Mỹ đưa quân đến gần biên giới Ukraine, Nga tập trận tấn công hạt nhân
Sẵn sàng tiến vào lãnh thổ Ukraine
Theo hãng tin CBS News, Mỹ vừa điều Sư đoàn Dù 101 của lực lượng lục quân Mỹ đang đóng quân ở Romania, đến gần biên giới Ukraine. Truyền thông Mỹ cho rằng, lực lượng này sẵn sàng tiến vào lãnh thổ Ukraine nếu cuộc xung đột Nga - Ukraine leo thang thêm nữa và lan sang một nước thuộc NATO.
Hiện có tổng cộng khoảng 4.700 binh sĩ Mỹ thuộc Sư đoàn dù 101 được triển khai tới châu Âu. Theo Chuẩn tướng kiêm Phó Tư lệnh Sư đoàn John Lubas nói với CBS News, các binh sĩ bắt đầu đến Romania vào tháng 6-2022 và hiện đã bắt đầu huấn luyện trong khu vực cùng với quân Romania. Tại Romania, lực lượng này đang tham gia các cuộc tập trận bắn đạn trên bộ và trên không cùng với lực lượng của các nước thành viên NATO khác. Đại tá Edwin Matthaidess, chỉ huy Lữ đoàn 2 thuộc Sư đoàn dù 101, cho biết đơn vị này là lực lượng Mỹ hiện diện gần nhất với chiến trường Ukraine và đang "theo dõi sát sao" các hành động của Nga.
Trước đó có thông tin cho rằng Mỹ sẽ gửi thêm binh sĩ tới biên giới của Nga, Washington cũng sẽ gửi thêm vũ khí và quân đội đến Estonia. Trong khi đó, phương Tây tiếp tục bơm vũ khí vào Ukraine, cung cấp cho Lực lượng vũ trang Ukraine xe tăng, xe tải quân đội, máy kéo và xe chiến đấu bộ binh. Chỉ trong 24 giờ qua, 8 xe tăng và 24 xe chiến đấu bộ binh đã đến lãnh thổ Ukraine, và trong vài ngày tới, Ukraine có thể nhận thêm 20 xe chiến đấu bộ binh.
Trong đó, 20 xe chiến đấu bộ binh BMP-1 của Hy Lạp đã vượt biên giới Romania và Ukraine vào ban đêm. Những chiếc xe đến Romania và sau đó được đưa lên các phương tiện của Ukraine để vận chuyển đến các căn cứ của họ. Ngoài ra, các thiết bị quân sự từ Cộng hòa Czech (6 xe tăng T-72M4, 4 BMP-2) được vận chuyển tới Ukraine thông qua Ba Lan.
Trước động thái này của Mỹ và châu Âu, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Lực lượng Mỹ càng tiến gần biên giới của chúng tôi, mối nguy hiểm đối với chúng tôi càng lớn. Tất nhiên, chúng tôi sẽ chống trả để đảm bảo an ninh của mình". Ông Peskov cũng khẳng định hành động đưa quân tới trước "cửa nhà" của Nga sẽ "không đóng góp gì cho sự ổn định".
Ông Putin giám sát tập trận hạt nhân
Ngày 26-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân giám sát các cuộc tập trận quân sự liên quan đến việc tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân trả đũa. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết mục đích của các cuộc tập trận ngày 26-10 là kiểm tra "sự sẵn sàng của các lực lượng tấn công chiến lược của Nga trong việc tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân lớn nhằm đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân của kẻ thù".
Theo Điện Kremlin, dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Putin, cuộc tập trận có sự tham gia của tất cả các lực lượng phòng thủ chiến lược trên bộ, trên biển và trên không. Các tên lửa đạn đạo Sineva phóng từ biển Barents và tên lửa liên lục địa Yars phóng từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở vùng Arkhangelsk đã đánh trúng các mục tiêu được chỉ định trên bán đảo Kamchatka ở Viễn Đông của Nga. Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 cũng tham gia tập trận. Mọi nhiệm vụ đều được hoàn thành đầy đủ, tất cả các tên lửa đều trúng mục tiêu đã định, đảm bảo tiêu chuẩn đề ra.
Mặc dù Moscow đã thông báo trước cho Washington về cuộc tập trận, Mỹ vẫn cảm thấy bất an khi mà họ chỉ được thông báo đúng một ngày trước hoạt động quân sự đặc biệt này. Tổng thống Putin đã ra lệnh tăng cường mức độ sẵn sàng của các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga vào cuối tháng 2 vừa qua, vài ngày sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Căng thẳng gia tăng sau cáo buộc bom bẩn
Trong cuộc họp với lãnh đạo tình báo của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG) hôm 26-10, Tổng thống Nga Putin vừa tái khẳng định quan điểm của Moscow cho rằng Ukraine đang chuẩn bị sử dụng một quả bom bẩn - một loại thiết bị nổ thông thường nhưng chất đầy vật liệu phóng xạ sẽ bung ra khi quả bom phát nổ. Giới chức Ukraine và các nước phương Tây đã bác bỏ cáo buộc đó của Tổng thống Putin và giới chức Nga. Họ cho rằng Kremlin đang đưa ra lời cảnh báo để tạo cớ cho một cuộc tấn công mới nhằm làm leo thang căng thẳng Ukraine.
Tổng thống Putin cũng cảnh báo rằng nguy cơ xung đột lớn hơn trong khu vực và trên thế giới vẫn rất cao. Từ đó, ông khuyến cáo gia tăng an ninh quanh các cơ sở hạ tầng trọng yếu. Lặp lại quan điểm của nhà lãnh đạo Nga, Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Moscow sẽ tiếp tục "mạnh mẽ" theo đuổi các cáo buộc của họ nhằm vào ý đồ của Ukraine "triển khai một quả bom bẩn trong xung đột". Hiện chưa một quân đội chính quy nào sử dụng bom bẩn.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Nga Putin tuyên bố rằng Mỹ đã biến Ukraine thành công cụ phục vụ chính sách đối ngoại của họ. Ông cho rằng Ukraine đã trở thành "khối phá thành" trong tay Mỹ để chống phá Nga, Liên minh Nhà nước giữa Nga và Belarus, và chống lại Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) cũng như SNG.
AN BÌNH