Mỹ "nắn gân" trước thềm đàm phán Nga – Ukraine
Hôm 23-7, Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với vòng đàm phán hòa bình thứ ba giữa Ukraine và Nga, dự kiến diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-7. Cùng ngày, Mỹ để ngỏ khả năng áp lệnh trừng phạt đối với dầu Nga nhằm buộc Moscow chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
Mục tiêu của vòng đàm phán này, như tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodtmyr Zelensky ngày 21-7, theo kênh RT của Nga, là nhằm giải quyết các vấn đề nhân đạo, như trao đổi tù binh chiến tranh mới và đàm phán về khả năng tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước. Trong khi đó, ngày 22-7, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết tại vòng đàm phán trực tiếp thứ ba sắp tới, Nga và Ukraine sẽ tập trung thảo luận dự thảo bản ghi nhớ về giải quyết xung đột mà hai bên đã trao đổi tại vòng hòa đàm trước đó. Ông Peskov cũng cho rằng các chủ đề đàm phán khá phức tạp, đồng thời hy vọng vòng đàm phán mới giữa Nga và Ukraine sẽ diễn ra trong tuần này ngay khi Moscow sẵn sàng và sẽ thông báo thời gian cụ thể. Khi được hỏi về thời điểm có thể đạt được một thỏa thuận khả thi về giải quyết vấn đề Ukraine, ông Peskov cho biết điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Về phía Mỹ, trong cuộc họp báo ngày 22-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Tammy Bruce, xác nhận rằng Washington đã nắm được thông tin về các cuộc đàm phán sắp tới. Trả lời câu hỏi của báo The Kyiv Post, bà Bruce cho biết Mỹ "tiếp tục khuyến khích các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine nhằm hướng tới một lệnh ngừng bắn toàn diện và cuối cùng là một thỏa thuận hòa bình thông qua đàm phán".
Khi được báo The Kyiv Post hỏi về đánh giá của Washington đối với các đợt tấn công hiện tại của Nga, bà Bruce cảnh báo không nên vội vàng rút ra kết luận chỉ sau một tuần kể từ khi bắt đầu thời hạn mà ông Trump đưa ra. Bà Bruce lưu ý rằng trong đàm phán ngoại giao, "mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh" và những thời hạn như vậy là "những cơ hội" mang tính tín hiệu về các phương án tiềm năng, chứ không phải là yếu tố quyết định duy nhất. Bà Bruce nhấn mạnh thêm rằng ông Trump "không hài lòng với những gì đang xảy ra và các lựa chọn mà Nga đang theo đuổi". Dù Mỹ không tham gia trực tiếp vào cuộc đàm phán hoà bình Nga-Ukraine, nhưng bà Bruce khẳng định Washington vẫn hoàn toàn ủng hộ việc tổ chức đối thoại này.
Cũng tại buổi họp báo, bà Bruce cho biết, Washington sẽ triển khai "nhiều công cụ" để đối phó với các quốc gia đang cung cấp vật tư phục vụ chiến tranh cho Nga. Bà Bruce đặc biệt nhấn mạnh đến Trung Quốc, khẳng định rằng "khoảng 80% vật liệu lưỡng dụng mà Nga sử dụng là đến từ Trung Quốc". Phía Trung Quốc chưa đưa ra bình luận tức thời về thông tin nêu trên của bà Bruce.
Theo báo The Kyiv Post, trong cuộc họp báo, bà Bruce còn khẳng định rằng mọi biện pháp hay hành động đáng kể liên quan đến thương mại với Nga đều sẽ được thực hiện trực tiếp theo chỉ đạo từ Tổng thống Trump, dựa trên các nguồn tin tình báo đã được xác minh. "Không ai nên cảm thấy thoải mái với những lựa chọn mà họ đưa ra. Họ nên cẩn trọng với đối tượng mà họ giao thương và cung cấp hàng hóa", bà Bruce cảnh báo.
Mỹ cũng để ngỏ khả năng áp lệnh trừng phạt đối với dầu Nga nhằm buộc Moscow chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 23-7, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright cảnh báo Washington có thể áp thuế đối với các nước mua dầu của Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt khác nhằm buộc Moscow tìm cách chấm dứt xung đột với Ukraine. "Đây là sức ép lớn nhất mà chúng ta có thể gây ra cho họ", ông Wright nhấn mạnh. Mỹ là nhà sản xuất dầu khí hàng đầu thế giới. Theo Bộ trưởng Wright, điều này đồng nghĩa với việc Mỹ có thể hành động theo cách chưa từng thấy trước đây.
Kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang năm 2022, Mỹ đã áp hàng loạt biện pháp trừng phạt lên Moscow, nhắm vào các thể chế tài chính, thương mại và xuất khẩu năng lượng. Trong tối hậu thư gửi Nga gần đây, Tổng thống Trump dọa áp thuế lên tới 100% đối với các quốc gia tiếp tục giao thương với Nga, trừ khi đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 50 ngày. Giới quan sát cho rằng Tổng thống Trump đang sử dụng cách tiếp cận "cây gậy và củ cà rốt" với Nga, bao gồm những lời đe dọa trừng phạt nhằm vào Nga và các đối tác của Moscow.
Nga nhiều lần chỉ trích các lệnh trừng phạt phương Tây là bất hợp pháp và khẳng định chúng không gây thiệt hại kinh tế lâu dài. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các lệnh trừng phạt đang gây thiệt hại cho phương Tây nhiều hơn là cho Nga.
B.N