệu đồng. Có đợt đi trúng, họ có thể săn về cả chục lít, thậm chí 20 lít. Chưa ra khỏi bìa rừng, điện thoại đã hỏi mua dồn dập. Còn với săn ong vò vẽ, để lấy được 1 ký nhộng ong là cả một quá trình gian nan không kể hết. "Bù lại, giá mỗi ký nhộng cũng có khi lên đến 800 ngàn đồng", thợ săn Thu cho biết thêm.
Nhóm thợ vắt, lọc mật ong rừng trước sự chứng kiến của người mua. |
Cảm nhận được những người thợ hăng say với công việc của mình, chúng tôi cũng thấy vui lây. Bởi sau Tết, trong khi đâu đó nhiều người vẫn chưa thoát khỏi vui xuân, rượu chè, thậm chí sa vào cờ bạc, khiến phức tạp ANTT địa bàn, thì không khí lao động ở vùng quê Thiện Chánh hay Tân Xuân, An Mỹ của xã nông thôn mới Cam Thủy lại nhộn nhịp theo cách riêng này. Vui nhất là chập tối, khi cánh thợ săn về, thấy nhà nào tập trung đông đúc để vắt mật là biết ngay hôm đó có "lộc rừng". Với lại, nhiều người ở xa cũng đã chờ sẵn để chứng kiến, mua tại chỗ càng khiến thôn xóm thêm náo nhiệt. "Ngày mai sẽ di chuyển xa hơn, tranh thủ thời tiết thuận lợi. Riêng thằng Chính, ở nhà nghe, chuẩn bị cho việc học, trải nghiệm chừng nớ tạm rồi, tập trung học đi đã", anh Nho nói kế hoạch cho hành trình tiếp, ai nấy đều đồng tình, phấn khởi, tiếng cười rôm rả xóa trôi nhọc nhằn cả ngày qua.
Bảo Hà