Muốn chặn dịch SXH phải tích cực diệt lăng quăng, bọ gậy

Thứ tư, 21/10/2015 11:54

(Cadn.com.vn) - Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) trên địa bàn TP Đà Nẵng đang diễn biến phức tạp, sáng 20-10, Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng chủ trì cuộc họp khẩn với các sở, ngành, địa phương nhằm triển khai những biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả và kịp thời nhất.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Số ca SXH tăng mạnh

Tính đến ngày 18-10, trên địa bàn TP Đà Nẵng ghi nhận 488 trường hợp mắc SXH tại 55/56 xã phường (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2014), không có trường hợp tử vong nhưng có 5 mẫu dương tính với type D2 (thể nặng). Các quận, huyện có số ca mắc SXH nhiều nhất là: Liên Chiểu (127 ca), Sơn Trà (75 ca), Hải Châu (74), Hòa Vang (64 ca)... Chỉ tính riêng trong tuần 42 (từ ngày 12-10 đến 18-10), cả thành phố đã ghi nhận 128 ca (Sơn Trà 26 ca, Liên Chiểu 26 ca, Ngũ Hành Sơn 25 ca, Hải Châu 22 ca). Đặc biệt tại P. Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam (Q. Liên Chiểu), xã Hòa Phước (H. Hòa Vang), P. An Hải Bắc (Q. Sơn Trà), P. Hòa Quý (Q. Ngũ Hành Sơn) có nguy cơ bùng phát thành dịch trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 1.664 trường hợp mắc TCM (tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2014) và các ca mắc tập trung vào đối tượng là trẻ em dưới 5 tuổi, không có trường hợp tử vong. Số địa phương có ca mắc nhiều nhất là: Sơn Trà (303 ca), Hải Châu (293 ca), Thanh Khê (264 ca), Ngũ Hành Sơn (236 ca).

Theo ngành Y tế thành phố, nếu không tăng cường công tác triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống hiệu quả và kịp thời thì dự báo tình hình dịch SXH và TCM sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Người dân còn "ngại" phòng dịch

Sở Y tế thành phố cho biết, qua công tác kiểm tra xử lý một số ổ dịch nhỏ trên địa bàn thành phố cho thấy nhiều hộ gia đình không tham gia phối hợp với cán bộ y tế trong việc phun thuốc diệt muỗi. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về việc diệt bọ gậy, lăng quăng phòng chống SXH chưa cao, xem việc phun hóa chất diệt muỗi là biện pháp duy nhất và là trách nhiệm của cán bộ y tế do đó công tác xử lý ổ dịch ở một số nơi chưa hiệu quả.

Theo kết quả điều tra của ngành Y tế về véc tơ truyền bệnh SXH trên địa bàn thành phố, các địa phương có chỉ số véc tơ cao, ở ngưỡng cảnh báo dịch SXH như: P. Thanh Khê Tây (Q. Thanh Khê), P. Mỹ An, Hòa Quý (Q. Ngũ Hành Sơn), xã Hòa Tiến, Hòa Phước (H. Hòa Vang), P. Thọ Quang, Mân Thái (Q. Sơn Trà), P. Khuê Trung (Q. Cẩm Lệ), P. Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc (Q. Liên Chiểu), P. Thuận Phước, Bình Thuận (Q. Hải Châu). Môi trường điều tra tại các điểm điều tra có nhiều dụng cụ phế thải nhất là tại các khu đất trống, khu đất đang xây dựng; các dụng cụ chứa nước có bọ gậy trong nhà như: lọ hoa, bể cá, chậu cá (không còn sử dụng nhưng vẫn chứa nước), đặc biệt có trường hợp nuôi bọ gậy làm thức ăn cho cá tại một số hộ gia đình…

BS Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế thành phố cho rằng, sở dĩ nhiều địa điểm vẫn còn xuất hiện vật dụng chứa nước tạo điều kiện thuận lợi cho bọ gậy, lăng quăng phát triển là do sự vào cuộc của một số địa phương và ban, ngành, đoàn thể chưa thật sự quyết liệt. Đặc biệt, công tác vệ sinh môi trường và diệt lăng quăng, bọ gậy tại nhiều hộ gia đình chưa được chú trọng.

Theo đại diện lãnh đạo Q. Liên Chiểu và Hải Châu, sở dĩ công tác phòng chống dịch SXH tại một số địa bàn còn gặp nhiều khó khăn là do trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều dự án đang triển khai. Đối với những dự án này, khi mưa xuống thì đọng nước nhưng không thể xử lý triệt để được vì chưa được khớp nối với hệ thống thoát nước. Bên cạnh đó, nhiều hệ thống mương rãnh, cống nước không có nắp đậy và các khu nhà trọ sinh viên thì quá nhếch nhác, bẩn thỉu nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho bọ gậy, lăng quăng phát triển. Tuy nhiên, ý thức diệt bọ gậy, lăng quăng và ngủ màn của nhiều học sinh, công nhân còn hạn chế..

Bọ gậy và lăng quăng vẫn còn xuất hiện tại nhà dân và khu đất trống.

Phải diệt lăng quăng, bọ gậy

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng đề nghị lãnh đạo các quận, huyện cần quyết liệt chỉ đạo hệ thống chính trị, các đoàn thể và người dân vào cuộc thực hiện chiến dịch ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy. Để công tác diệt lăng quăng, bọ gậy đạt hiệu quả cao nhất, ngành chức năng cần phối hợp với tổ trưởng, cộng tác viên dân số đến từng hộ gia đình nhắc nhở và hướng dẫn cụ thể cách thực hiện. Nếu không vào được nhà dân ban ngày thì vào ban đêm, không vào được ngày này thì vào ngày khác, làm theo hình thức cuốn chiếu từng hộ một; cứ hộ này hết bọ gậy, lăng quăng thì đến hộ khác và khi nào cả tổ dân phố không còn bọ gậy, lăng quăng mới thôi.

Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng chỉ đạo, đối với những nơi nào ao tù, kênh mương không thể khơi thông được thì đưa hóa chất xuống nhằm triệt nơi sống của bọ gậy, lăng quăng. Đồng thời tiến hành vệ sinh môi trường, đặc biệt là tại các công trường xây dựng, các khu tập trung đông dân cư, khu nhà trọ có điều kiện vệ sinh không đảm bảo; theo dõi, giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý ổ dịch, khống chế không để bệnh bùng phát, lan rộng… Ngoài ra, các cấp, các ngành cần tích cực hướng dẫn các biện pháp cụ thể phòng chống SXH, TCM cho người dân để mọi người dân tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống. Đối với công tác điều trị thì cần phải sớm phát hiện bệnh và tích cực điều trị cũng như theo dõi kịp thời để chuyển bệnh nặng lên tuyến trên theo đúng quy trình, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra… Phấn đấu đến giữa tháng 11-2015, thành phố có thể dập được việc lan rộng của dịch và chấm dứt việc tăng trưởng của bệnh SXH, TCM.

 "Biện pháp ngăn chặn dịch bệnh SXH hiệu quả nhất là tích cực diệt bọ gậy, lăng quăng. Bọ gậy, lăng quăng nằm trong nhà mình, dưới gầm giường mình mà nếu mình không lo diệt thì không ai diệt cho mình cả", Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.

Lê Hùng

QUẢNG NAM PHÁT HIỆN 64 Ổ DỊCH SỐT XUẤT HUYẾT

Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh Quảng Nam cho biết, dịch SXH trên địa bàn vẫn đang diễn biến phức tạp với nhiều ca bệnh mới. Thống kê cho thấy, đã có 64 ổ dịch được phát hiện với 578 người có kết quả xét nghiệm dương tính với SXH. Ông Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh cho biết, số ca mắc bệnh có thể còn tiếp tục gia tăng trong những ngày tới khi bệnh dịch bước vào giai đoạn đỉnh điểm. Hiện tại, cán bộ y tế và lực lượng chức năng  thường xuyên tổ chức diệt bọ gậy, lăng quăng, phun thuốc sát trùng các điểm dịch, nhưng theo ghi nhận, ý thức của người dân về bệnh dịch vẫn còn thấp, thiếu sự hưởng ứng. Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin để người dân chủ động phòng ngừa dịch SXH.

B.Bình