Mùi sầu riêng ở cửa ngõ Xuân Lộc
(Cadn.com.vn) - Đêm 1-4-1975, Sư Đoàn 7 thuộc Quân Đoàn 4 của chúng tôi hành quân từ Bảo Lộc về ém quân trong một rừng chuối mênh mông, chuẩn bị tấn công cứ điểm Xuân Lộc, cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn. Rừng chuối Xuân Lộc rộng đến nỗi có đường ô-tô ngang dọc để xe ô-tô đi thu hoạch.
Trong thời gian tấn công Xuân Lộc, cánh phóng viên báo chí của Sư đoàn như tôi, Phùng Khắc Bắc, Dương Huy... được điều về hầm chỉ huy Sư đoàn để hàng ngày nghe thông tin từ các mũi. Cố nhà văn Phùng Khắc Bắc vào B2 (chiến trường Đông Nam Bộ) từ đầu năm 1967, ở khu 6. Anh gầy và đen như gỗ lũa, chỉ đôi mắt là long lanh sáng, tính hiền hậu, hay cười. Anh làm ở Ban tuyên huấn Sư đoàn, chuyên trách “bản tin”.
Cuối năm 1973, anh Bắc đưa Đoàn “văn công” Sư Đoàn về biểu diễn tại cứ Đồng Xoài, bên bờ Sông Bé phục vụ tiểu đoàn tôi. Chương trình văn nghệ gồm các tiết mục của Đoàn và các tiết mục chiến sĩ “tự biên”. Thấy trong sổ tay tôi có bài thơ “Bài ca chốt chặn” viết về những ngày thực hiện hiệp định Paris ở đường 14, anh Đại, chính trị viên Đại đội (người Nam Hà, Việt kiều Thái Lan về nước) bắt tôi lên ngâm bài thơ.
Tôi không ngâm được, mà đọc. Sau khi tôi đọc thơ xong, anh Phùng Khắc Bắc tìm đến, hỏi tôi làm được nhiều thơ không, có viết báo được không. Tôi bảo tôi viết báo từ hồi nhỏ học cấp 2 ở làng, còn thơ thì mới viết. Anh bảo anh chưa bao giờ làm thơ, chỉ viết ít truyện ký và báo. Sau chuyến đi ấy anh về đề nghị với Sư đoàn điều tôi lên Ban Chính trị để làm bản tin.
Bộ đội ta vào giải phóng Xuân Lộc (ảnh: T.L) |
Đợt đánh Xuân Lộc này, anh em ở cùng một chỗ nên rất vui. Đêm đầu tiên đánh cứ điểm Xuân Lộc, bộ đội ta mấy lần ôm bộc phá vào mở cửa, nhưng địch bắn rát quá, thương vong nhiều. Sư trưởng Nam Phong ra lệnh chỉ huy hết mũi tiến công này đến mũi tiến công khác. Đang chỉ huy trận đánh mà ông nói năng rất tếu. Sư trưởng oang oang ra lệnh cho anh Đình chính trị viên D2 (tiểu đoàn 2): “Cái chốt bằng cái l. trâu ấy mà một ngày rồi các anh không ăn được à? Tôi ra lệnh nội đêm nay phải ăn cho hết cái l. trâu đó, nghe rõ chưa!”. Mọi người trong hầm chỉ huy đều ôm bụng cười.
Đêm hôm sau, tôi được cử ra chỗ bộ đội tiểu đoàn 2 đang đánh bộc phá mở cửa để tấn công một cứ điểm của địch để viết bài. Mật khẩu được phổ biến là “Sông Hồng”, phải trả lời là “Mê Kông”. Tôi đi một mình trong đêm trăng mờ giữa tháng 4, bốn bề là rừng chuối và trảng cỏ khô. Đang loay hoay tìm hướng đi thì nghe một tiếng quát “Sông Hồng”.
Thế là tôi quên béng việc trả lời bằng mật khẩu, mà gọi toáng lên: “Tôi là Khôi ở Ban chính trị đến đây!”. Anh chiến sĩ từ bụi rậm bước đến chỗ tôi, cười bảo: “Em được lệnh đi đón nhà báo Sư đoàn từ tối tới giờ, đợi mãi. Biết là anh bị lạc đường, mà sao anh không trả lời bằng mật khẩu? May em được tiểu đoàn cho biết tên anh, nếu không thì “toi” rồi đấy”!
Đêm 20 tháng 4, trước sức tấn công của quân giải phóng, đường vô Sài Gòn bị chặt đứt ở Dầu Giây, sư đoàn 18 ngụy Sài Gòn bỏ chạy khỏi Xuân Lộc, sư trưởng sư 18 là tướng Lê Minh Đảo chạy về phía Vũng Tàu bị quân giải phóng bắt. Đơn vị tôi hành quân vòng qua thị xã thì đã quá nửa đêm nên được lệnh nghỉ. Để đảm bảo bí mật, tất cả rờ rẫm mắc võng trong đêm. Nằm lắc lư trên võng, tôi nghe một mùi hương quả chín vào trong cả giấc ngủ.
Sáng ra, trời đất ơi, ngay trên đầu võng tôi, một trái sầu riêng trĩu xuống, thơm lừng. Đó cũng là thời điểm Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn từ chức trên đài phát thanh ngụy Sài Gòn. Thế là ta thắng rồi! Trước mắt tôi, một rừng sầu riêng chín mênh mông, thơm lừng. Phía đường lộ, tiếng xe tăng, xe bọc thép và xe chở bộ đội của những binh đoàn quân giải phóng vẫn ì ầm hành quân về hướng Sài Gòn.
Tôi lần ra đường lộ, thấy hai bác nông dân đen nhẻm, vác cuốc, mặc quần xà lỏn đang đứng bên đường đếm từng chiếc xe quân giải phóng trùm bạt rầm rầm tiếng về phía Sài Gòn. Thấy tôi mặc quần áo quân giải phóng, các bác hồ hởi khoe: “Xe tăng, xe pháo của ta nhiều đếm hổng xiết chú ơi, tôi đếm được gần một trăm rồi, nghe pháo nổ quên mất, lại đếm lại!”.
Những ngày đó đơn vị tôi đóng quân ở rừng cao su Xuân Lộc, học chính trị, điều lệnh dân vận mới để chuẩn bị đánh Sài Gòn. Chúng tôi cắt tóc, cạo râu cho nhau. “Trước một trận đánh lớn vào “cao điểm cuối cùng”, người chiến sĩ phải đàng hoàng, chững chạc”- Sư trưởng Nam Phong nói như vậy!
Sáng 30-4, Sư đoàn 7 của tôi được lệnh xuất kích đánh chiếm Sài Gòn ở hướng Đông -Bắc. Đơn vị tôi ngồi xe bọc thép, xe tải chở quân. Còn tôi là phóng viên nên được đi xe Honda với cơ sở nội thành. Dọc đường Xuân Lộc-Biên Hòa-Sài Gòn, quân ngụy tan tác, cởi bỏ súng đạn, quân trang, quân dụng vất ngổn ngang dọc đường. Một giờ chiều chúng tôi vào tới Dinh Độc Lập. Sư đoàn 7 được lệnh quân quản Quận Một.
Bà con Sài Gòn đứng đông nghịt bên đường, phụ nữ mặc áo dài hoa, cầm cờ đỏ sao vàng vẫy chào. Sài Gòn trưa tháng 4, nắng long lanh như mật, hình như cũng rưng rưng niềm vui với người. Đơn vị tôi tập kết ở Sở thú Sài Gòn. Các mẹ, các em Sài Gòn khoác khăn rằn, gánh tới những nồi cháo gà bốc khói thơm lựng. Các mẹ múc từng tô đưa cho chúng tôi, rồi ngồi ngắm như ngắm đàn con ở nhà. Đó là bữa ăn đầu tiên của tôi trên đất Sài Gòn giải phóng!
Ngô Minh