Mỹ - Cuba: Nửa thế kỷ từ kẻ thù thành bạn (2)

Thứ tư, 22/07/2015 10:04

* Kỳ II: Thành quả đàm phán bí mật

(Cadn.com.vn) - Việc mở đại sứ quán là đỉnh cao sáng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong nỗ lực làm tan băng quan hệ giữa hai cựu thù Chiến tranh Lạnh, vốn bắt đầu vào tháng 12-2014. Nhưng ít ai biết rằng, để có được thành quả này, cả hai cũng trải qua những tháng ngày đàm phán bí mật đầy gay cấn.

Hình ảnh Chủ tịch Cuba Raul Castro (trái) bắt tay Tổng thống Mỹ Barack Obama tại lễ truy điệu cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela vào tháng 12-2013 khiến nhiều người bất ngờ. Ảnh: AP

Từ cú bắt tay lịch sử...

Ắt hẳn không ai có thể quên được hình ảnh chưa từng thấy: Chủ tịch Cuba Raul Castro chủ động đến bắt tay Tổng thống Mỹ Barack Obama khi cả hai cùng tham dự lễ truy điệu cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela hồi tháng 12-2013.

Hình ảnh hiếm hoi này làm dấy lên nhiều đồn đoán xung quanh mối quan hệ giữa hai cựu thù Chiến tranh lạnh trong tương lai gần. Nhiều người cho rằng, “thời khắc lịch sử” cho Mỹ và Cuba sắp đến. Thật vậy, không phải ngẫu nhiên mà cả hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia thù địch lại có hành động thân thiện như vậy trước sự chứng kiến của nhiều lãnh đạo cấp cao khác. Thực tế, đó là thời điểm cả hai đang tổ chức đàm phán bí mật để cuối cùng đi đến quyết định bình thường hóa quan hệ song phương vào tháng 12-2014.

...Đến tuyên bố bình thường hóa quan hệ

Theo các nguồn tin, để có được thành quả như hiện nay, các đoàn ngoại giao của Washington và La Havana trải qua hơn 18 tháng đàm phán bí mật.

Năm 2012, ngay sau khi tái đắc cử, Tổng thống Obama triệu tập các cố vấn yêu cầu cần có chiến lược mới cho nhiệm kỳ II, trong đó ưu tiên tìm kiếm mối quan hệ thân thiện hơn với La Havana. Mỹ bắt đầu hướng đến Cuba từ đầu năm 2013 với điều kiện tiên quyết là La Havana phải trả tự do cho công dân Mỹ Alan Gross - vốn phải ngồi tù ở Cuba 5 năm qua vì tội hoạt động gián điệp và xâm nhập bất hợp pháp. Đáp lại, Washington cũng thả 3 cựu chiến sĩ tình báo Cuba trong nhóm 5 người bị kết án tù từ năm 2001. Các cuộc đàm phán bí mật diễn ra từ đó dưới bàn tay trung gian của Tòa thánh Vatican và Canada. Và các bên đã thành công ngoài mong đợi.

Lễ kéo cờ Cuba tại tòa Đại sứ Cuba ở thủ đô Washington ngày 20-7. Ảnh: Reuters

Di sản Obama

Dù từng tuyên bố sẽ ngồi vào bàn đàm phán với Cuba nếu đắc cử tổng thống, nhưng trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Obama hoàn toàn phớt lờ quốc gia thù địch này.

Mọi việc thay đổi ngay trong thời gian đầu của nhiệm kỳ thứ hai. Trên thực tế, không ít lần, Mỹ - Cuba đứng trước cơ hội lớn để thiết lập lại mối quan hệ nhưng tất cả đều không trở thành hiện thực. Và quan hệ hai nước đóng băng trong 8 đời tổng thống.

Ông Obama, người gây bất ngờ khi giành giải Nobel Hòa bình chỉ 9 tháng sau khi đắc cử Tổng thống năm 2008, phải vượt qua những cáo buộc của các nghị sĩ diều hâu rằng, ông chủ Nhà Trắng đã nhượng bộ quá nhiều cho La Havana. Dù vậy, vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ vẫn gạt qua những chỉ trích này để bảo vệ chính sách ngoại giao ưu tiên của mình. Và ông đã thành công.

Ngoài Cuba, Tổng thống Obama cũng ráo riết ưu tiên cho bàn đàm phán hạt nhân Iran. Giới phân tích cho rằng, thành công một phần đến từ quyết tâm của các Tổng thống Mỹ - những người thông thường sẽ có những quyết sách mạnh mẽ hơn trong các vấn đề ưu tiên vào nhiệm kỳ II, nhằm mục đích đánh dấu kỳ tích nào đó trước khi rời Nhà Trắng.

Và thật sự, cùng với thành quả trên bàn đàm phán hạt nhân Iran, việc bình thường hóa quan hệ với Cuba được xem như là di sản để đời của ông Obama – vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

Khả Anh