Mười lăm năm sức sống một câu lạc bộ thơ…

Thứ năm, 05/08/2021 18:22

Dòng sông Tranh hiền hòa, thơ mộng, ôm ấp biết bao dấu ấn khó phai mờ về  một thời lửa đạn đã qua. Phải chăng vì thế mà dòng Tranh ấy đã đi vào thơ ca, nhạc họa của những tâm hồn đồng điệu với sông bằng tất cả những cung bậc yêu thương. Và, có lẽ cũng vì vậy nên tròn mười lăm năm nay, những người yêu thơ, sáng tác thơ của miền trung du Hiệp Đức đã chọn sông Tranh làm cái tên cho câu lạc bộ (CLB) thơ của mình-CLB thơ Sông Tranh...

Một số tác phẩm đã ra mắt độc giả của thành viên CLB thơ Sông Tranh.

Trên tinh thần tự nguyện của những người yêu thơ, sáng tác thơ ở huyện miền núi Hiệp Đức và được sự bảo trợ của Trung tâm văn hóa- Thông tin huyện, đầu năm 2005, CLB thơ sông Tranh đã được hình thành và đi vào hoạt động với gần hai mươi thành viên ban đầu. Họ là những người thuộc đủ thành phần xã hội từ cán bộ công chức, giáo viên... cho đến những người nông dân chân lấm tay bùn. Có người nay đã bước qua ngưỡng thất thập cổ lai hy như ông Đỗ Xuân Danh, Dương Quang Anh hay như những bác nông dân Huỳnh Xuân Đợi, Phạm Tấn Minh... nhưng cũng có những người tuổi đời còn rất trẻ như tuổi của mùa xuân là Phạm Thị Kim Chung hay thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Hiếu... Dù khác biệt nhau về cuộc sống, địa vị xã hội và tuổi tác nhưng họ lại gặp nhau ở một điểm chung duy nhất là tình yêu đối với thơ. Và ngẫm cho cùng, nếu không có điểm chung là tình yêu thơ ấy cộng với trách nhiệm và lòng nhiệt tâm của Ban chủ nhiệm thì sẽ khó có một CLB  thơ sông Tranh tồn tại cho đến bây giờ. Nhà thơ Phạm Văn Lâm-chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: "Sở dĩ CLB tồn tại cho đến bây giờ là nhờ tinh thần tự nguyện, tâm huyết của anh chị em tự gắn bó sinh hoạt, niềm đam mê của mình vào CL. Đồng thời với đó là nhờ sự quan tâm hỗ trợ rất lớn từ lãnh đạo địa phương cũng như ngành văn hóa-thông tin huyện Hiệp Đức suốt 15 năm qua…".     

Nhiều thành viên CLB tâm sự với chúng tôi, làm thơ đối với họ không phải là điều gì đó quá cao siêu mà là sự giãi bày, gởi gắm tình yêu người, yêu đời và mong thông qua những vần, những chữ chảy ra từ đáy lòng có thể hòa nhịp yêu thương cùng dòng chảy cuộc sống hôm nay. Tuy nhiên không phải vì thế mà thiếu đi những bài thơ  man mác hồn thơ... Người đọc có thể nhận diện gương mặt thơ CLB này với những cái tên khá quen thuộc với công chúng yêu thơ xứ Quảng. Họ có mặt trong các tuyển tập thơ của CLB trong mười lăm năm qua từ những tập thơ đầu tiên như: "Hiệp Đức tuổi hai mươi", "Tình quê" và "Lời quê"… cho đến các tập thơ sau này như: "Vẫy nắng lên xanh", "Quê hương vẫy gọi" và "Miền yên ả" và thường xuyên có mặt trên trang thơ Tạp chí đất Quảng. Đó là Lê Tấn Hiền,  Nguyễn Hường, Miên Trà, Hải Sơn, Huỳnh Ngọc Sáu, Huỳnh Trương Phát, Nguyễn Tấn Ái… với những khoảng lặng về mùa, về tình bằng hữu, về nỗi niềm với quê xưa kiểu như: Ta hành hương về quê mùa xuân / Mùa xuân duyên quê / Gánh niềm riêng tìm bạn bè / Bạn bè ly tán / Quà tặng mang về mang đi / Vuông vức trong lòng ta mùa xuân phân kỳ / Riêng ta gõ câu ca ngày xưa... Là Thái Bảo Dương Đình, một gã thơ nặng nợ duyên tình với quê, với đất, với người, trong những chuyến ngược ngàn mây, gió, cõng trên vai là niềm vui của mọi người, mọi nhà và nỗi nhọc nhằn của chính anh-một nhân viên chiếu bóng lưu động miền rừng: Tôi đi mãi như là con thú nhỏ / Dãy Trường Sơn khắc khoải gọi tôi về / Cả đời tôi chia ly và gặp gỡ / Cả nghìn lần thấm đẫm nỗi đau tê... Và, đó còn là Lê Nguyễn, một cô giáo miền trung du sớm tối đi về với trường lớp, học trò và phấn trắng bảng đen. Chị là người tham gia CLB thơ Sông Tranh ngay từ những ngày đầu mới thành lập và gắn niềm vui, nỗi buồn cùng bạn thơ để rồi từ thẳm sâu đáy lòng mình những vần thơ chợt hiện lên, lung linh như ánh mắt học trò...

Để từng bước đưa hoạt động CLB thơ Sông Tranh đi vào nề nếp và đồng thời tạo nên môi trường thuận lợi để các thành viên trải nghiệm cuộc sống, nắm bắt sự vận động của cuộc sống đang diễn ra xung quanh mình, hằng tháng, hằng quý các thành viên được sinh hoạt chung, bàn luận về thơ ca, đọc thơ cho nhau nghe và cũng là dịp để giãi bày tình cảm với nhau, những vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống đời thường được mang ra chia sẻ, động viên, tìm cách tháo gỡ. Bên cạnh đó, những buổi dã ngoại, tham quan các di tích, thắng cảnh của quê hương như tiếp thêm sinh khí giúp các thành viên CLB gợi mở cảm hứng, tìm tòi sáng tạo.

 Các thành viên CLB thơ Sông Tranh trong chuyến đi thực tế tại Hòn Kẽm- Đá Dừng.

Có dịp cùng anh chị em yêu thơ thả những bước chân trên các nẻo đường quê Hiệp Đức, chúng tôi như được hòa mình vào thiên nhiên cỏ cây hoa lá, được lắng lòng với biết bao dấu ấn khó phai mờ của một vùng đất đi qua chiến tranh bom đạn khốc liệt, mất mát hy sinh  mà vẫn hiên ngang, tự tin  bước vào cuộc sống dựng xây quê hương ngày mới... lại càng hiểu hơn vì sao người Hiệp Đức đã yêu thơ, trung trinh một mối tình với thơ như thế...  Bên cạnh đó, CLB thơ Sông Tranh còn thường xuyên tham dự ngày thơ hằng năm ở Điện Bàn, Đại Lộc do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức; chiếu thơ Nguyên tiêu của Hội Văn học - Nghệ thuật TP Tam kỳ; dự sinh hoạt và giao lưu cùng CLB thơ Vu Gia ở Đại Lộc và các buổi giới thiệu tác phẩm mới của các nhà thơ thuộc Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam.

Để mở rộng phạm vi hoạt động và cũng đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của anh chị em ở nhiều lĩnh vực như: thơ, nhạc, văn học, hội họa, nhiếp ảnh, thư pháp, bonsai, v.v… ngày 21-1-2021, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thanh H. Hiệp Đức đã ký quyết định đổi tên CLB Thơ - Nhạc Sông Tranh thành CLB Văn học - Nghệ thuật Hiệp Đức, tiếp tục đánh dấu một bước phát triển mới của CLB, tạo ra một sân chơi mới, với đa dạng các loại hình.

Dòng sông Tranh bao đời nay vẫn hiền hòa mang phù sa về đồng bằng. Sông và người đã hòa điệu yêu thương để làm nên những bản tình ca tươi đẹp cho cuộc sống. Những người làm thơ, mến thơ ở xứ sở trung du Hiệp Đức vẫn mãi nghĩ về con sông quê hương mình với biết bao tình cảm thân thương trìu mến rồi tự đáy lòng chảy ra những vần thơ lung linh chất men của lúa, của ngô, của đồng bãi dâng tặng cho cuộc đời...     

Đặng Trường