Mỹ quyết chặn nguồn tài chính của Houthi

Thứ bảy, 30/12/2023 11:43
Ngày 28-12, Mỹ đã áp đặt trừng phạt một cá nhân và ba công ty chuyển tiền bị cáo buộc tạo điều kiện thuận lợi cho dòng tài chính hỗ trợ phong trào Houthi tại Yemen.
Tàu USS Carney phóng tên lửa đánh chặn mục tiêu ở Biển Đỏ đêm 19-10. Ảnh: US Navy
Tàu USS Carney phóng tên lửa đánh chặn mục tiêu ở Biển Đỏ đêm 19-10. Ảnh: US Navy

Bộ Tài chính Mỹ cho biết hai trong số các cơ sở chuyển tiền có trụ sở tại Yemen và cơ sở còn lại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách chống khủng bố và tình báo tài chính Brian Nelson tuyên bố hành động này nhấn mạnh quyết tâm hạn chế dòng tiền bất hợp pháp dành cho Houthi, lực lượng mà Mỹ cho rằng đang "tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công nguy hiểm đối với vận tải biển quốc tế và có nguy cơ gây bất ổn hơn nữa cho khu vực".

Quyết định mới sẽ đóng băng mọi tài sản tại Mỹ thuộc về các thực thể bị nêu tên, trong khi công dân và tổ chức Mỹ bị cấm tiến hành giao dịch với các đối tượng này. Theo tuyên bố, các biện pháp trên nhắm vào một mạng lưới mà Said al-Jamal, nhà tài phiệt hoạt động tại Iran bị Mỹ trừng phạt từ tháng 6-2021, sử dụng để chuyển tiền cho lực lượng Houthi.

Mỹ bắn hạ UAV, tên lửa của Houthi

Ngày 28-12, Mỹ cho biết họ đã bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) và một tên lửa đạn đạo chống hạm ở phía Nam Biển Đỏ do Houthi phóng. "Tàu (khu trục mang tên lửa dẫn đường) USS Mason (DDG 87) đã bắn hạ một máy bay không người lái và một tên lửa đạn đạo chống hạm ở phía nam Biển Đỏ do lực lượng Houthi bắn", Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết trong một tuyên bố hôm 29-12. "Không có thiệt hại đối với bất kỳ tàu nào trong số 18 tàu trong khu vực hoặc có trường hợp nào bị thương", CENTCOM xác nhận.

Theo hãng tin Reuters, đây là lần thứ 22 lực lượng Houthi tìm cách tấn công hoạt động vận tải biển quốc tế kể từ ngày 19-10. Kể từ khi xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel bùng phát ngày 7-10 vừa qua, lực lượng Houthi ở Yemen đã tiến hành một số vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào Israel cũng như các tàu thương mại hướng đến nước này đi qua Biển Đỏ. Lực lượng này tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động tấn công cho đến khi Israel ngừng chiến dịch quân sự tại Dải Gaza và cho phép phân phối hàng cứu trợ tới dân thường Palestine tại vùng lãnh thổ này. Theo Lầu Năm Góc, kể từ khi xung đột ở Gaza bùng phát, lực lượng Houthi đã tiến hành hơn 100 vụ tấn công bằng UAV và tên lửa, nhắm vào 10 tàu thương mại liên quan đến 35 quốc gia di chuyển trên Biển Đỏ. Đây là tuyến đường vận tải biển quan trọng của thế giới, với 12% lưu lượng hàng hóa thế giới lưu chuyển qua đây.

Trước đó, ngày 26-12, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo lực lượng nước này cũng đã bắn hạ hàng chục UAV và tên lửa do lực lượng Houthi phóng vào các tàu thương mại di chuyển ở Biển Đỏ.

EU cân nhắc mở rộng sứ mệnh chống cướp biển sang Biển Đỏ

Ngày 28-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết Đức và các đối tác thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc triển khai một sứ mệnh hàng hải mới để bảo vệ các tàu thương mại trước mối đe dọa an ninh ở Biển Đỏ. Người phát ngôn trên nêu rõ Chính phủ Đức sẵn sàng tham gia sứ mệnh này và điều quan trọng là EU cần hành động nhanh chóng trước những cuộc tấn công đang diễn ra. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại chưa có quyết định nào được đưa ra. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết thêm tại Brussels, EU đã tiến hành cuộc thảo luận về việc mở rộng sứ mệnh chống cướp biển Atalanta sang Biển Đỏ, nhưng chưa có quyết định chính thức.

Trước đó, Mỹ đã thành lập một liên minh an ninh và phát động chiến dịch "Người bảo vệ thịnh vượng" nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động vận tải hàng hóa trên Biển Đỏ. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đã có hơn 20 nước tham gia liên minh. Theo người phát ngôn trên, Đức vẫn đang xem xét khả năng tham gia sứ mệnh này. Tây Ban Nha, Italy và Pháp đã phủ nhận việc tham gia liên minh, đồng thời khẳng định cam kết hoạt động dưới sự chỉ huy của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay EU.

AN BÌNH