Mỹ cần tái cân bằng an ninh mạng Châu Á

Thứ sáu, 18/11/2016 10:54

(Cadn.com.vn) - Sau khi nhậm chức vào ngày 20-1-2017, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ đối mặt với một loạt các vấn đề toàn cầu. Nhiều quyết định quan trọng nhất của ông sẽ tập trung vào Châu Á. Trong khi Mỹ tìm cách nhấn mạnh lợi ích an ninh thông qua việc hiện diện quân sự và lợi ích kinh doanh thông qua thỏa thuận thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương, một trong những vấn đề mang cả ý nghĩa chiến lược và kinh tế nhưng ít được chú ý, đó là vấn đề an ninh mạng.

Thách thức

Châu Á là địa điểm năng động nhất cho các hoạt động kinh tế toàn cầu, song cũng là nơi rủi ro mạng nhiều nhất. Theo Báo cáo Rủi ro toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, an ninh mạng là vấn đề khiến các nhà đầu tư quan ngại nhiều nhất khi kinh doanh ở Châu Á. Một nghiên cứu mới đây của Cty an ninh Mỹ Mandiant cho thấy, các Cty Châu Á có an ninh mạng tồi tệ nhất trên thế giới, và theo ước tính của Cty kế toán Grant Thornton, các cuộc tấn công mạng gây thiệt hại cho các doanh nghiệp tư nhân ở Châu Á 81 tỷ USD trong năm 2015, nhiều hơn cả khu vực Bắc Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU).

Rủi ro mạng đặc biệt quan trọng đối với các nền kinh tế tiên tiến như Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Singapore - tất cả các đồng minh hoặc các đối tác đặc biệt quan trọng đối với lợi ích kinh doanh của Mỹ. Những nước này phụ thuộc nhiều vào sự tương tác dựa trên internet, khiến họ dễ bị tấn công mạng hơn các nước khác trong khu vực. Nhật Bản, đồng minh chính của Mỹ, cũng không chuẩn bị cho những thách thức mạng trong thế kỷ XXI.

Nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất để ưu tiên tái cân bằng an ninh mạng Châu Á là các mối đe dọa từ Trung Quốc. 3 vấn đề chính trong mối quan ngại của Mỹ và Trung Quốc về an ninh mạng gồm: sự xâm nhập của Bắc Kinh vào mạng lưới doanh nghiệp để ăn cắp tài sản trí tuệ và thông tin kinh doanh độc quyền; sự thâm nhập ngày càng tăng của Mỹ vào hệ thống mạng với mục đích gián điệp; và nguy cơ sử dụng mạng để tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng một khi xảy ra khủng hoảng. Để giải quyết những quan ngại này, Mỹ và Trung Quốc đã thực hiện một số thỏa thuận về an ninh mạng, hoạt động gián điệp mạng và tội phạm mạng hồi tháng 9-2015. Dù đây là những bước đi đầu tiên vững chắc, các cuộc đối thoại Mỹ-Trung vẫn chưa mang lại kết quả khả quan.

Mỹ cần nỗ lực nhiều hơn trong việc giải quyết vấn đề an ninh mạng Châu Á. Ảnh: Diplomat

Tái cân bằng

Tình hình này đòi hỏi Tổng thống Mỹ tiếp theo phải ưu tiên giải quyết toàn diện vấn đề rủi ro mạng tại Châu Á. Thật không may, các quy định về hợp tác an ninh quốc tế của Châu Á tương đối yếu, không thể dẫn đến các thỏa thuận có hiệu quả về an ninh mạng ở mức độ toàn khu vực. Thực tế này đòi hỏi cần đưa ra các quy định một nước phải chịu trách nhiệm về vấn đề an ninh mạng.

Mỹ cần ưu tiên thuyết phục Trung Quốc hiểu rõ ràng hơn về trách nhiệm của nhà nước trong vấn đề an ninh mạng và phát triển thêm các biện pháp hợp tác. Dù vẫn còn nhiều bất đồng đáng kể, Tổng thống Mỹ tiếp theo có thể khuyến khích hợp tác về các vấn đề khác, đặc biệt là an ninh truyền thống, để từ đó tạo nền tảng cho sự ổn định trong một mối quan hệ năng động - đặc biệt là cho các lợi ích thương mại của cả Trung Quốc và Mỹ.

Trong khi ưu tiên thảo luận mạng song phương với Trung Quốc, Mỹ cũng cần hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong khu vực nhằm chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ cần tìm cách cải thiện an ninh mạng khu vực bằng cách khuyến khích tất cả các nước Châu Á có biện pháp bảo vệ tốt nhất an ninh mạng của nước mình.

An Bình
(Theo Diplomat)