Mục tiêu năm 2030, kinh tế số đóng góp 30% GDP Việt Nam
Mục tiêu tới năm 2030, Việt Nam sẽ lọt vào top 50 quốc gia đứng đầu về Chính phủ số và nền kinh tế số đóng góp 30% GDP. Đó là thông tin được ông Phan Tâm- Thứ trưởng Bộ TT-TT chia sẻ tại hội nghị xúc tiến đầu tư ICT Hàn Quốc vào TP Đà Nẵng mới đây.
Việt Nam có hơn 32.000 doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT.
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn từ các đợt bùng phát dịch COVID-19, trong năm 2020 nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 2,91%, với quy mô 343 tỷ USD đứng thứ 40 thế giới, và trong 9 tháng đầu năm 2021, GDP tăng trưởng 1,42%, vẫn là một trong số ít những nền kinh tế trên thế giới duy trì được đà tăng trưởng dương.
Theo đó, kết quả thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2020 rất tích cực với gần 29 tỷ USD tổng số vốn đầu tư đăng ký. Đặc biệt, Việt Nam lần đầu tiên được UNCTAD đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới. Trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, Việt Nam đã đưa ra quan điểm “phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.
Trong đó, mục tiêu chính của Việt Nam là phát triển ngành công nghiệp ICT ngày càng lớn mạnh hơn nữa. Hiện Việt Nam đang có 58.000 doanh nghiệp ICT và mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ có được 100.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành ICT. Bên cạnh đó, chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới là chuyển đổi từ gia công, lắp rắp sang làm sản phẩm, dịch vụ theo hướng “Make in Viet Nam”- sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam. Từ tháng 6-2020, Việt Nam đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Mục tiêu tới năm 2030, Việt Nam sẽ lọt vào top 50 quốc gia đứng đầu về Chính phủ số và nền kinh tế số đóng góp 30% GDP.
Bên lề buổi diễn đàn, ông Phan Tâm thông tin, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, trong đó ưu tiên thu hút các dự án về lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển… có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số. Về ngành TT và TT, ông Phan Tâm cho biết ngày 26-11, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1944/QĐ-TTg phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ này giai đoạn 2020 – 2025; cắt giảm và đơn giản hóa nhiều quy định, thủ tục liên quan tới lĩnh vực bưu chính, phát thanh truyền hình, trò chơi điện tử, một số dịch vụ viễn thông… Bộ TT và TT cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực CNTT-TT như chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất phần mềm, thuế xuất khẩu với sản phẩm về điện tử, công nghệ thông tin và phần mềm, các chính sách ưu đãi về sử dụng đất, thuế nhập khẩu đối với các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại khu công nghệ thông tin tập trung…
Khu công nghệ tập trung Đà Nẵng là 1 trong 8 Khu công nghệ ICT lớn của Việt nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Vụ trưởng, Vụ CNTT (Bộ TT-TT) đã thông tin: Tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2020 đạt 124,6 tỷ USD, gấp 20 lần so với năm 2009 (6,2 tỷ USD) và gấp hơn 2 lần năm 2015. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 đạt bình quân 15,2%/năm, cao hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP, trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, quy mô lớn nhất của cả nước. Năm 2020, Việt Nam đã hình thành đội ngũ lao động công nghệ số với gần 1,1 triệu người. Doanh thu xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử viễn thông (kể cả từ khối FDI của Việt Nam) được xếp vào top 2 thế giới về sản xuất điện thoại di động và linh kiện, top 10 thế giới về xuất khẩu mạch điện tử và linh kiện và top 12 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính.
Doanh thu xuất khẩu sản phẩm phần cứng ước đạt gần 95,8 tỷ USD. Hiện nay, Việt Nam đã có 6 khu CNTT tập trung gồm: Công viên phần mềm Quang Trung, Công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu CNTT tập trung Cầu Giấy, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng, Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, Khu CNTT tập trung TP Cần Thơ. Hiện tại, Bộ TT- TT đang thí điểm mô hình Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập, hoạt động theo chức năng của khu CNTT tập trung. Theo đó, tỷ lệ lấp đầy của các khu CNTT tập trung đang hoạt động trên cả nước đạt trên 95%, cao hơn so với khu công nghiệp. Hiện, Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Hải Phòng là 8 tỉnh thành phố có doanh thu công nghiệp CNTT hơn 1 tỷ USD. Việt Nam cũng có hơn 1 triệu lao động trong các doanh nghiệp CNTT trong đó lao động phần cứng chiếm 74% hơn 760.000 và gần 270.000 chuyên gia làm việc trong các lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT. Thu nhập trung bình hàng năm: 5.000- 10.000 USD.
Vì vậy, ông Nguyễn Thanh Tuyên kỳ vọng đến năm 2025, công nghiệp ICT Việt Nam trở thành một trong những ngành kinh tế chủ đạo, bền vững của đất nước với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 dân đạt 1 doanh nghiệp, trở thành một trong những đất nước dẫn đầu về dịch vụ phần mềm cho nước ngoài, về sản xuất và phát hành game di động. Đặc biệt, Việt Nam sẽ có 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp ICT hơn 1 tỷ USD, 10 doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu hơn 1 tỷ USD.
Lê Anh Tuấn