Mỹ - Nga - Trung trong cuộc đua ngoại giao vaccine ngừa COVID-19

Thứ bảy, 12/06/2021 16:01

Cạnh tranh giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga đang nóng lên trên một mặt trận mới, đó là ngoại giao vaccine COVID-19.

Các thùng vaccine ngừa COVID-19 do Trung Quốc tài trợ được đưa xuống sân bay quốc tế Damascus ở Syria hồi tháng 4-2021.

Cạnh tranh Mỹ-Nga-Trung

Trong bối cảnh các nước chạy đua với thời gian để tiêm vaccine cho người dân trong nước, thì ngoại giao vaccine đã trở thành một thành phần quan trọng trong địa chính trị. Trung Quốc là một trong những người chơi tích cực muốn dùng vaccine COVID-19 để tăng sức mạnh mềm. Ngay từ khi chưa có "mạnh thường quân" nào đưa ra một lời hứa hẹn, các nước G7 vẫn đang vật lộn với quyền sở hữu trí tuệ vaccine, thì Bắc Kinh đã khéo léo dùng những cách tấn công "ngọt ngào", đưa vaccine do Trung Quốc sản xuất, cụ thể là Sinopharm và Sinovac, đến được 69 quốc gia đang phát triển ở 5 châu lục. Tuần báo Nikkei Asia dẫn số liệu từ trang Bridge Consulting cho biết tới nay Trung Quốc đã tặng gần 22 triệu liều vaccine COVID-19 cho các nước, gồm 13,7 triệu liều ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 6,08 triệu liều ở Châu Phi, 1,27 triệu liều ở Mỹ Latinh và phần còn lại ở Châu Âu. Nước này cũng có thỏa thuận bán tổng cộng 732 triệu liều cho các nước. Bằng hàng triệu liều vaccine COVID-19, Trung Quốc gần như không có đối thủ trong ngoại giao vaccine, giúp gia tăng ảnh hưởng toàn cầu và thắt chặt quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước khác.

Tuy nhiên, chuyên gia chính sách và quản lý y tế Yanzhong Huang nói với CNBC rằng, Mỹ giờ đây đang bắt kịp Trung Quốc, trong bối cảnh Nhà Trắng đã đặt ra các kế hoạch viện trợ hàng triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho nước ngoài. Đầu tháng 6 và vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã chính thức công bố những chi tiết đầu tiên về việc Mỹ gửi 80 triệu liều vaccine COVID-19 trong kho dự trữ của mình cho thế giới vào cuối tháng 6, nhằm sớm "chấm dứt đại dịch trên toàn cầu". Trong 25 triệu liều đầu tiên trong tổng số 80 triệu liều này, gần 19 triệu liều (tương đương 75%) được chia sẻ thông qua cơ chế COVAX do LHQ hậu thuẫn, với 7 triệu liều dành cho Châu Á, 6 triệu liều dành cho Nam và Trung Mỹ, và 5 triệu liều dành cho Châu Phi. Mỹ sẽ giữ 25% số vaccine còn lại (hơn 6 triệu liều) cho các trường hợp khẩn cấp và chia sẻ với các đồng minh, đối tác. Trong bài phát biểu tại thượng định G-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ tuyên bố kế hoạch mua thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer để chia sẻ với gần 100 nước đang có nhu cầu khẩn cấp, có thu nhập thấp hơn và Liên minh Châu Phi trong năm tới thông qua COVAX. Ngoài ra, theo CNBC, chính quyền Biden cũng đang đàm phán với Morderna để đảm bảo có thêm vaccine ngừa Covid-19 cung cấp cho thế giới. Tổng thống Biden tự tin tuyên bố Mỹ sẽ là "kho vaccine của thế giới" trong cuộc chiến chung chống lại COVID-19. "Sự lãnh đạo mạnh mẽ của Mỹ là cần thiết đối với việc chấm dứt đại dịch lúc này và đối với việc tăng cường an ninh y tế toàn cầu trong tương lai, để ngăn ngừa, phát hiện và phản ứng tốt hơn với mối đe dọa kế tiếp", ông Biden nhấn mạnh ngày 3-6.

Trong khi đó, ngay từ khi được đăng ký đầu tiên trên thế giới, vaccine Sputnik V đã là "dự án uy tín" đối với Nga. Đến nay có 66 quốc gia đã phê duyệt sử dụng Sputnik V và vaccine này đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng ở các quốc gia đang phát triển. Tại Ấn Độ, Sputnik V của Nga đã đổ bộ đầu tiên vào thành phố Hyderabad đúng thời điểm vaccine khan hiếm. Không để tụt lại phía sau, Mỹ cũng thông báo về khoản hỗ trợ trị giá 100 triệu USD và kế hoạch sản xuất 100 liều vaccine ở Ấn Độ, vào cuối năm 2022. Nhưng tuyên bố của Washington dường như đến hơi muộn, "Sputnik V đã nhận được đơn đặt hàng 1,2 tỷ liều và Nga sẽ sản xuất 500 triệu liều vào năm 2022. Nga dường như đã đi trước 1 bước trong việc thiết lập sự hiện diện trên thị trường vaccine thế giới. 

Vấn đề không chỉ nằm ở việc chia sẻ vaccine

Các chuyên gia và các quan chức y tế hoan nghênh kế hoạch chia sẻ vaccine của Mỹ, Nga và Trung Quốc cho các nước đang phát triển, nhưng một số người cho rằng, vấn đề không đơn thuần chỉ nằm ở việc viện trợ vaccine nhằm thu hẹp khoảng cách tiêm chủng đang đe dọa kéo dài đại dịch OVID-19. Một số chuyên gia nhận định rằng, chỉ viện trợ vaccine thôi sẽ không đủ để thu hẹp khoảng cách trong nguồn cung, mà cần phải chuyển giao công nghệ để các công ty chất lượng trên khắp thế giới có thể tự sản xuất vaccine mà không vấp phải rào cản từ quyền sở hữu trí tuệ. 

Nếu thực hiện được, đây sẽ thực sự là "đòn quyết định" có lợi cho nhân loại. Tổng thống Biden đã thông báo, Mỹ sẽ mở rộng sản xuất và phân phối vaccine trên toàn cầu. Về bản chất, nó không chỉ có nghĩa là tăng cường sản xuất ở Mỹ mà là đa dạng hóa các trung tâm sản xuất vaccine COVID-19 ở các khu vực khác nhau trên toàn cầu. "Mỹ ủng hộ nỗ lực tạm thời từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19", tuyên bố mới nhất đáng chú ý của Tổng thống Biden. Hôm 5-6, Tổng thống Vladimir Putin cũng tuyên bố Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới hiện nay sẵn sàng chuyển giao công nghệ và mở rộng sản xuất vaccine COVID-19 ở nước ngoài.

AN BÌNH