Mỹ bị chê “nhẹ tay” với Dòng chảy phương Bắc 2

Thứ năm, 25/02/2021 19:28

Những đối thủ của Nga ở Trung và Đông Âu lo ngại rằng Tổng thống Biden không hành động đủ mạnh mẽ để ngăn chặn dự án Dòng chảy phương Bắc 2, vốn là một trong những ưu tiên cốt lõi của Tổng thống Putin. 

Đường ống dẫn khí thuộc Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ở Lubmin, Đức.   Ảnh: Bloomberg

“Nhẹ tay” với dự án của Nga

Hôm 19-2, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trình lên Quốc hội nước này báo cáo về các biện pháp đối phó với Dòng chảy phương Bắc 2. Tuy nhiên, báo cáo liệt kê danh sách các tàu thuyền liên quan đến việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2, cũng như các công ty bảo hiểm và một số công ty khác liên quan đến đường ống này mà không nêu thêm bất kỳ công ty mới nào phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Cụ thể, báo cáo trình Quốc hội của Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập trừng phạt tàu rải ống của Nga là Fortuna, cùng chủ sở hữu con tàu là công ty KVT-RUS theo Luật An ninh năng lượng châu Âu (PEESA) mặc dù trên thực tế, vào thời điểm đó, cả hai đối tượng này đều đã nằm trong danh sách hạn chế theo một đạo luật khác là "Chống lại đối thủ của nước Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt" (CAATSA). Một số nghị sĩ đã có ý kiến chỉ trích Bộ Ngoại giao là thực thi những bước không đủ mạnh để chống lại việc xây dựng đường ống sau báo cáo này.

Lệnh trừng phạt từ phía chính quyền Tổng thống Biden như vậy được đánh giá là có tính chất nới lỏng so với các biện pháp trừng phạt từ thời cựu Tổng thống Donald Trump, cấm các công ty châu Âu tham gia vào quá trình xây dựng, thi công, bảo hiểm, bảo hành cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Ông Biden “nói không đi đôi với làm”

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dường như là một phép thử quan trọng đầu tiên về việc liệu ông Biden có "nói đi đôi với làm" hay không bởi trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ không ít lần đưa ra những tuyên bố cứng rắn với Nga. Tổng thống Trump thậm chí từng đe dọa sẽ chiến tranh thương mại với Đức như một phần trong chiến lược cứng rắn nhằm ngăn chặn Dòng chảy phương Bắc 2.

Các đối tác của Mỹ ở Đông và Trung Âu muốn ông Biden khẳng định rằng ông sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn dự án trên hoàn thành. Điều này tức là chính quyền ông Biden sẽ phải trừng phạt toàn bộ các tàu thuyền tham gia dự án, thậm chí phải sẵn sàng trừng phạt các công ty của Đức tiếp nhận nguồn năng lượng từ Nga.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng khẳng định về con đường trừng phạt này hồi hè năm ngoái khi ông cảnh báo các công ty hỗ trợ hoặc tham gia vào dự án trên của Nga rằng họ sẽ không được tha thứ: “Hãy từ bỏ dự án này ngay lập tức hoặc các bạn sẽ đối mặt với hậu quả". Việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 cũng từng bị dừng lại dưới thời Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, những đối thủ của Nga e sợ rằng ông Biden sẽ không thực hiện lời hứa bởi không muốn làm "mất lòng" Thủ tướng Angela Merkel và không muốn mạo hiểm quan hệ đồng minh với Đức. Cho tới nay, chính quyền Mỹ mới hầu như thể hiện rất ít dấu hiệu rằng họ sẵn sàng hành động quyết liệt về vấn đề này. Nga có vẻ như đã để ý tới điều đó và việc thi công Dòng chảy phương Bắc 2 đã được nối lại sau khi ông Biden nhậm chức.

Đồng minh chỉ trích

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ban đầu dự kiến sẽ được đưa vào vận hành đầu năm 2020, với kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga so với Dòng chảy phương Bắc 1, vốn đã hoạt động từ năm 2012 và đảm bảo nguồn cung cấp cho các nước Tây Âu thông qua biển Baltic.

Đến nay, 94% dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã được hoàn thành và chỉ còn một đoạn đường ống dài khoảng 120 km ở vùng biển sâu ngoài khơi Đan Mạch và khoảng 28 km trong vùng biển của Đức. Tuy nhiên, việc lắp đặt các tuyến đường ống trên đã bị ngưng trệ do Mỹ đã thông qua các biện pháp trừng phạt đối với dự án vào tháng 12-2019 như một phần của Đạo luật Bảo vệ Năng lượng cho châu Âu (PEESA), yêu cầu các công ty chịu trách nhiệm đặt đường ống ngừng hoạt động.

Hiện nay, để đưa khí đốt tới châu Âu, Nga phải trả phí cho đường ống trung chuyển qua Ukraine. Tuy nhiên, nếu đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 được hoàn thành, Moscow có thể vận chuyển khí đốt trực tiếp tới Đức. Một số nước ở Trung và Đông Âu lo ngại điều này sẽ giúp thúc đẩy mục tiêu của Nga là mở rộng ảnh hưởng ở châu Âu, đồng thời cô lập Ukraine.

Một nguồn tin thân cận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 22-2 nhận định rằng: "Ukraine cảm thấy hơi thất vọng khi Tổng thống Biden không cam kết trong Hội nghị An ninh Munich rằng sẽ sử dụng mọi công cụ quyền lực để ngăn chặn Dòng chảy phương Bắc 2". "Tuy nhiên, hiện vẫn chưa phải quá trễ để Mỹ hành động quyết đoán và Ukraine hy vọng chính quyền ông Biden sẽ thực hiện điều này", nguồn tin này nhận định.

Chính phủ Ba Lan và Ukraine đã đưa ra một tuyên bố chung bất thường hôm 22-2. Theo đó, các ngoại trưởng Ba Lan và Ukraine đã cùng viết một bài bình luận trên trang Politico châu Âu nhằm hối thúc ông Biden tuân theo sự dẫn dắt của Quốc hội Mỹ và làm mọi thứ trong thẩm quyền của mình để ngăn chặn dự án trên. "Chúng tôi kêu gọi Tổng thống Biden sử dụng mọi công cụ có thể để ngăn chặn việc thi công Dòng chảy phương Bắc 2", các ngoại trưởng viết.

Mỹ cân nhắc tăng cường trừng phạt

Ngày 22-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 được đề cập trong báo cáo gửi Quốc hội Mỹ hôm 19-2 chưa phải là "cái kết của câu chuyện". Ông Ned Price khẳng định Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ không do dự và sẵn sàng đưa ra các biện pháp bổ sung liên quan đến dự án nói trên nếu cần thiết để đáp ứng yêu cầu của các nghị sĩ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng khẳng định rằng: "Chính quyền ông Biden cam kết sử dụng mọi công cụ có thể để ngăn chặn những ảnh hưởng xấu của Nga và ủng hộ các mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng xuyên Đại Tây Dương". "Chúng tôi khẳng định rằng các công ty có nguy cơ đối mặt với lệnh trừng phạt nếu họ tham gia vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét các thực thể liên quan đến hành động có nguy cơ bị trừng phạt này".

AN BÌNH