Mumbai-“Thiên đường” của khủng bố

Thứ sáu, 15/07/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Trong khi ký ức đau thương về vụ khủng bố vào chuỗi khách sạn ở Mumbai vào năm 2008 vẫn chưa phai mờ, trung tâm tài chính này lại một lần nữa trở thành mục tiêu của 3 vụ đánh bom liên hoàn vào tối 13-7 giết chết ít nhất 21 người.

Vì sao Mumbai luôn bị tấn công?

Có lẽ không có thành phố nào trên thế giới là mục tiêu tấn công của nhiều cuộc tấn công khủng bố và đánh bom như Mumbai - thành phố đã phải trải qua hàng loạt nỗi đau vào các năm 1993, 2002, 2003, 2006, 2008 và mới nhất là vào đêm 13-7.

Chỉ trong 10 phút, 3 vụ nổ bom đã xé nát 3 trong số các trung tâm sầm uất của thành phố này - Zaveri Bazar, Nhà hát Opera và Dadar vào đúng giờ tan tầm cao điểm, làm 21 người thiệt mạng và 131 người bị thương. Vụ nổ đầu tiên xảy ra vào lúc 18 giờ 54 tại chợ Zaveri Bazaar. Chỉ một phút sau, Nhà hát Opera rung chuyển vì một vụ nổ khác vào lúc 19 giờ 6, một tiếng nổ vang trời ở khu vực bên ngoài Kabutarkhana, chỉ cách ga tàu hỏa Dadar có vài mét. Thuốc nổ gắn thiết bị hẹn giờ được đặt trên ô-tô tại Nhà hát Opera và chợ Zaveri trong khi ở Dadar, một trạm xe buýt chính là mục tiêu. Cảnh sát cho rằng, 3 địa điểm này được chọn nhằm tăng tối đa mức độ sát thương. Các phương tiện truyền thông Ấn Độ và người dân địa phương đang tự hỏi vì sao thành phố xinh đẹp và sầm uất này luôn trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố.

 Hiện trường vụ đánh bom ở Dadar. Ảnh: AFP

Ông Prithviraj Chavan, quan chức ở bang Maharashtra có thủ phủ Mumbai, cho rằng, nguyên nhân là do Mumbai là thủ đô tài chính sầm uất. “Mumbai và thủ đô New Delhi sẽ vẫn luôn luôn là mục tiêu khủng bố. New Delhi là thủ đô chính trị trong khi Mumbai là thủ đô tài chính. Khi  tấn công vào một nơi như Mumbai, những kẻ khủng bố muốn gây chấn động cả đất nước và thu hút sự chú ý của thế giới, Chhagan Bhujibal - Bộ trưởng Nội vụ nói với tờ Hindustan Times. Ông Bhujibal còn cho biết thêm, vì ở Mumbai mật độ dân số dày nên một cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nơi đây sẽ gây thương vong nhiều hơn và tạo ra tác động như các nhóm khủng bố thèm khát.

Bên cạnh đó, người dân ở Mumbai hay di chuyển nên việc giữ trật tự rất khó khăn và cảnh sát phải dựa chủ yếu vào mạng lưới người báo tin và dữ liệu tình báo, cựu quan chức Chandra Iyengar nói.

Ai là chủ mưu?

Hiện chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm về vụ đánh bom này, song các nguồn tin cho rằng, đây có thể là sản phẩm của tổ chức Indian Mujahideen (IM) bị cấm hoạt động, gần đây vừa thành lập một nhóm mang tên Đội 313 và tuyển toàn thanh niên.

Kiểu đánh bom liên tiếp ở nơi đông đúc là “thương hiệu” của IM đã từng được sử dụng trong các vụ đánh bom trước đó ở Bangalore, Ahmedabad và New Delhi trong năm 2008, Varanasi và Pune trong năm 2010. Ngoài ra, vụ đánh bom này xảy ra chỉ 1 ngày sau khi Lực lượng chống khủng bố (ATS) thông báo về việc bắt giữ 2 phần tử khủng bố IM có liên quan đến các vụ đánh bom năm 2008 ở bang Gujarat giết chết 56 người.

Sau loạt khủng bố năm 2008 khiến ít nhất 165 người thiệt mạng, Ấn Độ đã đầu tư lớn vào công cuộc chống khủng bố. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát trên khắp đất nước vẫn không đạt được nhiều tiến triển trong việc xác định thủ phạm của các cuộc tấn công nhằm vào các đô thị lớn diễn ra sau đó. Điển hình là vụ tấn công tháng 2-2010 nhằm vào tiệm bánh Đức ở Pune; loạt vụ đánh bom ở Sân vận động Chinnaswamy ở Bangalore; vụ tấn công tháng 12-2010 ở Shitla Ghat, bang Varanasi. Các nhà điều tra cho rằng, tất cả các cuộc tấn công liên quan đến các thành viên tổ chức IM, song họ không có bằng chứng để buộc tội chúng.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ P. Chidambaram ngày 14-7 cho rằng, tất cả các nhóm phiến quân “thù địch với Ấn Độ” đều thuộc diện tình nghi như mafia địa phương, Lashkar-E-Taiba…

Vai trò của tình báo Ấn Độ

Ngay sáng 14-7, chính quyền bang đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp nội các. Người đứng đầu quốc hội bang Manikrao Thakre phủ nhận rằng, đây là một thất bại về công tác tình báo.

Reuters ngày 14-7 dẫn lời một quan chức cao cấp của Ấn Độ cho biết, các cơ quan tình báo nước này đã không nhận được bất kỳ cảnh báo nào trước khi xảy ra 3 vụ đánh bom liên tiếp nhằm vào Mumbai. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ không loại trừ khả năng các cơ quan tình báo đã nhận được thông tin về cuộc tấn công sẽ diễn ra.

Mumbai cũng như thủ đô New Delhi và một số thành phố khác, đã được đặt trong tình trạng báo động cao sau các vụ nổ kể trên. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Sighn đã lên tiếng kêu gọi toàn thể người dân Mumbai “giữ bình tĩnh và đoàn kết”. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng lên án các vụ tấn công “khủng khiếp” và đề xuất hỗ trợ nỗ lực của Ấn Độ để mang những kẻ gây tội ác ra trước công lý. Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari và Thủ tướng Yousuf Raza Gilani ngay lập tức lên án những vụ đánh bom này. LHQ coi các vụ tấn công là một hành động “ghê rợn” và cam kết chống lại mọi hình thức khủng bố.

Theo một báo cáo của Cơ quan Tình báo toàn cầu Stratfor của Mỹ, mặc dù loạt vụ nổ lần này không quá tinh vi như loạt tấn công năm 2008, nhưng nó lại một lần nữa đặt Ấn Độ vào một câu hỏi lớn: liệu họ có thể ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố như thế nhằm vào Mumbai hay không?

Trúc Linh