Mứt gừng Huế vào vụ

Thứ tư, 28/01/2015 10:08

(Cadn.com.vn) - Những ngày này, các hộ dân ở P. Kim Long (TP Huế) lại tất bật với công việc làm mứt gừng, chuẩn bị phục vụ cho thị trường Tết cổ truyền đang đến.  Rảo bước qua các con đường như: Phạm Thị Liên, Hồ Văn Hiển ở P. Kim Long, chúng tôi cảm nhận được thoang thoảng mùi thơm của gừng, mùi khói bếp, tiếng cười nói rộn ràng từ những nhà làm mứt.

Ở Huế, mứt gừng Kim Long từ lâu đã tạo được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Bà Nguyễn Thị Kỳ, người có thâm niên làm mứt gừng hơn 30 năm cho biết: “Mứt gừng Kim Long được thị trường ưa chuộng là do nguồn nguyên liệu được lựa chọn kỹ. Gừng tươi được tụi tui mua ở trên ngã ba Tuần (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà) có mùi thơm, vị cay hơn so với các nơi khác. Hàng năm, cứ đến thời điểm này, các hộ làm mứt như tui lại huy động nguồn nhân lực, chuẩn bị củi lửa, nguyên liệu để sản xuất mứt cho kịp cung ứng thị trường”.

Theo các hộ dân làm mứt ở Kim Long, để tạo ra được một mẻ mứt gừng khô giòn, thơm ngon phải rất công phu và qua nhiều công đoạn. Gừng tươi mua về rửa sạch, cạo vỏ, rồi bào mỏng, sau đó luộc qua và xả nhiều lần với nước cho bớt vị cay. Tiếp đến là ướp đường, rim cho đến khi mứt khô. Sau khoảng 30 phút rim trên lửa, một mẻ mứt mới được ra đời, lúc này chỉ còn việc đổ ra và “bắc mứt” để lát mứt gừng được thẳng. Cuối cùng là đóng gói thành phẩm. “Trong những công đoạn làm mứt, rim mứt là công đoạn khó nhất, vì nếu làm không quen tay, mứt sẽ không khô hoặc bị cháy. Nghề ni công phu và gồm nhiều khâu, lại chỉ tập trung trong khoảng 20 ngày nên hầu như các hộ làm mứt ở Kim Long đều phải thuê thêm người mới làm kịp Tết”, bà Kỳ chia sẻ.

Công đoạn rim mứt đòi hỏi nhiều kinh nghiệm.

Nhiều năm trước, hầu hết các hộ gia đình ở Kim Long đều làm mứt gừng trong dịp Tết. Tuy nhiên, hiện nay toàn P. Kim Long chỉ còn 3 hộ sản xuất mứt gừng với số lượng lớn. “Hồi tui còn nhỏ, cứ đến Tết là nhà nào ở đây cũng rục rịch làm mứt, rộn ràng lắm. Sau này, giá gừng tăng và thị trường bánh kẹo dịp Tết ngày càng đa dạng nên người làm mứt không cạnh tranh nổi. Vì vậy, nhiều hộ không còn mặn mà với nghề ni nữa”, ông Trần Hữu Nam (chủ cơ sở sản xuất mứt gừng Ánh Nguyệt, 37-Hồ Văn Hiển) nói.

Tuy là nghề ngắn hạn nhưng làm mứt gừng góp phần giúp nhiều hộ có thu nhập ổn định và đặc biệt là gìn giữ nét văn hóa ngày Tết. Ông Trần Hữu Nam cho biết: “Để  làm mứt cho thị trường Tết, tụi tui phải chuẩn bị nguyên vật liệu từ cuối tháng 11 âm lịch. Xong khâu chuẩn bị, đầu tháng chạp là bắt tay vào sản xuất. Vào vụ Tết, trung bình mỗi ngày, cơ sở của tui sản xuất từ 3-4 tạ mứt gừng thành phẩm. Giải quyết việc làm cho 7 lao động ở địa phương với mức lương 200.000 đồng/người/ngày. Sau khi thành phẩm, mứt gừng của tui và các hộ khác ở Kim Long cung ứng cho các chợ trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh thành lân cận. Đặc biệt, sản phẩm của tụi tui chất lượng hơn các nơi khác nên được đưa vào các siêu thị trên địa bàn tỉnh. Với giá bán trung bình 60.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi tấn mứt cho lãi từ 3-5 triệu đồng”.

Ông Hoàng Xuân Tiệp, Chủ tịch UBND P. Kim Long cho biết: “Nghề làm mứt gừng ở Kim Long xuất hiện từ rất lâu. Hiện nay người dân đã chuyển đổi việc làm, không làm nông nữa nên ít có thời gian rảnh rỗi vào cuối năm như ngày trước dẫn đến số hộ dân làm mứt thưa dần. Tuy vậy, đây là nghề truyền thống ở Kim Long chủ yếu phục vụ dịp Tết cổ truyền nên chắc chắn sẽ không bị mai một hay biến mất. Hàng năm, nhằm thúc đẩy các hộ gia đình mở rộng sản xuất, chúng tôi có chính sách hỗ trợ vay vốn cho mỗi hộ với số tiền 30 triệu đồng /năm. Đồng thời thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm giúp người tiêu dùng an tâm và tin tưởng vào sản phẩm”.

Việt Quỳnh