Múa Thiên cẩu - Nét văn hóa đặc trưng của Tết Trung thu ở Hội An

Thứ sáu, 29/09/2023 07:38
Múa Thiên cẩu là một loại múa vật linh khá đặc biệt, lưu truyền ở Hội An (Quảng Nam) từ lâu đời, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều người dân phố Hội. Trải qua quá trình phát triển, múa Thiên cẩu dần trở thành  lối múa dân gian đặc trưng ở Hội An, có bài bản và kỹ thuật riêng, gắn với ý nghĩa trừ tà, cầu phúc, cầu trăng sáng để mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh. Múa Thiên cẩu là nét văn hóa đặc trưng đặc sắc làm nên linh hồn của Tết Trung thu ở Hội An.
Đội múa Thiên cẩu của Võ đường Kỳ Sơn.
Biểu diễn múa Thiên cẩu tại phố cổ Hội An.

Thiên cẩu có nghĩa là con chó nhà trời. Chó trong đời sống tâm linh của người Á Đông không chỉ hiện diện như một biểu tượng trang trọng trước cổng những địa điểm tôn nghiêm chốn trần gian, mà trên cõi trời đầy huyền bí, siêu nhiên cũng có một chỗ đứng trang trọng. Cặp câu đối hai bên lối vào di tích Chùa Cầu ở Hội An từ xưa đã thể hiện niềm tin của cư dân nơi đây vào uy lực của vị thần Thiên cẩu trong việc trấn yểm, an định đất đai.

Từ những quan niệm dân gian bản địa cũng như sự giao thoa, tiếp biến các quan niệm tín ngưỡng trong quá trình giao lưu, cộng cư với một bộ phận người gốc Hoa định cư tại đây, cư dân Hội An từ xưa đã tin tưởng Thiên cẩu là linh vật có khả năng trừ yêu, diệt tà ma; đồng thời, sự xuất hiện của Thiên cẩu nơi trần gian vào mỗi dịp Trung thu thể hiện nguyện ước của cư dân về những đêm trăng sáng tỏ trên bầu trời yên bình, điềm báo cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Cũng như nhiều hiện tượng văn hóa dân gian khác, con vật này được tô điểm là một linh vật mang tính huyền thoại với những đặc điểm phi phàm, có chức năng trừ tà, mang lại sự an bình cho cộng đồng. Các đội Thiên cẩu sau khi thực hiện màn múa xuất quân tại các đình, miếu, võ đường kéo đi từng đoàn, biểu diễn tại nhà dân, các cửa hàng. Khắp thành thị cho đến nông thôn, nhà nhà mở cửa, bày bàn cúng trước hiên, chờ đón đội Thiên cẩu hay lân vào múa.

Bài biểu diễn Thiên cẩu ở các di tích tín ngưỡng, hội thi ở Hội An gồm 4 phần. Phần thứ nhất, Thiên cẩu và ông Địa vái chào. Phần thứ hai biểu diễn các tư thế, hoạt động của một vật linh là ăn (thức ăn chính của Thiên cẩu là lá đa), xỉa răng và chìm vào giấc ngủ. Tiếp đến, thức dậy, vươn vai liếm đuôi, nhần rận, gãi tai, đi qua lại, vờn giỡn ông Địa, liếc mắt, thể hiện các sắc thái tình cảm vui vẻ, thận trọng, hung dữ, chạy nhảy, lộn qua các chướng ngại vật. Phần thứ tư ăn giải và lạy tạ. Trong bài múa còn xen kẽ các màn biểu diễn kỹ thuật rất ngoạn mục như: phun lửa tung hứng, chưng cộ, trèo cây (đăng thiên), ăn pháo... góp phần cho buổi diễn thêm sinh động, gay cấn, thu hút người xem.

Bài biểu diễn Thiên cẩu ở nhà dân gồm 3 phần. Phần thứ nhất, Thiên cẩu vô nhà, lạy bàn thờ gia tiên. Tiếp đến, Thiên cẩu múa quanh nhà hoặc trước nhà tìm mồi, xông trừ tà khí. Cuối cùng là màn thiên cẩu ăn giải và lạy tạ gia chủ. Kết hợp trong nội dung các bài biểu diễn, Thiên cẩu có những hành động tín ngưỡng như: hả miệng đớp trẻ em trừ phong, liếm cổng trừ tà... Đôi khi, Thiên cẩu múa ở nhà dân cũng trình diễn các tiết mục trèo cây, chưng cộ…

Lần lại bước đi thời gian, ngày trước múa Thiên cẩu còn khá thô mộc với các động tác như: Đi, chạy, nhảy, lạy Tổ, ngủ, ăn lá cây, ăn giải thưởng. Dần dần các thế tấn, bộ pháp của võ cổ truyền Việt Nam được khai thác, vận dụng làm cho nghệ thuật múa Thiên cẩu Hội An từng bước hoàn thiện, trở nên mạnh mẽ, sinh động và hấp dẫn hơn. Quá trình sáng tạo ấy đã đưa múa Thiên cẩu trở thành lối múa dân gian có bài bản đặc trưng và kỹ thuật riêng.

Đội múa Thiên cẩu của Võ đường Kỳ Sơn.

Nhờ có dấu ấn sâu đậm của nghệ thuật võ cổ truyền, nội dung tả thực trong các điệu múa Thiên cẩu đã toát lên được dáng dấp uy nghiêm, trầm hùng, vững vàng và chắc chắn của một linh vật giàu ý nghĩa tâm linh. Để lột tả được thần thái, vẻ khỏe mạnh và sung mãn trong múa Thiên cẩu, người múa cần có năng khiếu, phải tập luyện thường xuyên để có được sự thuần thục và phối hợp ăn ý, nhịp nhàng giữa các thành viên trong đội. Từ rằm tháng Bảy trở đi, tiếng trống tập vang dội đêm đêm khắp thôn xóm, phố phường ở Hội An như nhắc nhở, thúc giục mọi người chuẩn bị đón mừng mùa lễ hội Trung thu rộn rã.

Cùng với hoạt động múa linh vật Thiên cẩu là sự ra đời của nghề làm đầu Thiên cẩu tại đô thị cổ Hội An, hoạt động nhộn nhịp vào mỗi độ Trung thu…

Ông Phùng Tấn Đông - Nhà nghiên cứu văn hóa ở Hội An cho biết: Sau một thời gian khá dài bị mai một, khoảng 20 năm trở lại đây, múa Thiên cẩu ở Hội An đã, đang phục hồi tốt. Trong thành quả này, có vai trò rất lớn của một số võ đường cùng các chính sách tác động tích cực của chính quyền, ngành chức năng thành phố. Hội An hiện có ít nhất 32 đoàn múa Thiên cẩu, lân, sư, rồng có quy mô lớn, phân bố ở khắp các xã phường của thành phố. Đây là tín hiệu vui để múa Thiên cẩu ở Hội An tiếp tục được giữ gìn và phát huy trong thời gian tới.

Quyên Quyên