Mỹ rút tàu sân bay khỏi vùng Vịnh, dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng với Iran?

Thứ năm, 04/02/2021 15:36

Việc rút tàu sân bay USS Nimitz ra khỏi Vùng Vịnh được đánh giá là bước đi tích cực, cho thấy khả năng Mỹ có thể muốn hạ nhiệt căng thẳng với Iran, đặc biệt trong bối cảnh Iran đang tiếp tục các hoạt động tăng cường làm giàu uranium.

Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ.   Ảnh: AFP

Không cần thiết cho nhu cầu an ninh

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby ngày 2-2 thông báo, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz đang rời vùng hoạt động của Bộ tư lệnh Trung tâm và di chuyển đến khu vực do Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phụ trách, kết thúc hơn 270 ngày hiện diện gần Iran. Người phát ngôn này cũng khẳng định, chính quyền mới của Mỹ không nhận thấy việc giữ tàu sân bay này ở đó là cần thiết cho các nhu cầu an ninh của Mỹ. Ông Kirby nhấn mạnh, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin "tin rằng, chúng tôi có sự hiện diện mạnh mẽ ở Trung Đông đủ để đối phó" với bất kỳ mối đe dọa nào. Bên cạnh đó, ông lưu ý thêm, người đứng đầu Lầu Năm Góc lưu tâm đến bức tranh địa chiến lược lớn hơn khi thông qua quyết định di chuyển tàu sân bay này.

Với quyết định mới nhất này, Mỹ sẽ không còn tàu sân bay nào hoạt động tại Trung Đông. Đây có thể được coi là một trong những tín hiệu tích cực cho thấy Mỹ có thể có ý định xoa dịu tình hình với Iran sau những căng thẳng leo thang thời gian gần đây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm qua tiếp tục khẳng định lập trường của Mỹ: “Nếu Iran tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân 2015, Mỹ cũng sẽ có bước đi tương tự.  Chúng tôi sẽ coi đây là nền tảng để xây dựng một thỏa thuận mạnh mẽ và lâu dài hơn, giúp giải quyết tất cả các lĩnh vực khác mà các bên còn e ngại”.

Chưa đủ để hạ nhiệt 

Với bước đi thiện chí mới nhất của Mỹ, giới quan sát cho rằng vẫn là chưa đủ để có thể hạ nhiệt căng thẳng với Iran. Bước đi của Mỹ được thực hiện trong bối cảnh Iran tiếp tục có các hành động phá vỡ các cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân 2015, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hôm 2-2 đưa ra báo cáo cho biết Iran đã bắt đầu làm giàu uranium với tổ máy thứ hai gồm các máy ly tâm IR-20 tân tiến tại trung tâm hạt nhân Natanz, tiếp tục vi phạm thỏa thuận với các cường quốc. Trước đó, hồi tháng 12, Iran cũng đã thông báo cho IAEA rằng, họ có kế hoạch lắp đặt thêm 3 tầng IR-2m ở đó, một trong số đó hiện đã được đưa công khai trên mạng. Báo cáo tiết lộ: "Cơ quan cũng xác minh, việc lắp đặt tầng thứ 2 trong số 3 tầng (phụ) nói trên của máy ly tâm IR-2m đã gần hoàn thành và việc lắp đặt tầng thứ 3 trong số các tầng này đã bắt đầu".

Trước đó, ngày 1-2, Bộ Quốc phòng Iran thông báo nước này đã thử thành công tên lửa đẩy mới có khả năng đưa vệ tinh nặng hơn 220 kg lên quỹ đạo. Theo hãng thông tấn Mehr, vụ thử được tiến hành tại trung tâm nghiên cứu vũ trụ của Iran tại tỉnh Semnan, miền Trung nước này.

Trước diễn biến này, ngày 2-2 (giờ địa phương), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại về động thái của Iran. Theo đó, Mỹ duy trì quan ngại về nỗ lực phát triển các phương tiện phóng vào không gian (SLV) của Iran, do các chương trình có khả năng thúc đẩy phát triển tên lửa đạn đạo của quốc gia Hồi giáo.

Liên quan việc Ngoại trưởng Iran Mohamad Javad Zarif đề xuất Liên minh châu Âu (EU) phối hợp nhằm đưa Mỹ và Iran quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, người phát ngôn mới của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, còn quá sớm để chấp nhận đề xuất này. Ông Ned Price nói với các phóng viên rằng: "Nếu Iran trở lại tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo JCPOA, Mỹ sẽ làm điều tương tự". Bên cạnh đó, ông lưu ý thêm, Mỹ sẽ tham khảo ý kiến các đồng minh, đối tác, cũng như Quốc hội trước khi tham gia đối thoại trực tiếp với Iran và sẵn sàng xem xét bất kỳ đề xuất nào.

Foad Izadi, giáo sư, Khoa Nghiên cứu Thế giới, Đại học Tehran nhận định: “Thời điểm này Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Iran vẫn chờ họ thực hiện phần việc của mình. Nếu Mỹ làm điều đó, quay trở lại với JCPOA thì Iran cũng sẽ quay trở lại tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận lịch sử này, như các nhà lãnh đạo Iran đã nói”.

Trên thực tế, cả chính quyền mới của Mỹ và Iran đều đang muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, song chưa bên nào tỏ rõ ý định nhượng bộ trước. Mặc dù vấn đề hạt nhân Iran được nhận định có triển vọng sáng sủa khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được đánh giá có cách tiếp cận mềm dẻo hơn so với thời chính quyền tiền nhiệm. Song từ những diễn biến hiện tại có thể thấy bất đồng giữa Mỹ-Iran về vấn đề hạt nhân sẽ khó giải quyết trong một sớm một chiều. Chính Ngoại trưởng Mỹ, ông Antony Blinken mới đây thừa nhận, Mỹ còn "một chặng đường dài" để tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

AN BÌNH